Tổng thống Joe Biden cho biết ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ ba để tăng cường khả năng miễn dịch của họ.
Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Biden thông báo rằng người Mỹ sẽ tiêm các mũi tăng cường vào tháng 9.
Tổng thống Biden nói với ABC News trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình phát sóng hôm 19.8: “Chúng tôi sẽ có những liều vắc xin tăng cường”.
Bình luận của ông đã được ghi lại mới đây khi các quan chức y tế tiết lộ kế hoạch tiêm liều thứ ba vắc xin của Pfizer hay Moderna cho người lớn Mỹ bắt đầu từ ngày 20.9.
Chương trình tiêm vắc xin tăng cường đang được triển khai ngay cả khi hàng triệu người Mỹ vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên và nhiều người trên thế giới đang chờ nguồn cung vắc xin.
Các quan chức y tế Mỹ bảo vệ kế hoạch của chính quyền Biden nhằm cung cấp sự bảo vệ bổ sung cho người Mỹ chống lại vi rút bằng một liều vắc xin nữa, nói rằng họ vẫn có thể tặng hàng triệu liều trên toàn thế giới và tiếp tục khuyến khích mọi người tiêm mũi đầu tiên.
"Khi thấy bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch đang suy yếu, đặc biệt là khi đối mặt với biến thể Delta, chúng tôi có nghĩa vụ hành động để bảo vệ mọi người ở quê nhà", Tổng Y sĩ Mỹ - Tướng Vivek Murthy nói trên chương trình Morning Joe của MSNBC.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ - Rochelle Walensky cho biết dữ liệu cho thấy sự cần thiết phải được bảo vệ hơn nữa trong bối cảnh biến thể Delta và hiệu quả của vắc xin suy giảm theo thời gian, dù không rõ tần suất cần tiêm ngừa vắc xin COVID-19 trong tương lai.
"Chúng ta biết rằng cần một sự thúc đẩy ngay bây giờ, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ làm điều này liên tục", bà Rochelle Walensky nói với chương trình Today của NBC News.
Vắc xin của Pfizer - BionNTech và Moderna đều yêu cầu tiêm hai liều để cung cấp đầy đủ khả năng miễn dịch và các cơ quan quản lý phải phê duyệt tiêm liều thứ ba. Các cơ quan quản lý vẫn đang chờ dữ liệu về bất kỳ hành động tiếp theo nào cần thiết cho những người được tiêm vắc xin của Johnson & Johnson (chỉ tiêm 1 mũi duy nhất).
Năm nay 78 tuổi, Tổng thống Biden cho biết ông và vợ (70 tuổi) đã nhận được mũi tiêm Pfizer đầu tiên vào tháng 12.2020 khi vắc xin mới được tung ra ở Mỹ.
Pfizer: Tiêm liều vắc xin thứ 3 giúp tăng 5 - 11 lần kháng thể chống biến thể Delta
Ngày 28.7, Pfizer thông báo dữ liệu cho thấy liều vắc xin thứ 3 của hãng có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.
Dữ liệu cho thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta ở những người từ 18 đến 55 tuổi được tiêm liều vắc xin Pfizer thứ 3 cao hơn 5 lần so với liều thứ 2.
Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 cao hơn 11 lần so với liều thứ 2.
Các nhà nghiên cứu ghi chép rằng việc tiêm mũi 3 Pfizer dự tính có khả năng tăng kháng thể gấp 100 lần để đối phó với biến thể Delta so với trước khi tiêm.
Dữ liệu cũng cho thấy mức độ kháng thể cao hơn nhiều ở liều thứ 3 so với liều thứ 2 chống lại SARS-CoV-2 ban đầu và biến thể Beta (lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi).
Trước đó, hãng Pfizer cho rằng việc tiêm 3 liều vắc xin sẽ tạo khả năng bảo vệ tốt hơn trước biến thể Delta hiện lây nhanh tại nhiều nước trên thế giới.
Hiệu quả vắc xin giảm đi thế nào khi biến thể Delta thống trị?
Các loại vắc xin COVID-19 hiện có ở Mỹ vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện nhưng hiệu quả chống lại nhiễm trùng đã giảm khi biến thể Delta lây lan, theo các nghiên cứu mới được công bố hôm 19.8 trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong.
Không có nghiên cứu nào cho biết liệu các ca nhiễm trùng đột phá là do khả năng miễn dịch suy yếu, giảm khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta, hay do sự kết hợp của hai yếu tố. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thông báo hôm 18.8 rằng mũi tiêm tăng cường COVID-19 sẽ được cung cấp cho tất cả người Mỹ bắt đầu từ tháng 9. Các nghiên cứu mới cho thấy:
- Hiệu quả của vắc xin chống lại bất kỳ trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nào, nhẹ hoặc nặng, giảm từ 74,7% xuống 53,1% vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, trước khi biến thể Delta chiếm ưu thế, theo một nghiên cứu của các cơ sở chăm sóc dài hạn của Mỹ.
- Hiệu quả của vắc xin để ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 mới giảm từ 91,7% xuống 79,8% từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, dù hiệu quả ngăn ngừa nhập viện vẫn trên 90%, theo một nghiên cứu của các quan chức y tế bang New York.
- Vắc xin bảo vệ khỏi nhập viện kéo dài ít nhất 6 tháng, theo một nghiên cứu ở 18 bang của Mỹ. Kết quả cho thấy rằng 24 tuần sau khi tiêm chủng đầy đủ bằng vắc xin mRNA của Pfizer hay Moderna, hiệu quả là 84% và 90% ở người lớn không bị suy giảm miễn dịch.