Campuchia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng trong cuộc chiến ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 đột biến liên tục với việc tiêm thành công cho 279.077 trẻ vị thành niên từ 12 - 17 tuổi kể từ khi bắt đầu chiến dịch vào ngày 1.8.
Hiện chiến dịch đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành với tốc độ tiêm chủng được kỳ vọng sẽ cải thiện và đạt số lượng lớn hơn trong những ngày tới.
Trong 8 ngày của chiến dịch tiêm chủng, 14,19% trong số ước tính 1,96 triệu học sinh và thanh thiếu niên đã được tiêm liều vắc xin Sinovac đầu tiên.
Trong số 279.077, ước tính có 139.851 nữ, còn số em không đủ điều kiện để tiêm chủng vẫn ở mức thấp là 107, bao gồm cả 57 bé gái.
Những trẻ vị thành niên đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên sẽ chích tiếp liều thứ hai sau ít nhất 31 ngày.
Chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường của Campuchia thúc đẩy việc đối phó Delta
Theo tờ Khmer Times, Campuchia có thể đã đạt được một thành tựu trong khu vực ASEAN bằng cách triển khai tiêm vắc xin tăng cường thứ 3, bao gồm cả vắc xin AstraZeneca, chống lại vi rút COVID-19, nhất là biến thể Delta.
Dữ liệu khoa học được tổng hợp ở những nơi khác ở Tây bán cầu tiết lộ rằng một mũi tiêm tăng cường có thể hiệu quả hơn chống lại các đột biến của SARS-CoV-2 mà từ một chủng duy nhất đã biến đổi thành nhiều chủng và đang tàn phá nhiều nước, đặc biệt là những ai chưa được tiêm vắc xin.
Ca mắc COVID-19 nhập cảnh đầu tiên ở Campuchia được phát hiện tại tỉnh Sihanoukville vào ngày 27.1.2020. Dù một số ca COVID-19 nhập cảnh và lây truyền cho những người tiếp xúc trực tiếp đã ghi nhận trong suốt năm 2020, không có sự lây truyền nào trong cộng đồng được phát hiện cho đến ngày 29.11.2020.
Tính đến tháng 7.2021, Phnom Penh bị ảnh hưởng nặng nề nhất Campuchia với phần lớn các ca mắc COVID-19 và tử vong. Banteay Meanchey có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai Campuchia, trong khi Kandal có số người tử vong vì bệnh này cao thứ hai.
Tổng số ca COVID-19 ở Campuchia đã tăng lên 81.891 với việc phát hiện 556 trường hợp mới tính đến sáng 8.8.
Các tỉnh giáp biên giới với Thái Lan (Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Battambang, Pailin, Pursat, Koh Kong, Preah Vihear) và Siem Reap đã bị phong tỏa 14 ngày để chống lại sự lây truyền biến thể Delta trong cộng đồng, bắt đầu từ ngày 29.7.
Trong học kỳ đầu tiên của năm 2021, hơn 60.000 người đã trở về Campuchia từ Thái Lan.
Các ca nhiễm biến thể Delta được phát hiện trên khắp đất nước, bao gồm cả ở tỉnh Ratanakkiri xa xôi. Đây là tỉnh cuối cùng trong cả nước Campuchia phát hiện có người mắc COVID-19.
Hôm 8.8, 13 người khác ở tỉnh Siem Reap đã được phát hiện nhiễm biến thể Delta. Tổng cộng có 58 ca nhiễm biến thể Delta đã được ghi nhận chỉ trong ngày Chủ nhật.
Campuchia tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ cho gần 51% dân
Từ ngày 10.2 đến 8.8, Campuchia đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 cho 5.821.021 người trong nước.
Với liều đầu tiên, 8.151.969 đã được tiêm một trong các loại vắc xin từ Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca, Johnson & Johnson.
Ngoài ra, việc sử dụng liều tăng cường thứ 3 của vắc xin, bao gồm cả AstraZeneca, cũng bắt đầu ở 7 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan trong chương trình bền vững nhằm xây dựng khả năng miễn dịch cho những người lao động tuyến đầu. Đây là những người sẽ phải đối mặt với một lượng lớn lao động nhập cư trở về sau tuần này khi việc đóng cửa biên giới kết thúc.
Con số 8.151.969 chiếm khoảng 78,83% trong số 10 triệu người ban đầu được nhắm mục tiêu tiêm chủng ở Campuchia.
Campuchia đã đạt 47,9 người trong số 100 người được nhắm mục tiêu tiêm chủng và con số này bao gồm cả việc tiêm đầy đủ 2 liều.
Campuchia đã triển khai các máy bay trực thăng của lực lượng không quân để vận chuyển vắc xin đến các vùng sâu vùng xa trong một nỗ lực phối hợp nhằm đảm bảo rằng tất cả những người đủ điều kiện, dù họ ở đâu, đều được tiêm vắc xin chống lại COVID-19, đặc biệt là khi biến thể Delta trở nên rất dễ lây lan và tấn công hầu hết những người chưa được tiêm chủng, theo các nghiên cứu và phát hiện tại Mỹ.
Hướng tới mục tiêu này, chính phủ Campuchia đã chuyển sang thực hiện mũi tiêm nhắc lại thứ ba cho công nhân ở các tỉnh giáp biên giới với Thái Lan để tăng cường khả năng miễn dịch vì một số nhân viên y tế ở các tỉnh này đã nhiễm biến thể Delta.