Bây giờ thì cả thế giới đều quen tên Ronaldo, nhưng 19 năm trước, năm 2003 thì chưa phải vậy. Đó vẫn còn là thời tên tuổi “Ronaldo Béo” lừng vang cả thế giới.
Gần giữa tháng 8 năm 2003, tôi và thầy giáo dạy Văn Nguyễn Tấn Huy từ Quảng Ngãi lên Cao Bằng chơi, thăm nhà thơ Trần Hùng - một người em “xã hội” thân thiết của tôi từ nhiều năm trước. Bấy giờ anh Trần Hùng đã là Chánh văn phòng tỉnh ủy Cao Bằng, và anh đón hai chúng tôi rất đỗi yêu thương, chu đáo. Chúng tôi được ở Nhà khách tỉnh ủy Cao Bằng, và ngay hôm đầu lên Cao Bằng, đúng ngày 16.8.2003, anh Trần Hùng đã tổ chức liên hoan mừng chúng tôi lên chơi với Cao Bằng. Trong cuộc vui chiều hôm đó, tôi và Nguyễn Tấn Huy đã uống hơi nhiều. Lý do cũng rất vui: cô Phó văn phòng của Trần Hùng là một “cây rượu” có đẳng cấp, cứ mời hai chúng tôi cạn chén, hết chén này tới chén khác, vui thì thật vui nhưng hơi… say. Khi về Nhà khách, tôi lại biết tối đó khai mạc giải Ngoại hạng Anh, và VTV trực tiếp truyền hình trận MU-Bolton Wanderers. Thời gian ấy tôi đã cộng tác viết bình luận bóng đá, đặc biệt là giải Ngoại hạng Anh, với một số tờ báo thể thao trong nước. Xem hết hiệp 1 trận MU-Bolton, tôi viết ngay được nửa bài, chê MU hết lời vì họ đá không hay. Hiệp 2, vào phút 61, HLV Ferguson cho thay người. Nicky Butt ra nghỉ, Ronaldo vào thay. Đó là lần đầu tiên tôi được xem Ronaldo chơi bóng, lại là chơi cho MU, và mang áo số 7 - số áo huyền thoại ở CLB lừng danh này. Nghe BLV của VTV giới thiệu, tôi biết Ronaldo vừa được MU mua về từ CLB Sporting Lisbon, giá không hề rẻ với cầu thủ mới 18 tuổi, lại từ Bồ Đào Nha, mà trước đó, MU chưa hề mua một cầu thủ nào từ đất nước này. Tôi cùng Nguyễn Tấn Huy xem Ronaldo đá, và tôi bỗng kêu lên: “Ronaldo mới” đã xuất hiện rồi, Huy ơi!”. Đúng là tuy mới về MU, mới vào sân từ hiệp 2, nhưng lối chơi khuấy đảo đầy tính nghệ thuật của Ronaldo đã thu hút tôi hoàn toàn. Chỉ 30 phút trên sân, anh mang về một quả penalty cho MU, nhưng Van Nistelrooy không thực hiện thành công.
Trận đấu vừa kết thúc, tôi cắm cúi viết tay nửa bài còn lại với sắc thái khác hẳn: đầy ca ngợi, nhất là ca ngợi Ronaldo. Tôi đặt đầu đề bài viết thật đơn giản: “Ronaldo mới”. Nhờ thầy giáo Nguyễn Tấn Huy mang ngay ra Bưu điện Cao Bằng để fax về cho tòa soạn báo thể thao mà bây giờ tôi thật không nhớ là báo thể thao nào. Ngay câu chuyện bài báo “Ronaldo mới” của tôi, chính tôi cũng không nhớ, vì lâu quá rồi. Nhưng thầy giáo Nguyễn Tấn Huy thì nhớ rất rõ, nhớ nhất, là cái đầu đề.
Ai cũng biết, mùa hè 2002, lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại châu Á, do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng đăng cai. Ở giải đó, Ronaldo “Béo” của đội tuyển Brazil đã nổi lên như một siêu sao, và anh đã góp phần quan trọng mang về chiếc Cup Vàng cho Brazil.
Ronaldo “Béo” đang lừng danh thế giới như vậy, thì tôi lại viết bài “Ronaldo mới” vào đêm 16.8.2003, dù mới xem anh đá trận đầu trong màu áo “Quỷ Đỏ”. Kể cũng liều, nhưng đúng là tôi quá thú vị với chàng trai 18 tuổi này. Sau này tôi mới biết, màn trình diễn ra mắt của Ronaldo đã lập tức nhận lời khen từ George Best. Ông nói: "Đã có nhiều cầu thủ được ví von là George Best mới, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy được khen”. Câu nói này của huyền thoại George Best, bây giờ tôi mới biết, còn “Ronaldo mới” thì đã biết, đã viết về anh từ cái đêm 16.8.2003 ấy. Mà viết tại Cao Bằng, nhờ được xem VTV truyền hình trực tiếp trận MU-Bolton mở màn giải Ngoại hạng Anh năm ấy. Hôm qua, khi tôi muốn viết bài này, vì quá xúc động trước những giọt nước mắt của Ronaldo sau trận thua Morocco ở tứ kết, tôi đã gọi điện nhờ nhà thơ Trần Hùng ở Cao Bằng và nhà giáo Nguyễn Tấn Huy ở Quảng Ngãi kiểm chứng hộ một số chi tiết, vì câu chuyện xảy ra đã 19 năm. May quá, hai anh vẫn còn nhớ một số chuyện mà tôi đã quên.
Hóa ra, tôi vinh dự là một trong những người viết báo đầu tiên ở Việt Nam đã viết về Ronaldo khi anh mới 18 tuổi, khi anh vừa ra mắt MU ở giải Ngoại hạng Anh, và anh đã ngay lập tức chinh phục nhiều CĐV Việt Nam mê bóng đá, qua truyền hình. Trong đó, có tôi và thầy giáo Nguyễn Tấn Huy. Xem Ronaldo trình diễn, mà xem tận… Cao Bằng, thật kỳ thú.