Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh và quần đảo Cát Bà thuộc TP.Hải Phòng chính thức được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Ủy ban Di sản thế giới UNESCO chiều 16.9 đã chính thức gõ búa công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là lần đầu tiên, hai di sản thiên nhiên thế giới được công nhận trở thành di sản thế giới thuộc địa bàn hai tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Vịnh Hạ Long được UNESCO 2 lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000. Năm 2013, hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới.
Trong chương trình làm việc tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới, đoàn Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cùng với Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp và hai địa phương TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Tổng giám đốc ICOMOS, Giám đốc Chương trình Di sản thế giới IUCN, Trưởng bộ phận hồ sơ đề cử của Trung tâm Di sản thế giới, 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới để cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ, bày tỏ quan điểm, cam kết của Việt Nam trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi vào danh mục di sản thế giới.
Qua đó, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới đều đánh giá cao giá trị di sản, từ đó ủng hộ vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời mong muốn được đến tham quan di sản trong thời gian tới.
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận di sản thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm nhiều đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với những đặc điểm liên quan như mái vòm, hang động..., cảnh trí ngoạn mục không bị con người tác động ở các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển.
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long, 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà hiện lên vừa kỳ vĩ vừa nên thơ, nước non trùng điệp, thanh bình, những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất.
Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động vật, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên trái đất. Sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình karst, hệ fengcong (cụm đỉnh chóp nón) và fenglin (các đặc điểm tháp bị cô lập) hình thành qua hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt đới, ẩm, diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển... đạt tới mực xâm thực cơ bản.
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động-thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu. Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045,2ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản.
Đặc biệt, voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60 - 70 cá thể chỉ có ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới (tháng 9.2023), trở thành di sản thế giới liên tỉnh thành đầu tiên ở Việt Nam, là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới.