Thụy Điển đã quyết định khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ ngày 1.7, sau khi không thể tuyển đủ quân tự nguyện trong bối cảnh căng thẳng trên vùng Baltic với Nga.
Hồi năm 2010 chính phủ Thụy Điển bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc tồn tại hơn 100 năm tại nước này với lý do là tuyển quân tự nguyện sẽ tạo ra một quân đội chuyên nghiệp hơn.
Quyết định của Thụy Điển khi đó đưa ra trong bối cảnh quân đội của họ đã thu nhỏ kích thước tới 90% so với thời vừa kết thúc chiến tranh lạnh.
Nhưng với việc tỉ lệ thất nghiệp quá thấp, quân đội Thụy Điển khó lòng tìm đủ 4.000 người nhập ngũ tự nguyện mỗi năm. Kết quả là chính phủ nước này quyết định khôi phục lại chế độ nghĩa vụ quân sự và tất cả thanh niên, thiếu nữ sinh ra trong thời điểm từ sau năm 1999 sẽ phải nhập ngũ theoquyết định này.
Lý do chính của việc giới thiệu lại chế độ nghĩa vụ quân sự là do các hoạt động căng thẳng với Nga ngày càng gia tăng tại Baltic. Các nước Baltic như Thụy Điển lo rằng Nga có thể can thiệp vào tình hình nước họ như tại Ukraine.
Trong 100.000 người sinh trong năm 1999-2000, khoảng 13.000 người sẽ được gọi đi nghĩa vụ và 4.000 người sẽ được giữ lại phục vụ quân đội trong năm 2018 - 2019.
"Chúng tôi đang trong tình thế là Nga thôn tính Crimea. Họ cũng đang thực hiện nhiều cuộc tập trận gần biên giới của chúng tôi", ông Peter Hultqvist Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển tuyên bố.
"Chúng tôi thấy rằng các đơn vị của mình không thể được lấp đầy trên cơ sở tự nguyện. Phải đưa ra một quyết định để bổ sung cho chế độ tình nguyện đi lính, đó là lý do tại sao chúng tôi khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc", ông Hultqvist nói thêm.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến các chính trị gia Thụy Điển muốn tăng cường sức mạnh quân sự của nước họ, trong bối cảnh họ không thể tuyển đủ quân chuyên nghiệp. Thiếu nhân lực trong quân đội Thụy Điển đã được nhận ra từ vài năm trước. Năm 2013, một máy bay ném bom của Nga thực hiện cuộc tập trận ném bom giả mà quân đội Thụy Điển hoàn toàn không hay biết do thiếu nhân sự trong hệ thống phòng không.
Thụy Điển cũng không phải là thành viên của NATO vì vậy nếu có xung đột quân sự với Nga nước này sẽ phải đối đầu với người hàng xóm một mình.
Với dự thảo luật nghĩa vụ quân sự mới, Thụy Điển là nước thứ hai tại châu Âu sau Na Uy bắt buộc cả nam lẫn nữ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
"Nghĩa vụ quân sự là bình đẳng giữa nam và nữ. Chúng tôi theo đuổi bình đẳng giới trong quân đội", ông Hultqvist khẳng định.
Năm 2015, trong 10.000 binh sĩ nghĩa vụ tại Na Uy có tới 33% là nữ giới. Quân đội nước này được xem là "bình đẳng giới" nhất trên thế giới.
Minh Phi (theo The Guardian)