Cảnh báo gần đây của Nvidia với các nhà phát triển về việc chạy phần mềm CUDA (bộ công cụ lập trình) trên các bộ xử lý đồ họa (GPU) bên thứ ba đã phơi bày một điểm yếu khác trong nỗ lực tự cung tự cấp chip của Trung Quốc. Đó là phụ thuộc vào phần mềm của gã khổng lồ chip Mỹ.
Thế giới số

Nvidia hạn chế sử dụng CUDA làm bộc lộ điểm yếu của Trung Quốc trong phần mềm chip

Sơn Vân 06/03/2024 19:15

Cảnh báo gần đây của Nvidia với các nhà phát triển về việc chạy phần mềm CUDA (bộ công cụ lập trình) trên các bộ xử lý đồ họa (GPU) bên thứ ba đã phơi bày một điểm yếu khác trong nỗ lực tự cung tự cấp chip của Trung Quốc. Đó là phụ thuộc vào phần mềm của gã khổng lồ chip Mỹ.

CUDA là một nền tảng điện toán do Nvidia phát triển, cho phép người dùng GPU tận dụng tốt nhất các chip của công ty Mỹ trong trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng khác.

Intel và AMD, hai nhà phát triển bộ xử lý trung tâm (CPU) máy tính hàng đầu thế giới, cũng đã hỗ trợ dự án phần mềm nguồn mở cho phép GPU của họ chạy trên CUDA.

Nvidia gần đây đã thêm cảnh báo vào thỏa thuận cấp phép người dùng cuối cho CUDA 11.6, yêu cầu các nhà phát triển không chạy CUDA trên GPU bên thứ ba thông qua lớp dịch (phần mềm chuyển đổi một bộ mã này sang bộ mã khác) trên các hệ thống phần cứng không phải của công ty Mỹ. Đây là lần đầu tiên Nvidia đưa ra cảnh báo rõ ràng như vậy trong phiên bản tải xuống của CUDA, theo trang Tom's Hardware.

Theo một số nhà phát triển Trung Quốc, động thái này có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng mã CUDA trong phần cứng của một số nhà sản xuất GPU nước này

Sau khi Mỹ hạn chế xuất khẩu GPU tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc, các công ty GPU Trung Quốc đã nỗ lực phát triển các lựa chọn thay thế riêng, dựa vào CUDA như một trong những công cụ phần mềm để cải thiện hiệu suất GPU.

Thỏa thuận CUDA vừa cập nhật của Nvidia được đưa ra khi họ đang được ca ngợi là công ty “hot” nhất thế giới trong bối cảnh cơn sốt AI toàn cầu. Các hãng công nghệ lớn và các công ty khởi nghiệp đang tranh giành để có được GPU của Nvidia. GPU cấp thấp của Nvidia cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ ở Trung Quốc.

Su Lian Jye, nhà phân tích trưởng của công ty nghiên cứu Omdia, cho biết: “CUDA đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của Nvidia, giúp hãng có được cơ sở khách hàng của mình. Nó đã trở thành một công cụ quan trọng với nhiều nhà phát triển AI… Nếu khả năng tương thích với CUDA bị suy giảm, chi phí tích hợp mã sẽ cao hơn rất nhiều.”

Tuy nhiên, các hãng GPU Trung Quốc cho biết tác động trước mắt từ sự thay đổi của Nvidia sẽ bị hạn chế.

Moore Threads, công ty khởi nghiệp GPU của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào tháng 10.2023, nói kiến trúc GPU “cây nhà lá vườn” MUSA và các nhà phát triển sử dụng bộ công cụ MUSIFY của họ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi từ Nvidia.

Moore Threads tuyên bố: “Các nhà phát triển có thể yên tâm sử dụng phần mềm của chúng tôi. Phần mềm này không áp dụng cho các điều khoản của Nvidia”.

Một kỹ sư cấp cao tại Nvidia Trung Quốc (từ chối nêu tên) đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc, nói rằng đó “chỉ là một cảnh báo từ Nvidia trong thỏa thuận người dùng”. Ông nói với trang SCMP rằng đó không phải là một lệnh cấm thực sự “sẽ gây ra sự gián đoạn cho nhiều dự án”.

Nvidia không trả lời ngay lập tức khi được SCMP đề nghị bình luận hôm 6.3.

nvidia-han-che-su-dung-cuda-lam-boc-lo-diem-yeu-cua-trung-quoc-trong-phan-mem-chip.png
CUDA là nền tảng điện toán do Nvidia phát triển, cho phép người dùng GPU tận dụng tốt nhất các chip của công ty Mỹ trong AI và các ứng dụng khác - Ảnh: Internet

Bất chấp những tiến bộ mà các công ty khởi nghiệp GPU Trung Quốc đạt được, những thiếu sót về phần mềm của họ đang gây trở ngại khi cố gắng cạnh tranh với các công ty nước ngoài, gồm cả Nvidia.

Nhiều công ty GPU Trung Quốc đã làm cho phần cứng của họ tương thích hơn với CUDA để giành thêm thị phần bằng cách giảm chi phí phát triển phần mềm cho những khách hàng chuyển sang nền tảng phần cứng mới.

Trong buổi ra mắt GPU MTT S4000 vào tháng 12.2023, Moore Threads cho biết GPU do hãng phát triển có thể tận dụng hệ sinh thái CUDA để cho phép di chuyển mã CUDA sang nền tảng MUSA mà không tốn chi phí.

Nvidia là hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới. Với vốn hóa thị trường 2.150 tỉ USD, Nvidia hiện là công ty có giá trị lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Microsoft và Apple.

Sức mạnh bán dẫn của Huawei bị giám sát kỹ sau tuyên bố từ Nvidia

Sau khi Nvidia thừa nhận Huawei là đối thủ hàng đầu, năng lực bán dẫn của hãng công nghệ Trung Quốc được giám sát kỹ lưỡng.

Do Nvidia không thể bán các GPU tiên tiến sang Trung Quốc theo lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ, Ascend 910B (chip AI mới của Huawei) đã nổi lên như một sự thay thế.

Một số chuyên gia trong ngành đánh giá Ascend 910B, đang có sẵn qua các kênh phân phối ở Trung Quốc, có sức mạnh tính toán ngang ngửa GPU Nvidia A100.

Huawei chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về Ascend 910B, chip AI được SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) tạo ra trên quy trình 7 nanomet.

Ascend 910B là chip AI kế nhiệm Ascend 910, được Huawei phát hành hồi tháng 8.2019, ba tháng sau khi công ty bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.

Dylan Patel, nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis (Mỹ), nhận định Ascend 910B có thể cạnh tranh với A100 về sức mạnh cho các thuật toán AI.

"Về mặt lý thuyết, Ascend 910B mạnh hơn một chút so với A100", Dylan Patel nói.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2019 đã hạn chế Huawei phát triển chip và giáng một đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh smartphone của hãng. Dù vậy, công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đã âm thầm thúc đẩy bộ phận chip bằng cách hợp tác với nhiều nhà cung cấp trong nước, theo nguồn tin của SCMP.

Huawei cho thấy khả năng phục hồi của mình khi gây bất ngờ cho thế giới vào tháng 8.2023 bằng việc trình làng Mate 60 Pro, smartphone 5G đầu tiên của công ty kể từ dòng Mate 40 ra mắt hồi tháng 10.2020. Doanh số cao của Mate 60 Pro đã đưa Huawei trở lại vị trí hàng đầu thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc vào đầu năm 2024.

Được SMIC sản xuất theo tiến trình 7 nanomet, chip Kirin 9000s trong Mate 60 Pro làm dấy lên suy đoán về cách thức Huawei vượt qua lệnh cấm chip của Mỹ.

Ascend 910B dường như xuất hiện cùng thời điểm Mate 60 Pro trình làng. Theo hãng tin Reuters, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu đã đặt mua 1.600 chiếc Ascend 910B từ Huawei.

Hai tuần trước, iFlytek (công ty AI Trung Quốc) đã ra mắt nền tảng điện toán Feixing One dựa trên chip Ascend. Điều này đồng nghĩa Spark 3.0, mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất của iFlytek, có thể đã được phát triển trên Ascend 910B.

Huawei từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang Wired vào tháng trước, ông Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) mô tả Huawei là một "công ty thực sự tốt".

"Họ bị hạn chế công nghệ xử lý chất bán dẫn nhưng vẫn có thể xây dựng các hệ thống rất lớn bằng cách tổng hợp nhiều chip đó lại với nhau", ông Jensen Huang nói.

Theo Reuters, trong bối cảnh AI ngày càng được quan tâm và các lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt, Huawei và SMIC đã phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho chip AI.

Một nhà phân phối GPU giấu tên tiết lộ với SCMP rằng Ascend 910B sẵn hàng nhưng “nguồn cung hiện giờ thực sự eo hẹp”. Một máy chủ được sử dụng để đào tạo AI và trang bị 8 Ascend 910B có giá khoảng 1,5 triệu nhân dân tệ (209.000 USD), tương đương với giá máy chủ dùng Nvidia A100 trên các kênh chợ đen, theo một nguồn tin khác của SCMP.

Nhiều nhà phân tích và chuyên gia trong ngành không muốn bình luận về cuộc đối đầu giữa Nvidia và Huawei, dù họ chỉ ra hãng thiết kế chip Mỹ có hiểu biết sâu sắc về GPU và được hưởng lợi từ hệ sinh thái CUDA - nền tảng điện toán cho phép các nhà phát triển giải phóng toàn bộ tiềm năng của chất bán dẫn.

"CUDA rất phức tạp, Nvidia đã tự mình làm tất cả những công việc khó khăn này và đang gặt hái thành quả. Huawei và các đối tác phần mềm của họ sẽ cần xây dựng một hệ sinh thái tương đương với CUDA khi xét đến các công cụ xây dựng mô hình AI", theo Brian Colello, chiến lược gia về cổ phiếu công nghệ tại hãng Morningstar.

Dù tụt hậu so với danh sách 2 triệu nhà phát triển đã đăng ký của CUDA, Huawei sở hữu kiến trúc tính toán cho mạng thần kinh độc quyền. Đây là nền tảng kết nối phần cứng và phần mềm Ascend, vô cùng quan trọng để mở khóa sức mạnh tính toán AI.

Brian Colello nhận xét Huawei có thể phải thực hiện các khoản đầu tư lớn tương tự ở Trung Quốc để củng cố năng lực phần mềm. Ông phán đoán rằng có lẽ các công ty khác sẽ phụ trách phần mềm, còn Huawei tập trung vào thiết kế chip.

"Sức mạnh của Huawei không nằm ở phần mềm. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã hạn chế hiệu suất và năng suất sản xuất chip của họ", nhà đầu tư công nghệ giấu tên ở thành phố Thượng Hải nói.

Bài liên quan
Nokia rời khỏi liên doanh viễn thông với Huawei trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung
Gã khổng lồ thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) đã tìm được người mua mới cho phần lớn cổ phần của mình trong TD Tech, liên doanh với Huawei tại Trung Quốc, sau khi thỏa thuận được đề xuất vào năm 2023 bị hủy bỏ do Huawei phản đối mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nvidia hạn chế sử dụng CUDA làm bộc lộ điểm yếu của Trung Quốc trong phần mềm chip