Sự thất bại của Nhật Bản, được đánh giá cũng là thất bại chung của nền kinh tế thế giới khi mà cuộc chiến thúc đẩy lạm phát đang đe dọa không chỉ xảy đến với nền kinh tế của xứ sở mặt trời mọc.

Nhật Bản chống giảm phát thất bại: Lời cảnh báo với nền kinh tế thế giới?

Nhàn Đàm | 28/07/2017, 16:31

Sự thất bại của Nhật Bản, được đánh giá cũng là thất bại chung của nền kinh tế thế giới khi mà cuộc chiến thúc đẩy lạm phát đang đe dọa không chỉ xảy đến với nền kinh tế của xứ sở mặt trời mọc.

Chiến thắng trong cuộc chiến chống giảm phát và nỗ lực thúc đẩy lạm phát lên mức 2% đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết đối với Nhật Bản – nền kinh tế thứ ba thế giới đã theo đuổi cuộc chiến này trong suốt gần 4 năm qua. Vào ngày thứ Năm 20.7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đưa ra báo cáo về việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy lạm phát trong nền kinh tế lên mức 2%; theo đó Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ không thể đạt được mục tiêu này ít nhất là đến thời điểm tháng 4.2019.

Nói cách khác, BOJ và Chính phủ Nhật Bản vẫn sẽ nỗ lực để thúc đẩy lạm phát hết sức có thể, nhưng một kết quả tích cực chắc chắn sẽ phải chờ đến sau tháng 4.2019 – thời điểm bắt đầu năm tài chính mới. Sự thất bại của Nhật Bản, được đánh giá cũng là thất bại chung của nền kinh tế thế giới khi mà cuộc chiến thúc đẩy lạm phát đang đe dọa không chỉ xảy đến với nền kinh tế của xứ sở mặt trời mọc.

Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, Nhật Bản không phải là nền kinh tế duy nhất trên thế giới phải đối mặt với vấn đề thúc đẩy lạm phát. Ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế trên thế giới chia sẻ về vấn đề nan giải này. Và những gì đang diễn ra ở Nhật Bản cho thấy cuộc chiến thúc đẩy lạm phát với các nền kinh tế lớn không hề dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là nan giải.

Báo cáo kinh tế quý 2/2017 của BOJ cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang có sự hồi phục và tăng trưởng nhất định: giá tiêu dùng tăng 0,4% - một mức tương đối tích cực và tăng trưởng GDP của Nhật Bản đã tăng liên tiếp trong 5 quý gần nhất và là đợt tăng theo quý dài nhất kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản cũng đã giảm xuống mức có thể xem là lý tưởng: 3%.

Tuy nhiên, với tất cả những con số thống kê tích cực kể trên, BOJ vẫn đưa ra một dự báo khiêm tốn: với tốc độ tăng trưởng khả quan hiện nay của nền kinh tế, Nhật Bản vẫn sẽ phải cần thêm vài năm nữa để đạt được mục tiêu là mức lạm phát 2%.

Điều tương tự cũng đang xảy ra tại Châu Âu. So với Nhật Bản, tình trạng và các chỉ số cơ bản của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung eurozone đang tỏ ra tích cực hơn khá nhiều, mức tăng trưởng GDP cũng đang cao hơn so với những năm trước kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp 2010, tuy nhiên sự hồi phục kinh tế ấy vẫn chưa thể chuyển hóa thành mức lạm phát kỳ vọng dù Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã rất nỗ lực bằng các gói kích thích.

Khó khăn trong việc chuyển đổi sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế thành mức lạm phát kỳ vọng cũng đã từng xảy ra với Mỹ - nơi Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất 2 lần trong năm nay như một trong những biện pháp để kiềm chế lạm phát. So với Nhật Bản và EU, nền kinh tế Mỹ hồi phục nhanh hơn nhiều kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, nhưng cũng phải đến năm 2016 FED mới tăng lãi suất lần đầu tiên sau khi có dấu hiệu cho thấy mức lạm phát kỳ vọng có thể đạt được sau 8 năm.

Việc gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được mức lạm phát kỳ vọng tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được xem là một xu hướng phản ánh những hậu quả sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài. Một số người thì đổ lỗi cho nhập khẩu giá rẻ do thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, nhưng thực tế đó là quá trình đã diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ trước đây.

Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng so với Mỹ và EUthì Nhật Bản còn phải đối mặt với một số thách thức riêng vốn có trong cuộc chiến thúc đẩy lạm phát của mình. Đó là tình trạng suy giảm dân số, tăng trưởng thu nhập bình quân chưa thực sự cao trong khi những tiến bộ công nghệ lại đang có dấu hiệu chững lại. Chúng đang khiến những nỗ lực thúc đẩy lạm phát của BOJ trở nên khó khăn hơn nhiều, khi mà cốt lõi vấn đề không thực sự nằm ở khía cạnh can thiệp tài chính thông thường mà các ngân hàng trung ương thường đảm trách.

Việc Nhật Bản gần như chính thức thừa nhận thất bại trong cuộc chiến thúc đẩy lạm phát được thể hiện qua việc Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda trong bản báo cáo vào ngày thứ Năm 20.7 đã cho biết nước này sẽ không tiếp tục chính sách nới lỏng như trước nữa. Đó cũng có thể xem là sự thất bại của chính sách sử dụng công cụ tài chính để thúc đẩy lạm phát không chỉ được Nhật Bản sử dụng mà còn cả EU nữa. Và chắc chắn là việc chấm dứt các chính sách nới lỏng này sẽ không thể bị đảo ngược trong khoảng thời gian ít nhất là từ nay đến tháng 4.2018 – thời điểm mà Thống đốc Kuroda sẽ hết nhiệm kỳ của mình tại BOJ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Nhật Bản chạy đua giúp nông dân trồng lúa khi Trái đất nóng lên
Trên khắp Nhật Bản, nhiều biện pháp thích ứng khác nhau đang được thực hiện để giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với cây lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản chống giảm phát thất bại: Lời cảnh báo với nền kinh tế thế giới?