Yandex, VKontakte và Kaspersky Lab đều bị ảnh hưởng bởi việc kiểm soát truy cập internet của Điện Kremlin bất chấp những nỗ lực từ những người sáng lập 3 công ty này.

Kaspersky, Yandex, Vkontakte chấm dứt tham vọng toàn cầu vì Nga tấn công Ukraine

Sơn Vân | 21/04/2022, 16:36

Yandex, VKontakte và Kaspersky Lab đều bị ảnh hưởng bởi việc kiểm soát truy cập internet của Điện Kremlin bất chấp những nỗ lực từ những người sáng lập 3 công ty này.

Theo tờ The Washington Post, khi Nga muốn cạnh tranh với phương Tây về mặt kinh tế và trong cuộc đua tìm kiếm nhân viên lành nghề hơn một thập kỷ trước, các quan chức được đào tạo bài bản của họ giúp đưa ra những tài năng cho Google, Facebook và các công ty bảo mật công nghệ như Symantec.

Yandex, công ty sở hữu công cụ tìm kiếm hàng đầu Nga, đã bán cổ phiếu trên Nasdaq (sàn giao dịch chứng khoán Mỹ). Mạng xã hội lớn VKontakte nhận được khoản đầu tư lớn từ công ty của một nhà tài phiệt. Nhà sản xuất phần mềm antivirus Kaspersky Lab nhanh chóng mở rộng ra các quốc gia khác để trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Nga.

Thế nhưng thành công của ba công ty đó khiến các quan chức cấp cao nhất lo ngại rằng các doanh nghiệp internet phát triển mạnh như vậy sẽ cho phép thế hệ người Nga mới thu thập thông tin chưa được kiểm duyệt từ khắp nơi trên thế giới và tổ chức các phong trào chính trị ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Kết quả là sự tấn công dữ dội của luật pháp, quy định và các kênh mà Điện Kremlin hậu thuẫn khiến những gã khổng lồ công nghệ này chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Esther Dyson, người Mỹ và là nhà đầu tư đầu tiên ở Yandex, rời khỏi ban quản trị công ty ngay sau khi Nga tấn công Ukraine. Ông cho hay: “Đây là thảm họa toàn diện với nền kinh tế Nga và ngành công nghiệp công nghệ. Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine, họ đã gây chiến với sự thật".

Thu hút 4 tỉ lượt truy cập mỗi tháng và vẫn là trang web được truy cập nhiều nhất ở Nga, Yandex là ví dụ rõ ràng nhất về sự đi xuống của công nghệ Nga.

Phần lớn cổ phiếu Yandex được nắm giữ bởi các tổ chức phương Tây và trụ sở chính của nó ở Hà Lan. Điều này không đủ để giữ Yandex không phải cúi đầu trước Điện Kremlin vốn yêu cầu nó chặn các kết quả tìm kiếm cho lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny hoặc kiểm duyệt tin tức về cuộc chiến ở Ukraine.

kaspersky-yandex-vkontakte-cham-dut-tham-vong-toan-cau-khi-nga-tan-cong-ukraine-1.jpg
Tổng thống Nga - Vladimir Putin trò chuyện với Giám đốc điều hành Yandex - Arkady Volozh vào năm 2017 - Ảnh: Getty

Trường hợp Yandex cho thấy ngay cả những công ty tiên tiến nhất cũng không thể an toàn với các hoạt động cốt lõi ở Nga, nhấn mạnh lý do tại sao các doanh nhân và nhà đầu tư dự báo rằng sẽ phải mất nhiều năm, nếu không phải là nhiều thập kỷ, họ mới sẵn sàng tham gia lại ở nước này một lần nữa.

Yandex được thành lập bởi Arkady Volozh, giám đốc điều hành công ty, và Ilya Segalovich, giám đốc công nghệ đã qua đời. Tên của công ty là sự rút gọn của Yet Another Index. Cả hai nhà sáng lập Yandex đều ngưỡng mộ sự thành công của Yahoo.

Khi Yandex bán cổ phiếu trên Nasdaq vào năm 2011, các lãnh đạo công ty biết rằng chính phủ Nga sẽ nhạy cảm với việc kiểm soát trượt qua biên giới của họ. Vì vậy, những người sáng lập đã giữ cổ phiếu với đa số phiếu bầu và Yandex phát hành một cổ phiếu đặc biệt, do ngân hàng trung ương nắm giữ trong nhiều năm, có thể phủ quyết bất kỳ cổ đông nào đang tích lũy hơn 25% cổ phiếu thông thường.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Yandex thấy mình phải thương lượng trực tiếp với các nhà quản lý và giám sát trong văn phòng của Tổng thống Vladimir Putin, cho rằng cổ phiếu được giao dịch công khai là chìa khóa để giữ chân nhân tài đang muốn chuyển ra nước ngoài và những hạn chế quá mức sẽ khiến người dùng chuyển sang các đối thủ phương Tây.

Các lãnh đạo công ty hy vọng rằng logic đã trình bày sẽ giúp họ hoạt động thực sự tự do trong nhiều năm. Thế nhưng, khi các công ty trở nên quan trọng hơn, các quan chức Điện Kremlin ủng hộ luật cấm các trang web, chỉ đạo những người khác không liên kết đến các trang đó. Năm 2017, Điện Kremlin yêu cầu bất kỳ phương tiện truyền thông nào sở hữu các trang web tổng hợp thông tin lớn, bao gồm cả Yandex, phải được cấp phép bởi chính phủ Nga.

Một số công ty đã trả giá sớm hơn để trở nên quan trọng. Các nạn nhân ban đầu có VKontakte, trang mạng xã hội lớn nhất Nga, hoạt động giống Facebook. Từ sự khởi đầu khiêm tốn giữa các sinh viên đại học, VKontakte đã phát triển nhờ việc sử dụng internet phổ biến ở Nga và trở thành trang xã hội phổ biến nhất vào năm 2008.

Mail.ru, tập đoàn internet thân thiện với chính phủ Nga, sớm cổ phần hóa và lần lượt bán cổ phần thiểu số của mình cho công chúng ở London (Anh) vào năm 2010. Mail.ru được kiểm soát bởi nhà tài phiệt Alisher Usmanov, người bị Mỹ trừng phạt vào năm nay.

Pavel Durov, người sáng lập VKontakte, giữ quyền kiểm soát biểu quyết đến năm 2014 khi ông bán cổ phần cho một đồng minh của Mail.ru.

Nhiều tháng sau, Pavel Durov bị buộc phải rời khỏi VKontakte. Trong một bài đăng trên tài khoản VKontakte của mình, Pavel Durov cho biết FSB (cơ quan an ninh liên bang của Nga) đã buộc anh phải bán cổ phiếu sau khi từ chối cung cấp thông tin cá nhân về các thành viên của nhóm ủng hộ các cuộc biểu tình của Ukraine chống lại Tổng thống Viktor Yanukovych (đồng minh của Nga) trước khi ông từ chức năm 2014.

kaspersky-yandex-vkontakte-cham-dut-tham-vong-toan-cau-khi-nga-tan-cong-ukraine-31.jpg
Người sáng lập VKontacte - Pavel Durov - Ảnh: Getty Images

Điện Kremlin giành được quyền kiểm soát trực tiếp hơn với VKontakte vào tháng 12.2021 khi quyền kiểm soát bỏ phiếu thuộc về các chi nhánh của tập đoàn năng lượng Gazprom thuộc nhà nước Nga. Sau khi thông qua luật vào tháng 3.2022 về các bản án lên đến 15 năm tù nếu mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là xâm lược, Vkontakte hiện kiểm duyệt rất nhiều các bài đăng về cuộc tấn công.

Kaspersky Lab, một trong những hãng công nghệ Nga được công nhận trên toàn cầu, đã lên kế hoạch niêm yết công khai nhưng từ bỏ ý tưởng này vào năm 2012. Thay vào đó, Kaspersky Lab theo đuổi việc mở rộng kinh doanh lớn ở các quốc gia khác, mang lại cho hãng sự công nhận về thương hiệu và cố không làm bất cứ điều gì gây mất lòng tin ở Mỹ cùng các nơi khác.

Thế nhưng, luật pháp Nga buộc các công ty công nghệ phải giao dữ liệu cho chính phủ theo yêu cầu.

Phần mềm bảo mật dành cho người tiêu dùng thường có rất nhiều quyền năng để hoạt động bên trong thiết bị của khách hàng và các quan chức Mỹ lo ngại trong nhiều năm rằng Kaspersky Lab đang tìm kiếm các tài liệu nhạy cảm của Mỹ.

Năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang gỡ bỏ phần mềm Kaspersky khỏi mạng của họ. Cùng năm đó, Kaspersky Lab thừa nhận rằng phần mềm antivirus của mình đã tải lên thông tin mật từ máy tính tại nhà một nhân viên tình báo Mỹ, nhưng công ty cho biết sớm tiêu hủy nó.

Thế nhưng, các cơ quan tình báo Nga buộc tội Ruslan Stoyanov, quản lý phòng điều tra an ninh máy tính tại Kaspersky Labs, về tội phản quốc vào năm 2016 sau khi ông chia sẻ thông tin với chính quyền Mỹ.

Các chi tiết vụ án đã được niêm phong, nhưng truyền thông Nga cho biết nó liên quan đến công việc Ruslan Stoyanov từng làm nhiều năm trước đó tại đơn vị điều tra tội phạm máy tính trực thuộc Bộ Nội Vụ Liên Bang Nga. Bị kết án, Ruslan Stoyanov hiện vẫn ở trong tù.

Ruslan Stoyanov từng là một tay săn hacker thương hạng, có công lớn trong việc giúp đỡ các cơ quan chức năng tại Nga điều tra tội phạm máy tính và phá nhiều vụ án, trong đó có việc bắt giữ 3 hacker tổ chức phát động đợt tấn công từ chối dịch vụ (DdoS) vào các trang cá cược tại Anh, cuỗm đoạt hơn 4 triệu USD. Trong một vụ án khác, Ruslan Stoyanov giúp bắt giữ thành công 50 thành viên trong mạng lưới tội phạm Lurk, tổ chức ăn trộm khoảng 45 triệu USD từ các ngân hàng quốc gia.

kaspersky-yandex-vkontakte-cham-dut-tham-vong-toan-cau-khi-nga-tan-cong-ukraine-313.jpg
Ruslan Stoyanov, cựu nhân viên của Kaspersky Lab, tại phiên tòa năm 2019 về tội phản quốc - Ảnh: AP

Một đối thủ của Kaspersky trong lĩnh vực an ninh mạng Nga thậm chí còn rơi vào cảnh tồi tệ hơn. Nhiều năm sau khi chuyển trụ sở chính đến Singapore và trước một đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) dự kiến, llya Sachkov - Giám đốc điều hành của Group-IB đã bị bắt vào tháng 9.2021 khi đang ở Nga và bị buộc tội phản quốc, chuyển bí mật cho phương Tây. llya Sachkov đã phủ nhận các cáo buộc nhưng vẫn bị giam giữ trước khi xét xử.

Các công ty chuyển đi sớm hơn và dứt khoát hơn đã hoạt động tốt hơn. Chẳng hạn, hãng phần mềm Luxoft được tách ra từ một công ty công nghệ ở Moscow và niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán New York. Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Luxoft chuyển hầu hết các hoạt động của mình ra khỏi Nga và một công ty dịch vụ công nghệ khác đã mua nó với giá 2 tỉ USD vào 2019.

Một luật được đề xuất sẽ cấm phần lớn quyền sở hữu nước ngoài với các công ty công nghệ lớn của Nga.

Trên cơ sở của một số luật trước đây, Điện Kremlin giữ ý tưởng rằng không có công ty nào được coi là “nguồn thông tin chiến lược” nếu hầu hết thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Biết rằng điều đó có thể khiến Yandex ngừng kinh doanh, các lãnh đạo công ty đã thương lượng trực tiếp với các quan chức Nga hàng đầu.

Một ủy ban đặc biệt của hội đồng quản trị Yandex đã khám phá các giải pháp thay thế có thể ngăn chặn sự tiếp quản hiệu quả từ chính phủ Nga trong khi hành động vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông, theo yêu cầu luật pháp Mỹ. Các lãnh đạo Yandex trở lại các văn phòng chính phủ Nga nhiều lần để xem Điện Kremlin có thể chấp nhận những gì.

Ủy ban đặc biệt đã giám sát quá trình, tức đưa ra và phê duyệt các giải pháp khả thi, nhưng không có tương tác trực tiếp với Điện Kremlin”, theo một người tại Yandex nói với điều kiện giấu tên.

Các khả năng bao gồm chuyển trụ sở trở lại Nga, bán cho một công ty Nga khác, xoay tròn các hoạt động ở Nga, hủy niêm yết khỏi Nasdaq, chuyển sang chế độ tư nhân và tạo ra một loại cổ phiếu siêu bỏ phiếu mới chỉ dành cho người Nga.

Cuối cùng, điều tốt nhất mà Yandex có thể làm là trao quyền lực lớn hơn cho cổ phần đặc biệt thuộc sở hữu của Sberbank (ngân hàng nhà nước lớn nhất Nga) và trao nó cho một nền tảng mới với đa số giám đốc từ các trường đại học liên minh với chính phủ cùng các nhóm doanh nghiệp.

Sau đó, ý tưởng được đề xuất đã bị bỏ.

Yandex hiện phải chặn quyền truy cập vào ngày càng nhiều trang web vì chúng bị chính phủ Nga cấm.

Lev Gershenzon, cựu trưởng bộ phận tin tức của Yandex hiện sống ở Đức, cho rằng rằng công ty cũ của anh hiện là một phần của vấn đề 6 ngày sau khi Nga tấn công Ukraine: “Việc một bộ phận đáng kể dân số Nga có thể tin rằng không có cơ sở và động lực gây nên cuộc chiến này, Yandex ngày nay là một yếu tố then chốt trong việc che giấu thông tin về cuộc chiến. Từng ngày từng giờ những tin tức như vậy là mạng người. Những đồng nghiệp cũ của tôcũng phải chịu trách nhiệm về việc này. Nếu bạn không thể làm bất cứ điều gì, hãy từ bỏ".

Bản thân Yandex đang cố gắng từ bỏ lĩnh vực kinh doanh tin tức. Tháng trước, Yandex đã công khai thông báo đang tìm kiếm người mua mảng này.

Trong 5 tháng qua, cổ phiếu của Yandex trên Nasdaq mất tới 2/3 giá trị, hiện ở mức 18,94 USD.

Bài liên quan
Đức cảnh báo người dùng phần mềm antivirus Kaspersky có thể bị đặc vụ Nga hack
Cơ quan an ninh mạng của Đức (BSI) hôm 15.3 đã cảnh báo người dùng phần mềm antivirus của Kaspersky Lab về nguy cơ có thể bị hack.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kaspersky, Yandex, Vkontakte chấm dứt tham vọng toàn cầu vì Nga tấn công Ukraine