Đài Loan đã phát hiện máy bay không người lái của Trung Quốc bay vòng quanh quần đảo Đông Sa do họ kiểm soát ở Biển Đông và nói có thể bắn hạ nếu chúng bay lạc quá gần vùng cấm.

Đài Loan nói có thể bắn hạ máy bay không người lái Trung Quốc

Nhân Hoàng | 07/04/2021, 18:07

Đài Loan đã phát hiện máy bay không người lái của Trung Quốc bay vòng quanh quần đảo Đông Sa do họ kiểm soát ở Biển Đông và nói có thể bắn hạ nếu chúng bay lạc quá gần vùng cấm.

Nếu diễn ra, động thái như vậy có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng với Trung Quốc.

Phát biểu tại trước Cơ quan lập pháp Đài Loan, Lee Chung-wei, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại dương, nói gần đây phát hiện thấy máy bay không người lái Trung Quốc bay vòng quanh Đông Sa dù không qua quần đảo này.

Lee Chung-wei nói: “Chúng chưa bao giờ đi vào vùng biển và không phận bị hạn chế của chúng tôi, mà chỉ bay xung quanh ở một khoảng cách nhất định”.

Máy bay và tàu Trung Quốc thường di chuyển ở bên ngoài vùng cấm Đài Loan, kéo dài 6 km tính từ bờ biển của họ.

Khi được hỏi cảnh sát biển sẽ phản ứng như thế nào nếu một máy bay không người lái của Trung Quốc đi vào vùng cấm đó, Lee Chung-wei cho biết Đài Loan có các quy tắc xâm nhập.

"Sau khi xâm nhập, nó sẽ bị xử lý theo quy tắc. Nếu cần nổ súng, chúng tôi làm sẽ”, Lee Chung-wei khẳng định.

Đông Sa nằm phía bắc Biển Đông, ở đầu trên cùng của tuyến đường thủy đang tranh chấp giữa Đài Loan và Trung Quốc. Đây là lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát gần nhất với Hồng Kông và cũng có ý nghĩa quan trọng hơn kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính quyền diễn ra ở đặc khu kinh tế do Trung Quốc kiểm soát.

Đài Loan đã chặn ít nhất một chiếc thuyền gần Đông Sa chở những người chạy trốn khỏi Hồng Kông đang cố gắng tìm đường đến hòn đảo.

Tháng 10.2020, các kiểm soát viên không lưu Hồng Kông đã cảnh báo chuyến bay dân sự của Đài Loan đến quần đảo Đông Sa theo lịch trình hàng tuần, buộc nó phải quay trở lại. Lý do được cho Trung Quốc tập trận gần đó.

Quần đảo Đông Sa nằm trong không phận Hồng Kông, bao gồm một đảo, hai rạn san hô và hai bờ. Chúng nằm cách thành phố Cao Hùng (Đài Loan) khoảng 445 km và cách Trung Quốc đại lục khoảng 300 km.

Đài Loan khai thác ít nhất một chuyến bay mỗi tuần đến quần đảo Đông Sa, chở nhân viên chính quyền, quân đội và tuần duyên, nhưng không hạn chế với du khách bình thường.

dai-loan-noi-co-the-ban-ha-may-bay-khong-nguoi-lai-trung-quoc1.jpg
Quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát

Đài Loan đã phàn nàn về các hoạt động quân sự lặp đi lặp lại của Trung Quốc trong những tháng gần đây, với việc lực lượng không quân Trung Quốc gần như hàng ngày xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Hôm 5.4, Trung Quốc cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay đang tập trận gần Đài Loan.

Ngày 6.4, Hải quân Trung Quốc cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay, do Liêu Ninh dẫn đầu, đang thực hiện các cuộc tập trận thường lệ ở vùng biển gần Đài Loan, với mục đích “tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, an toàn và lợi ích phát triển”.

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động.

Các cuộc tập trận tương tự sẽ được tiến hành thường xuyên trong tương lai”, Hải quân Trung Quốc cho biết mà không nói rõ thêm.

Hôm 7.4, người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan - Ngô Chiêu Tiếp cho biết hòn đảo sẽ chiến đấu đến cùng nếu Trung Quốc tấn công.

Ông Ngô Chiêu Tiếp nói với các phóng viên: “Từ hiểu biết hạn chế của tôi về các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang theo dõi diễn biến ở khu vực này, họ thấy rõ nguy cơ Trung Quốc có thể phát động một cuộc tấn công nhắm vào Đài Loan. Chúng tôi sẵn sàng tự vệ mà không có bất kỳ câu hỏi nào và chúng tôi sẽ chiến đấu nếu cần. Nếu chúng tôi cần tự vệ đến ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ làm vậy”.

Là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, Mỹ đã và đang thúc đẩy hòn đảo hiện đại hóa quân đội để có thể trở thành "con nhím", khiến Trung Quốc khó tấn công.

Ông Ngô Chiêu Tiếp nói Đài Loan quyết tâm cải thiện khả năng quân sự và chi tiêu nhiều hơn cho việc phòng vệ.

"Việc bảo vệ Đài Loan là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách có thể để cải thiện khả năng phòng thủ của mình", ông nhấn mạnh.

Tại một sự kiện riêng biệt, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết sẽ tổ chức giai đoạn 1 với 8 ngày của cuộc tập trận Hán Quang thường niên trong tháng 4.2021. Đây là tập trận trên máy tính, mô phỏng chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc. Giai đoạn 2 sẽ bao gồm các phần bắn đạn thật, diễn ra vào tháng 7.2021.

"Các cuộc tập trận được thiết kế dựa trên những mối đe dọa khó khăn nhất của kẻ thù, mô phỏng tất cả kịch bản có thể xảy ra về một cuộc xâm lược của kẻ thù vào Đài Loan", Thiếu tướng Liu Yu-Ping nói với các phóng viên.

Giai đoạn 2 cuộc tập trận của Đài Loan sẽ bao gồm việc huy động khoảng 8.000 quân dự bị tham gia các cuộc diễn tập bắn đạn thật, chống đổ bộ và các bệnh viện tổ chức các cuộc diễn tập để đối phó với lượng thương vong nặng nề.

Khi được hỏi liệu Đại sứ quán trên thực tế của Mỹ - Viện Mỹ tại Đài Loan có cử đại diện đến cuộc tập trận hay không, Thiếu tướng Liu Yu-Ping nói kế hoạch như vậy đã được thảo luận nhưng sẽ không được thực hiện, với lý do nhạy cảm về quân sự.

Đài Loan chưa cho biết nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc đang ở đâu, hoặc liệu nó có đi sát Biển Đông đang tranh chấp, nơi nhóm tàu ​​sân bay Mỹ hoạt động hay không.

Ông Chang Che-ping, quan chức cấp cao Cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho biết các hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc đang được theo dõi chặt chẽ.

Một người am hiểu về kế hoạch an ninh của Đài Loan nói với Reuters rằng nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc vẫn ở "gần các đảo của Nhật Bản" dù từ chối tiết lộ vị trí chính xác.

Nhật Bản hôm 4.4 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc tới Thái Bình Dương sau khi đi qua eo biển Miyako, qua chuỗi đảo Ryukyu.

Bài liên quan
Đài Loan bất ngờ hé lộ châu Âu hỗ trợ dự án tàu ngầm cùng Mỹ, phủ nhận Triều Tiên có tham gia
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết các quốc gia châu Âu đang cung cấp sự trợ giúp cho dự án tàu ngầm của hòn đảo. Đây là lần hiếm hoi Đài Loan thừa nhận rằng chương trình nhạy cảm không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
FPT, Vinaconex 'đau đầu' về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan nói có thể bắn hạ máy bay không người lái Trung Quốc