Cảnh sát Myanmar đã đệ đơn cáo buộc nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi vì nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15.2 để điều tra.

Cảnh sát Myanmar buộc tội bà Suu Kyi nhập khẩu trái phép sau cuộc đảo chính của quân đội

Nhân Hoàng | 03/02/2021, 17:30

Cảnh sát Myanmar đã đệ đơn cáo buộc nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi vì nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15.2 để điều tra.

Hôm 1.2, quân đội Myanmar đã giành chính quyền, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và cắt ngắn quá trình chuyển đổi sang dân chủ trong một cuộc đảo chính bị Mỹ và các nước phương Tây khác lên án.

Cảnh sát yêu cầu tòa án trình bày chi tiết các cáo buộc chống lại Suu Kyi và cho biết bộ đàm đã được tìm thấy trong cuộc khám xét nhà bà ở Thủ đô Naypyidaw, Myanmar. Họ nói rằng các bộ đàm được nhập khẩu bất hợp pháp và sử dụng mà không được phép.

Tài liệu được nhìn thấy hôm 3.2 đã yêu cầu giam giữ bà Suu Kyi “để thẩm vấn nhân chứng, yêu cầu bằng chứng và tìm kiếm cố vấn pháp lý sau khi thẩm vấn bị cáo”.

Một tài liệu riêng cho thấy cảnh sát đã đệ đơn buộc tội Tổng thống bị lật đổ Win Myint vì các tội theo Luật Quản lý Thiên tai.

Reuters không thể liên hệ ngay với cảnh sát, chính quyền mới hoặc tòa án để nhận bình luận.

canh-sat-buoc-toi-ba-suu-kyi-nhap-khau-trai-phep.jpg
Cảnh sát Myanmar buộc tội bà Suu Kyi nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc

Suu Kyi phải chịu đựng khoảng 15 năm quản thúc tại gia từ năm 1989 đến 2010 khi bà lãnh đạo phong trào dân chủ của đất nước nhưng vẫn cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà bất chấp danh tiếng quốc tế của bà bị tổn hại khi hàng trăm ngàn người Rohingya chạy trốn khỏi các chiến dịch quân đội để lánh nạn từ bang Rakhine phía tây Myanmar vào năm 2017.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi trước đó cho biết rằng các văn phòng của họ bị đột kích ở một số khu vực và kêu gọi nhà chức trách ngăn chặn “hành vi trái pháp luật” sau chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8.11.

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing lên nắm quyền với lý do gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8.11 mà NLD giành chiến thắng. Ủy ban bầu cử khẳng định rằng cuộc bỏ phiếu là công bằng.

Nhóm 7 nền kinh tế phát triển lớn nhất (Mỹ, Anh, Ý, Canada, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật) đã lên án cuộc đảo chính hôm 1.2 và nói rằng kết quả bầu cử phải được tôn trọng.

G7 cho biết: “Chúng tôi kêu gọi quân đội chấm dứt ngay tình trạng khẩn cấp, khôi phục quyền lực cho chính phủ được bầu cử dân chủ, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”.

Theo các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Biden tuyên bố việc quân đội tiếp quản Myanmar là cuộc đảo chính, dẫn đến Mỹ sẽ ngừng viện trợ nước ngoài cho chính phủ nước này, tổng cộng khoảng 109 triệu USD.

"Sau khi xem xét kỹ lưỡng các sự kiện và hoàn cảnh, chúng tôi nhận định rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền của Myanmar và ông Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu hợp lệ, bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi giới lãnh đạo quân đội Myanmar trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện", Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Một quan chức NLD cho biết bà Suu Kyi bị quản thúc tại Thủ đô Naypyidaw và sức khỏe tốt.

Phong trào Bất tuân Dân sự Myanmar mới thành lập cho biết các nhân viên 70 bệnh viện và bộ phận y tế tại 30 thị trấn trên khắp Myanmar đã ngừng công việc hôm 3.2 để phản đối cuộc đảo chính.

Theo Phong trào Bất tuân Dân sự Myanmar, quân đội đã đặt lợi ích của riêng mình lên trên nhóm dân số dễ bị tổn thương đang đối mặt với những khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Chúng tôi từ chối tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào từ chế độ quân sự bất hợp pháp, những người đã chứng minh rằng họ không quan tâm đến những bệnh nhân nghèo của chúng tôi” là tuyên bố từ nhóm biểu tình.

4 bác sĩ xác nhận đã ngừng công việc nhưng không muốn được xác định danh tính.

Một bác sĩ 29 tuổi ở Yangon (thành phố lớn nhất Myanmar) nói với Reuters: “Tôi muốn các binh sĩ trở về nơi của họ và đó là lý do tại sao các bác sĩ của chúng tôi không đến bệnh viện. Tôi không có khung thời gian cho việc tôi sẽ tiếp tục cảnh cáo này trong bao lâu. Nó phụ thuộc vào tình hình".

Reuters đã không thể liên hệ với chính quyền quân đội Myanmar để đưa ra bình luận về việc bị các bác sĩ tẩy chay và những dấu hiệu lan rộng hơn của bất đồng chính kiến.

Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng giành độc lập của Myanmar, tướng Aung San. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi, ngay trước khi Myanmar giành được độc lập từ sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1948.

Bà Suu Kyi từng được coi là ngọn hải đăng cho nhân quyền - nhà hoạt động có nguyên tắc, người đã từ bỏ quyền tự do của mình để thách thức các tướng lĩnh quân đội tàn nhẫn đã cai trị Myanmar trong nhiều thập kỷ.

Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình trong khi vẫn bị quản thúc tại gia.

Bà Suu Kyi đã trải qua gần 15 năm bị giam giữ từ năm 1989 đến 2010.

Vào tháng 11.2015, bà đã lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar sau 25 năm.

Hiến pháp Myanmar cấm Suu Kyi trở thành tổng thống vì bà có con là công dân nước ngoài. Song, bà Suu Kyi được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế.

Kể từ khi trở thành cố vấn nhà nước của Myanmar, vai trò lãnh đạo của bà Suu Kyi được xác định bằng cách đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi của đất nước.

Vào năm 2017, hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh do một cuộc đàn áp của quân đội gây ra với các cuộc tấn công chết người vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine.

Những người ủng hộ trước đây trên quốc tế cáo buộc bà
Suu Kyi không làm gì để ngăn chặn hãm hiếp, giết người và khả năng diệt chủng bằng cách từ chối lên án quân đội hùng mạnh hoặc thừa nhận các hành vi tàn bạo.

Một số người cho rằng bà Suu Kyi là chính trị gia thực dụng, cố gắng điều hành một quốc gia đa sắc tộc với lịch sử phức tạp. Sự bảo vệ bản thân của Suu Kyi với các hành động từ quân đội tại phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 2019 ở La Hay (Hà Lan) được coi là một bước ngoặt mới làm mất đi những gì còn lại ít ỏi về danh tiếng bà trên quốc tế.

Tuy nhiên ở quê nhà, bà Suu Kyi vẫn rất nổi tiếng trong số đông tín đồ Phật giáo, những người không mấy thiện cảm với người Rohingya.

Bài liên quan
Lãnh đạo quân đội Myanmar lên tiếng khi Tổng thống Biden dọa trừng phạt, Ngân hàng Thế giới lo âu
Ngân hàng Thế giới cho biết rất lo ngại về tình hình hiện tại ở Myanmar và việc quân đội tiếp quản quyền lực, cảnh báo những sự kiện này có nguy cơ gây trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi và triển vọng phát triển của quốc gia Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh sát Myanmar buộc tội bà Suu Kyi nhập khẩu trái phép sau cuộc đảo chính của quân đội