Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, ngân hàng là một trong số ít ngành chống chọi tốt khi nhiều nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50%.
Gần 2 năm qua, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các ngân hàng vẫn luôn là điểm sáng khi có sức chống chọi tốt giữa tâm dịch và duy trì được đà tăng. Tính đến cuối tháng 7.2021, hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với mức tăng trưởng phổ biến trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, đã có 3 ngân hàng báo lãi trước thuế trên 10.000 tỉ đồng. Dẫn đầu là Vietcombank với mức lợi nhuận ước khoảng 14.800 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tiếp theo là VietinBank 13.000 tỉ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Còn Techcombank đạt 11.526 tỉ đồng, tăng 71%.
Nhóm nhà băng quy mô lợi nhuận thấp hơn cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Điển hình như VPBank tăng trưởng 37%, MB Bank tăng 56%, ACB tăng 66%, VIB tăng 68%, TPBank tăng 48%, OCB tăng 42%. Đặc biệt, MSB ghi nhận mức trăng trưởng 188%, LienVietPostBank tăng 100%.
Ở top dưới, một số ngân hàng nhỏ thậm chí ghi nhận mức lợi nhuận tăng bằng lần. Điển hình như Kienlongbank tăng gấp 7 lần cùng kỳ, NCB và Viet Capital Bank lợi nhuận tăng gấp 5 lần cùng kỳ.
Theo Công ty chứng khoán ACB (ACBS), trong khi nhiều doanh nghiệp đều lao đao vì COVID-19 nhưng ngành ngân hàng vẫn chống chọi tốt là nhờ 3 yếu tố.
Thứ nhất, việc giải ngân tín dụng thận trọng và chặt chẽ hơn giai đoạn trước giúp các nhà băng giảm được rủi ro tín dụng và nợ xấu phát sinh mới. Cạnh đó, thay vì phụ thuộc vào cho vay doanh nghiệp, xu hướng cho vay bán lẻ ngày càng được đẩy mạnh giúp rủi ro được phân tán.
Thứ hai, các khoản vay được cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của ngân hàng như dự đoán. Trên thực tế, dư nợ cho vay tại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn... chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 1% dư nợ cơ cấu của toàn ngành.
Thứ ba, điểm chung giúp lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay là do nhiều nhà băng nới rộng được chênh lệch thu, chi từ lãi (đến từ nghiệp vụ huy động và tín dụng). Trong khi thu nhập lãi và thu nhập tương tự vẫn tăng tốt, tốc độ tăng chi lãi và các chi phí tương tự của một số ngân hàng tăng chậm so với cùng kỳ, thậm chí ở một số đơn vị còn lần đầu giảm sau nhiều năm.
Chênh lệch thu chi từ lãi được nới rộng nhờ sự cộng hưởng của 2 yếu tố. Đó là lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất tiết kiệm và tăng trưởng tiền gửi từ dân cư thấp kỷ lục nửa đầu năm. Một số ngân hàng cũng gia tăng nguồn vốn giá rẻ khác ngoài tiền gửi có kỳ hạn giúp cải thiện chi phí vốn.
Trong trung và dài hạn, giới chuyên gia đánh giá ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tích cực. Áp lực giảm lãi suất cho vay từ phía Ngân hàng Nhà nước có thể ảnh hưởng lên lợi nhuận ngân hàng, tuy nhiên tác động tới nhóm ngân hàng quốc doanh hơn là các ngân hàng tư nhân.
Các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu theo lộ trình ba năm, nhưng việc trích lập này không ảnh hưởng hết đến toàn bộ ngân hàng mà sẽ có sự phân hóa. Nhóm nhà băng có chất lượng tài sản tốt hoặc mạnh về bán lẻ gần như không bị ảnh hưởng.