Hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin một tàu vũ trụ không người lái của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa sáng 15.5.
Qua đó, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga có tàu vũ trụ hạ cánh xuống hành tinh đỏ.
Tân Hoa Xã cho biết tàu vũ trụ Thiên vấn-1 đã hạ cánh xuống địa điểm được gọi là Utopia Plain lúc 7 giờ18 sáng 15.5 theo giờ Bắc Kinh, "lần đầu tiên để lại dấu chân của Trung Quốc trên sao Hỏa".
Robot thăm dò sao Hỏa tự hành đầu tiên của Trung Quốc được đặt tên là Chúc Dung. Chúc Dung là vị thần lửa trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, có tên tiếng Trung là hành tinh đỏ.
Thiên vấn-1 (hay "Câu hỏi với thiên đường" theo tên một bài thơ Trung Quốc viết cách đây hai thiên niên kỷ) là sứ mệnh độc lập đầu tiên của Trung Quốc lên sao Hỏa. Một tàu thăm dò hợp tác với Nga vào năm 2011 đã không thể rời khỏi quỹ đạo Trái đất.
Vào tháng 7.2020, tàu vũ trụ nặng 5 tấn đã được phóng từ đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5.
Sau hơn 6 tháng vận chuyển, Thiên vấn-1 đã đến sao Hỏa vào tháng 2.2021, nơi nó đã ở trên quỹ đạo kể từ đó.
Phó quản trị viên NASA - Thomas Zurbuchen đã đăng tweet chúc mừng Trung Quốc: "Cùng với cộng đồng khoa học toàn cầu, tôi mong đợi những đóng góp quan trọng mà sứ mệnh này sẽ mang lại cho sự hiểu biết của nhân loại về hành tinh đỏ".
Cuộc đổ bộ lên sao Hỏa của Trung Quốc là chủ đề thịnh hành nhất trên mạng xã hội Weibo khi nhiều người bày tỏ sự phấn khích và tự hào trước thành tích đạt được.
Mỹ đã có 9 lần đổ bộ thành công lên sao Hỏa kể từ năm 1976. Liên Xô đổ bộ lên sao Hỏa vào năm 1971, nhưng sứ mệnh đã thất bại sau khi tàu ngừng truyền thông tin ngay sau khi chạm bề mặt.
Lần hạ cánh thành công đầu tiên được thực hiện bởi Viking 1 của NASA vào tháng 7.1976 và sau đó là Viking 2 vào tháng 9.1976. Tàu thăm dò sao Hỏa của Liên Xô cũ đã hạ cánh vào tháng 12.1971 nhưng liên lạc bị mất vài giây sau đó.
Trung Quốc từng hạ cánh lên Mặt trăng nhưng xuống sao Hỏa là việc khó khăn hơn nhiều vì nó có bầu khí quyển cực kỳ mỏng.
Tàu vũ trụ phải sử dụng tấm chắn nhiệt để bảo vệ khỏi sức nóng khắc nghiệt của chuyến bay lẫn các tên lửa đẩy lùi và dù bung đủ chậm để ngăn chặn sự cố hạ cánh. Dù và tên lửa phải được triển khai vào những thời điểm chính xác để hạ cánh tại vị trí được chỉ định.
Chỉ những tên lửa đẩy lùi mini là cần thiết khi tàu hạ cánh xuống Mặt trăng và chỉ cần dù bay là đủ để quay trở lại Trái đất, nơi có bầu khí quyển lớn hơn nhiều.
Hạ cánh thành công xuống sao Hỏa là chiến thắng cho tham vọng không gian ngày càng táo bạo của Trung Quốc.
Chương trình không gian là niềm tự hào ở Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chủ trì một kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc. Trung Quốc phần lớn đã phải đơn độc trong việc khám phá không gian sau khi bị luật pháp Mỹ loại bỏ các sáng kiến liên quan đến NASA kể từ năm 2011.
Robot thăm dò Chúc Dung đã hoàn thành chuyến lao xuống đầy nguy hiểm qua bầu khí quyển sao Hỏa bằng cách sử dụng một chiếc dù để điều hướng trong "7 phút kinh hoàng", nhắm đến khu vực dung nham rộng lớn phía bắc được gọi là Utopia Planitia.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc - CCTV cho biết sứ mệnh đã "hạ cánh thành công tại khu vực được chọn trước".
Chúc Dung đến sao Hỏa sau tàu thăm dò Perseverance mới nhất của Mỹ vài tháng khi hai cường quốc trình diễn sức mạnh công nghệ ra ngoài giới hạn Trái đất.
Có 6 bánh, camera địa hình độ phân giải cao, chạy bằng năng lượng mặt trời và nặng khoảng 240 kg, tàu thăm dò Chúc Dung đang thực hiện nhiệm vụ thu thập và phân tích các mẫu đá từ bề mặt sao Hỏa.
Chúc Dung cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại, bao gồm cả nước và băng dưới bề mặt, bằng cách sử dụng radar xuyên đất. Nó được dự kiến sẽ dành khoảng 3 tháng ở đó.
Đây là mốc quan trọng trong chương trình không gian của Trung Quốc.
Tàu vũ trụ Trung Quốc đã đi vào quỹ đạo của sao Hỏa vào tháng 2.2021 và sau nhiều ngày im lặng, truyền thông nhà nước tuyên bố nó đã đạt đến "giai đoạn chạm xuống quan trọng" vào 14.5.
Quá trình hạ cánh phức tạp đã được gọi là "7 phút kinh hoàng" vì diễn ra nhanh hơn so với các tín hiệu vô tuyến có thể đến Trái đất từ sao Hỏa, đồng nghĩa với việc liên lạc bị hạn chế.
Một số nỗ lực của Mỹ, Nga và châu Âu nhằm hạ cánh con tàu trên sao Hỏa đã thất bại trong quá khứ, gần đây nhất là vào năm 2016 với vụ hạ cánh của tàu vũ trụ Schiaparelli liên doanh Nga-Âu.
Lần đến sao Hỏa thành công gần đây nhất là vào tháng 2.2021 khi NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) hạ cánh tàu Perseverance của nó, qua đó đã khám phá hành tinh này.
NASA đã đưa chiếc trực thăng robot nhỏ lên sao Hỏa. Đây là chuyến bay chạy bằng năng lượng đầu tiên trên một hành tinh khác Trái đất.
Hope là tàu vũ trụ thứ ba đã đến sao Hỏa vào tháng 2.2021 nhưng không được thiết kế để hạ cánh. Được phóng bởi UAE, Hope đang quay quanh sao Hỏa thu thập dữ liệu về thời tiết và bầu khí quyển của nó.
Trung Quốc đã tiến bước dài trong cuộc đua để bắt kịp Mỹ và Nga, hai quốc gia có các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ với hàng chục năm kinh nghiệm khám phá không gian.
Trung Quốc đã phóng thành công mô đun đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng trước với hy vọng sẽ được phi hành đoàn vào năm 2022 và cuối cùng đưa con người lên Mặt trăng.
Ngày 9.5, mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B Y2 của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương trong cuộc hạ cánh không kiểm soát trở lại Trái đất.
Theo truyền thông Trung Quốc, hầu hết các mảnh vỡ đã bốc cháy khi đi tên lửa trở về, trong khi phần còn lại rơi xuống Ấn Độ Dương, gần quần đảo Maldives.
Vụ việc này bị Mỹ và các quốc gia khác chỉ trích vì vi phạm quy định về nghi thức tái nhập các mảnh vỡ không gian xuống Trái đất. Các quan chức cho rằng những mảnh vỡ còn sót lại có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.