Ngoại trưởng Nga đã lên tiếng đòi NATO “rút toàn bộ lực lượng, phương tiện, vũ khí và có những bước đi tiếp theo để quay trở lại trạng thái của năm 1997”.
Tình hình tại Ukraine đang hết sức căng thẳng sau khi phương Tây tố Nga điều động 10 vạn quân đến sát biên giới nước láng giềng. Trong khi đó, Nga nhấn mạnh NATO đang khiêu khích Nga khi có ý định kết nạp Ukraine, đe dọa đến an ninh quốc gia.
Trong mục “Hỏi & Đáp” trên trang chính thức của Bộ Ngoại giao Nga đăng ngày 21.1, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga gửi tới Mỹ và đồng minh phương Tây có điều khoản NATO “rút toàn bộ lực lượng, phương tiện, vũ khí và có những bước đi tiếp theo để quay trở lại trạng thái của năm 1997”, mốc thời điểm NATO bắt đầu kết nạp thành viên với các nước thuộc khối Hiệp ước Warszawa (Warsaw Pact).
Khi Đức thống nhất vào năm 1990 và Liên Xô đang trên đà tan rã, Moscow đã tìm kiếm sự đảm bảo từ Mỹ rằng các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây sẽ không gia nhập NATO. Tổng thống Putin tuyên bố Mỹ đã vi phạm cam kết của mình khi NATO bắt đầu mở rộng kết nạp, bắt đầu với Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech vào năm 1999. Rồi năm 2004 lần lượt Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia, Latvia, Lithuania, và Estonia đã được NATO kết nạp. Tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO đã đồng thuận sẽ mở rộng tư cách thành viên cho Gruzia và Ukraine.
Các vòng mở rộng thành viên sau Chiến tranh Lạnh diễn ra trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ ngày càng gia tăng trong khi Nga rơi vào suy yếu kinh tế và ảnh hưởng quốc tế. Nhưng những năm gần đây, Nga không chịu đựng tình cảnh bị Mỹ và đồgn minh lấn lướt như vậy nữa. Kể từ khi Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008, sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Nga đã tự khẳng định mình trên trường quốc tế và một lần nữa Putin đã nói rõ với phương Tây rằng Nga sẽ không dung thứ cho việc NATO đông tiến.
Cũng ngày 21.1, ông Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) kéo dài 1 tiếng rưỡi về các vấn đề liên quan đến an ninh, đặc biệt là về Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov đánh giá cuộc đối thoại cởi mở và hữu ích, đồng thời khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine. Ông khẳng định Tổng thống Vladimir Putin luôn sẵn sàng tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng cần có sự chuẩn bị chu đáo.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra "thẳng thắn và thực chất". Theo ông, phía Mỹ đã đưa ra một số đề xuất tăng cường an ninh và những vấn đề mà hai bên có thể chấp nhận được và phía Mỹ sẽ gửi bằng văn bản tới Nga vào tuần sau.
Giữa tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố 2 bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và NATO. Cả 3 cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây trong tuần trước liên quan tới những đề xuất của Moscow về vấn đề bảo đảm an ninh đều chưa tìm được tiếng nói chung khiến quan hệ hai bên rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov khẳng định Bulgaria và Romania nằm trong số các nước mà lực lượng của NATO cần phải rút đi. Ông tuyên bố yêu sách của Nga là dứt khoát, rõ ràng để tránh những cách hiểu nước đôi hoặc khác đi từ phía Mỹ.
Phản hồi trước thông tin trên, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho rằng Bulgaria là quốc gia có chủ quyền và từ lâu đã tự đưa ra quyết định trở thành thành viên NATO. Bulgaria tự lựa chọn biện pháp phòng vệ quốc gia thông qua điều phối với các đối tác.