Bên ngoài những khu vườn và ngôi nhà lâu đời của một ngôi làng phía đông Hungary, một siêu dự án công nghiệp Trung Quốc đang thành hình.
Máy ủi cùng máy đào đã được chuẩn bị để xây dựng nhà máy pin xe điện (EV) rộng gần 223 hecta. Nhà máy trị giá 7,3 tỉ euro xây dựng bởi hãng CATL nổi tiếng là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của Hungary. Chính phủ nước này hy vọng dự án sẽ biến họ thành trung tâm sản xuất pin lithium-ion toàn cầu trong thời đại mọi quốc gia đều cố gắng giảm phát thải bằng cách chuyển đổi sang EV.
Nhưng, người dân địa phương, nhà bảo vệ môi trường cùng chính trị gia đối lập lo ngại nhà máy làm trầm trọng vấn đề môi trường ảnh hưởng nguồn cung nước quý giá và khiến nền kinh tế quốc gia bị phụ thuộc nước ngoài.
"Tôi có cảm giác rất tồi tệ khi đi ngang khu vực đang xây dựng. Đây là tiến bộ, là tương lai sao? Đổ bê tông lên thiên nhiên trong khi chúng ta biết nhà máy gây ô nhiễm như thế nào?”, bà Eva Kozma, một cư dân sống gần đó nói với hãng tin AP.
Bà Kozma cùng nhiều người sống tại ngoại ô thành phố Debrecen bị bất ngờ trước thông tin nhà máy được xây trên đất nông nghiệp. Họ lo sợ rằng lượng nước nhà máy cần để làm phát thiết bị sẽ đe dọa nguồn cung nước, còn hóa chất từ nhà máy gây ô nhiễm và làm tổn hại tài nguyên thiên nhiên địa phương.
Đại đồng bằng Hungary - khu vực nơi nhà máy tọa lạc - đang bị đe dọa bởi sa mạc hóa (thảm thực vật suy giảm do nhiệt độ cao và ít mưa). Hạn hán do biến đổi khí hậu cùng các đợt nắng nóng kỷ lục khiến ngành nông nghiệp thiếu nước dùng cũng như làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, dẫn đến mùa màng bị tàn phá.
Năm ngoái, Hungary trải qua mùa hè cực kỳ nóng với hơn 1 triệu hecta - tương đương 20% diện tích đất trồng trọt của đất nước - bị khô hạn. Giới chuyên gia cảnh báo phần lớn Đại đồng bằng Hungary sẽ sớm không còn thích hợp cho nông nghiệp nếu không có kế hoạch giữ nước toàn diện.
Nhưng, bất chấp vấn đề môi trường, chính phủ Hungary tin rằng tham vọng loại bỏ xe động cơ đốt trong của Liên minh châu Âu (EU) đem đến cơ hội để nước này đi đầu trong sản xuất pin EV. Suy nghĩ này thúc đẩy họ thu hút các khoản đầu tư liên quan.
Nhà máy CATL sắp xây dự kiến tạo ra khoảng 9.000 việc làm, là cơ sở lớn nhất trong số nhà máy pin EV mọc lên khắp đất nước nhằm phục vụ các hãng xe Đức như Audi, BMW, Mercedes-Benz.
Sang thăm Bắc Kinh đầu tháng qua, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố sự hiện diện của các hãng xe Đức thúc đẩy làn sóng đầu tư nhà máy pin EV gần đây của Trung Quốc. Nhà cung cấp Trung Quốc của các hãng xe Đức tiếp tục xem Hungary là “điểm gặp gỡ đầu tư Đông - Tây”.
Chuyên gia ô tô Gabor Varkonyi đồng ý rằng nỗ lực thu hút đơn vị sản xuất pin đem lại lợi ích cho Hungary, đặc biệt khi 20% kim ngạch xuất khẩu nước này đến từ ngành ô tô.
Thế nhưng chuyên gia chính sách môi trường Dalma Dedak chỉ ra không hề có nghiên cứu tác động môi trường nào về hậu quả lâu dài mà không khí, đất đai, nguồn nước của Hungary phải gánh chịu.
Hiện chỉ mới có thông tin về giai đoạn đầu của dự án nhà máy CATL, tác động môi trường sau khi cơ sở vận hành đầy đủ vẫn là điều bí ẩn.
Theo chuyên gia Dedak, mức tiêu thụ nước của khu công nghiệp nơi đặt nhà máy dự kiến lên tới hơn 40.000 mét khối/ngày – gấp đôi mức nước uống Debrecen tiêu thụ, tạo ra gánh nặng lớn cho Đại đồng bằng Hungary đang hứng chịu khủng hoảng nước lịch sử.
CATL tuyên bố 70% lượng nước nhà máy tiêu thụ là nước thải sinh hoạt đã được làm sạch. Thông tin về giai đoạn đầu của dự án không đề cập đến, Bộ Phát triển kinh tế Hungary chưa đưa ra bình luận gì về những gì hãng pin Trung Quốc tuyên bố.
Bên cạnh lo ngại môi trường còn có lo ngại nền kinh tế quốc gia phụ thuộc các đơn vị ngành ô tô thuộc sở hữu nước ngoài, nhà máy CATL tại Hungary giúp Trung Quốc củng cố hiện diện tại Trung Âu.
Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững thuộc Quốc hội Hungary Laszlo Lorant Keresztes nhận xét: “Kinh tế Hungary rất dễ bị tổn thương trước ngành ô tô. Nhà máy CATL làm tăng tính dễ bị tổn thương đó”.
Ông còn chỉ trích khoảng 800 triệu euro cho cơ sở hạ tầng và ưu đãi thuế mà chính phủ Hungary dành cho CATL “không thực tế”, nhà máy sẽ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho lao động nước ngoài thay vì lao động địa phương.