Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết Trung Quốc sẽ chỉ tự làm hại mình khi hạn chế xuất khẩu hai kim loại được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn, viễn thông và ô tô điện.

Jake Sullivan: ‘Trung Quốc tự làm hại mình khi kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium'

Sơn Vân | 17/07/2023, 10:23

Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết Trung Quốc sẽ chỉ tự làm hại mình khi hạn chế xuất khẩu hai kim loại được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn, viễn thông và ô tô điện.

Tôi nghĩ đó là một động thái tự làm hại mình, vì tôi tin rằng điều đó sẽ chỉ củng cố quyết tâm giảm thiểu rủi ro của nhiều quốc gia khác trên thế giới”, Jake Sullivan nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình Face the Nation của đài CBS.

Ông cho biết thêm: “Các quốc gia đó sẽ được khuyến khích tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của chính họ, bao gồm cả các loại khoáng sản có liên quan trong quyết định cụ thể này”.

Trung Quốc đã thông báo gallium và germanium cùng các hợp chất hóa học của chúng sẽ phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu từ ngày 1.8 để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.

Đây là tình tiết mới nhất trong cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” đang leo thang giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu, nhằm giành ưu thế trong lĩnh vực công nghệ.

Chính quyền Joe Biden đã và đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để nói rằng dù Mỹ không có ý định “tách rời” thương mại với Trung Quốc, nhưng sẽ bảo vệ những gì mà họ coi là lợi ích an ninh quốc gia.

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium diễn ra sau nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang quốc gia châu Á. Chính quyền Biden đang lên kế hoạch chặn xuất khẩu thêm một số chip chạy các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc là nước sản xuất gallium và germanium lớn nhất thế giới. Trung Quốc sản xuất 60% germanium và 80% gallium toàn cầu, dựa trên dữ liệu từ Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng (Critical Raw Materials Alliance).

Gallium được dùng trong thiết bị liên lạc vô tuyến, radar, vệ tinh, đèn LED cho đến cục sạc ĐTDĐ. Gallium ở dạng nguyên chất có thể tan chảy trong tay của bạn nhưng không được nhiều người biết đến. Trong một số hợp chất, gallium trở thành vật liệu đáng mơ ước cho chất bán dẫn.

Germanium được sử dụng trong chip máy tính tốc độ cao, nhựa và trong các ứng dụng quân sự như thiết bị nhìn đêm, cảm biến hình ảnh vệ tinh.

jake-sullivan-trung-quoc-tu-lam-hai-minh-khi-kiem-soat-xuat-khau-gallium-germanium.jpg
Jake Sullivan cho biết Trung Quốc sẽ chỉ tự làm hại mình khi hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn, viễn thông và ô tô điện - Ảnh: AP

Jake Sullivan một lần nữa nêu rõ quan điểm rộng hơn của Mỹ, mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã truyền đạt tới các quan chức hàng đầu Trung Quốc trong chuyến đi tới quốc gia châu Á này gần đây.

Jake Sullivan nói: “Chúng tôi không tìm cách chấm dứt mọi hoạt động thương mại với Trung Quốc. Những gì chúng tôi đang muốn làm là có một khu vực hạn chế nhỏ về công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia và một hàng rào cao xung quanh khu vực đó. Đó là những gì chúng tôi sẽ tiếp tục làm và Trung Quốc tất nhiên sẽ phải đưa ra quyết định của riêng mình”.

John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, bác bỏ những chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa rằng động thái gần đây của chính quyền Biden với Trung Quốc là biểu hiện yếu đuối.

"Ngoại giao không phải là sự yếu đuối, mà là sức mạnh. Đó là điều chúng tôi đang theo đuổi ngay bây giờ", John Kirby nói trên chương trình Fox News Sunday.

Các CEO hãng chip Mỹ nỗ lực thuyết phục chính quyền Biden bỏ các hạn chế mới

Một số hãng bán dẫn lớn nhất Mỹ đang nỗ lực để vượt qua các hạn chế mới với việc bán hàng cho Trung Quốc khi giám đốc điều hành sẽ tới Washington (Mỹ) tuần này để nói chuyện với các quan chức chính quyền và nhà làm luật.

Các giám đốc điều hành Intel, Qualcomm và Nvidia đang lên kế hoạch vận động hành lang chống lại việc chính quyền Biden mở rộng hạn chế bán một số loại chip và thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc. Chính quyền Biden sắp triển khai biện pháp này trong thời gian tới, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

Dù không mong muốn ngăn tất cả hành động, các công ty Mỹ này nhận thấy có cơ hội thuyết phục đội ngũ ông Biden rằng sự leo thang sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực hiện tại của Nhà Trắng trong việc giao tiếp với các quan chức Trung Quốc và xây dựng một mối quan hệ hiệu quả hơn, theo hãng tin Bloomberg.

Các công ty chip đang là trung tâm của cuộc chiến leo thang giữa hai cường quốc. Mỹ tin rằng hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ sẽ tăng cường an ninh quốc gia và ngăn chặn nỗ lực của quốc gia châu Á này trong việc nâng cao khả năng quân sự.

Intel, Qualcomm và Nvidia lập luận rằng việc bị cắt khỏi thị trường lớn nhất sẽ gây tổn hại đến khả năng chi tiêu cho việc phát triển công nghệ của Trung Quốc và cuối cùng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Cristiano Amon, Giám đốc điều hành Qualcomm, nói hơn 60% doanh thu công ty đến từ Trung Quốc nhờ cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất smarphone, điển hình là Xiaomi.

Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel, coi Trung Quốc là khu vực bán hàng lớn nhất của mình. Ông đã đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng này để giới thiệu chip AI mới của Intel là Gaudi2. 27% doanh thu Intel đến từ Trung Quốc vào năm 2022.

ceo-intel-qualcomm-den-washington-phan-nan-viec-bi-han-che-xuat-khau-chip-sang-trung-quoc-1.jpg
Patrick Gelsinger vừa kết thúc chuyến đi tới Trung Quốc - Ảnh: Internet

Với Nvidia, do nhà đồng sáng lập Jensen Huang điều hành, Trung Quốc mang lại khoảng 1/5 doanh thu.

Vào tháng 10.2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các quy định cấm các công ty Mỹ bán một số thiết bị sản xuất chip nhất định cho Trung Quốc, cũng như cấm xuất khẩu chip được dùng trong các ứng dụng AI.

Đến nay, các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip như Applied Materials đã chịu tổn thất lớn về doanh thu, buộc phải giảm hàng trăm triệu USD khỏi dự báo kết quả kinh doanh của mình.

Những hạn chế mà chính quyền Biden sắp triển khai có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến một số nhà sản xuất thiết bị bán chip của Mỹ.

Tôi lo ngại rằng một số CEO Mỹ tiếp tục ủng hộ việc kiểm soát xuất khẩu yếu hơn với công nghệ nhạy cảm. Chính quyền Biden cần thắt chặt kiểm soát xuất khẩu của chúng ta với chip tiên tiến”, theo Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa ở bang Wisconsin và là Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuần trước, Bloomberg đưa tin Mỹ đang sử dụng một số quyền hạn để gây ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài nhằm cắt đứt hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc.

ASML, một trong những nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất, đang phải đối mặt với những hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn từ chính phủ Hà Lan và những biện pháp mới từ Mỹ, vì một số linh kiện của họ được sản xuất tại Mỹ.

Nhìn chung, các quy định mới của Mỹ cũng sẽ phản ánh kết quả cuộc đàm phán với Nhật Bản và Hà Lan.

Hôm 15.7, Reuters cũng đưa tin Giám đốc điều hành Intel và Qualcomm có kế hoạch đến Washington vào tuần này để thảo luận về chính sách với Trung Quốc. Lãnh đạo Intel và Qualcomm có kế hoạch tổ chức cuộc họp với các quan chức Mỹ để nói về điều kiện thị trường, biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc, một trong những nguồn tin Reuters cho biết.

Bài liên quan
Các quốc gia sản xuất gallium và germanium ngoài Trung Quốc
Hãng Reuters chỉ ra ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác cũng có thể sản xuất gallium và germanium - hai vật liệu dùng cho hoạt động sản xuất chip.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Jake Sullivan: ‘Trung Quốc tự làm hại mình khi kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium'