Nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ thúc giục chính quyền Biden áp dụng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nữa với quân đội Myanmar.

Các thượng nghị sĩ hối thúc ông Biden bóp nghẹt doanh thu công ty hỗ trợ lớn nhất cho quân đội Myanmar

Nhân Hoàng | 28/04/2021, 09:02

Nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ thúc giục chính quyền Biden áp dụng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nữa với quân đội Myanmar.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia sợ quân đội Myanmar xuyên tạc sự thật

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) được thành lập hôm 16.4 trên danh nghĩa gồm bà Suu Kyi, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình và người dân tộc thiểu số.

NUG đánh giá cao sự hỗ trợ từ các nước Đông Nam Á, nhưng thủ tướng tự xưng của tổ chức này cho biết ông lo ngại về "bất kỳ sự xuyên tạc sự thật nào của quân đội".

Trong tuyên bố đầu tiên kể từ cuộc họp hôm 24.4 do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chủ trì với lãnh đạo quân đội Myanmar, Thủ tướng tự xưng của NUG - Mahn Winn Khaing Thann nói rằng cần phải thả vô điều kiện các tù nhân chính trị, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, vì bất kỳ cuộc đối thoại mang tính xây dựng nào.

Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ được bầu của Suu Kyi vào ngày 1.2, bắt giữ bà và các chính trị gia dân sự khác.

cac-lanh-dao-asean-thuyet-phuc-quan-doi-myanmar-doi-thoai-voi-chinh-phuc-thong-nhat-quoc-gia.jpg
Ảnh đại diện trên trang Facebook của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, được thành lập tuần trước trên danh nghĩa gồm bà Suu Kyi, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình và người dân tộc thiểu số

Hôm 25.4, Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của NUG và Bộ trưởng Nội các tự xưng, nói rằng sẽ không có thỏa hiệp giữa NUG và chế độ quân sự trừ khi các yêu cầu của nhóm được đáp ứng. Ông hoan nghênh những quan ngại được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Trong cuộc phỏng vấn từ một địa điểm không được tiết lộ, Tiến sĩ Sasa cho biết sẽ không có cơ hội đối thoại trừ khi chính quyền quân sự (được gọi là Hội đồng Hành chính Nhà nước) đồng ý với 4 điều kiện.

Không có thỏa hiệp, chúng tôi đã đặt ra 4 điều kiện của mình. Không phải tôi, đó là người dân Myanmar, chúng tôi không thể hợp pháp hóa việc giết người”, ông nói.

NUG đã yêu cầu chính quyền khôi phục các nhà lãnh đạo và nghị sĩ được bầu một cách dân chủ của Myanmar từ cuộc bầu cử tháng 11.2020, bao gồm cả người đứng đầu thực tế của đất nước là bà Aung San Suu Kyi. Các yêu cầu khác là chấm dứt bạo lực với dân thường, loại bỏ binh lính khỏi đường phố và trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Tại hội nghị ở Thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 24.4, các nhà lãnh đạo ASEAN thuyết phục ông Min Aung Hlaing chấm dứt cuộc đàn áp bạo lực chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ khiến ít nhất 750 người chết, trong đó có hàng chục trẻ em, và hơn 4.000 bị bỏ tù.

Theo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2021 – Brunei được đưa ra sau cuộc họp, 5 điểm được các nhà lãnh đạo hoặc đại diện của họ nhất trí với sự đồng ý của Min Aung Hlaing gồm:

1. Bạo lực ở Myanmar sẽ phải chấm dứt ngay lập tức và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế.

2. Đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan sẽ bắt đầu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

3. Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải tiến trình đối thoại, với sự hỗ trợ của Tổng thư ký ASEAN (Lim Jock Hoi. người Brunei).

4. ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa).

5. Đặc phái viên và phái đoàn sẽ thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Tiến sĩ Sasa cho biết: “Dù chúng tôi hoan nghênh các tuyên bố, điều này sẽ được đo lường bằng mức độ hành động của họ. Chúng ta phải chờ xem họ có rút lực lượng hay không”.

Các thượng nghị sĩ hối thúc ông Biden áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với quân đội Myanmar

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ hôm 27.4 đã thúc giục chính quyền Biden áp dụng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nữa với quân đội Myanmar, bao gồm cả việc bóp nghẹt doanh thu một công ty năng lượng nước này, để đối phó với cuộc đảo chính và đàn áp bạo lực đối với người biểu tình.

Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (đảng viên Dân chủ), Marco Rubio (đảng viên Cộng hòa) và bốn người khác đã thúc giục Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen qua một lá thư  "khám phá những con đường mới để hỗ trợ người dân Myanmar trong cuộc đấu tranh liên tục vì dân chủ khi đối mặt với tội ác chống lại loài người ngày càng leo thang".

Họ muốn chính quyền Biden chặn dòng tiền từ các doanh nghiệp Mỹ, gồm cả tập đoàn năng lượng lớn Chevron Corp, sang Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar (MOGE), một cơ quan thuộc Bộ Năng lượng.

MOGE cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà lãnh đạo quân sự, bao gồm cả Thượng tướng Min Aung Hlaing – vốn đã bị Mỹ trừng phạt.

MOGE là đối tác của Yadana, mỏ khí đốt tự nhiên ở Myanmar mà Chevron Corp có 28,3% cổ phần.

Các nhóm nhân quyền đã thúc giục các công ty năng lượng bao gồm Chevron và Total cắt đứt quan hệ với Myanmar sau khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Aung San Suu Kyi, giam giữ bà và đàn áp những người biểu tình. Hơn 750 người đã thiệt mạng kể từ đó.

Nhóm thượng nghị sĩ cho biết doanh thu khí đốt từ các công ty liên doanh với Total và Chevron là nguồn thu ngoại hối quan trọng nhất với Chính phủ Myanmar, tạo ra khoản thanh toán tiền mặt khoảng 1,1 tỉ USD hàng năm.

Họ đề xuất các liên doanh trả doanh thu vào một quỹ ủy thác được giữ cho đến khi Myanmar có chính phủ được bầu cử dân chủ hoặc được sử dụng cho các mục đích nhân đạo, theo bức thư mà Reuters nhìn thấy.

Một đại diện của Chevron cho biết việc chuyển doanh thu hoặc nợ thuế cho MOGE vào tài khoản ký quỹ "có thể bị coi là vi phạm hợp đồng, khiến nhân viên các đối tác liên doanh có nguy cơ bị truy tố hình sự".

Chevron đã trả khoảng 50 triệu USD cho Myanmar từ năm 2014 đến năm 2018, theo Sáng kiến ​​Minh bạch Công nghiệp Khai thác – tổ chức hoạt động nhằm tăng cường tính minh bạch trong kinh doanh quốc tế.

Bài liên quan
'Người Myanmar tiếp tục biểu tình, đình công đến khi chế độ quân sự thất bại sau hội nghị ASEAN'
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Myanmar không đồng tình thỏa thuận giữa người đứng đầu quân đội nước này với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực hậu đảo chính và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thượng nghị sĩ hối thúc ông Biden bóp nghẹt doanh thu công ty hỗ trợ lớn nhất cho quân đội Myanmar