Các nhà báo Nhật Bản kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho đồng nghiệp bị giam giữ.
Một nhóm nhà báo ở Nhật Bản hôm 20.4 đã kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho một đồng nghiệp, Yuki Kitazumi, bị giam giữ ở thành phố Yangon sau cuộc đàn áp truyền thông trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc biểu tình chống đảo chính.
Isoko Mochizuki, nhà báo đồng thời là bạn lâu năm của Yuki Kitazumi, cho biết: "Chúng tôi muốn chính quyền ngừng áp bức người dân Myanmar. Chúng tôi tìm cách lấy lại quyền tự do nhanh chóng cho nhiều nhà báo bị giam giữ, bao gồm cả Yuki Kitazumi, những người đang cố gắng nói ra sự thật".
Nhóm các nhà báo đã bắt đầu một bản kiến nghị trực tuyến hôm 19.4 gửi tới quân đội Myanmar và Chính phủ Nhật Bản kêu gọi trả tự do cho Yuki Kitazumi. Đến nay khoảng 2.000 người đã ký vào bản kiến nghị.
Các nhà báo đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản gây áp lực nhiều hơn với chính quyền Myanmar để trả tự do cho Yuki Kitazumi, người bị quân đội giam giữ vào tối 18.4 bên ngoài nhà riêng ở Yangon vì bị cáo buộc "truyền bá sự giả dối".
Kanae Doi, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Nhật Bản, nói trong cuộc họp báo: “Không có cảm giác như Chính phủ Nhật Bản đang gây đủ áp lực lên Myanmar”.
“Tôi hy vọng điều này sẽ trở thành mốc thời gian để Nhật Bản có thể làm được nhiều hơn nữa”, bà nói thêm rằng Chính phủ Nhật Bản đã tỏ ra nhẹ nhàng xoay quanh vấn đề những gì đang xảy ra ở Myanmar, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với người tham gia vào cuộc đảo chính.
Yuki Kitazumi, người điều hành một công ty sản xuất phương tiện truyền thông, đã bị bắt trước đó vào 2.2021 khi che giấu người biểu tình phản đối cuộc đảo chính nhưng được thả ngay sau đó.
Khoảng 11 giờ sáng nay, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản yêu cầu lực lượng an ninh ở Myanmar thả Yuki Kitazumi vì cáo buộc phát tán "tin tức giả" sau khi đưa tin về các cuộc biểu tình chống chính quyền.
Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato nói với các phóng viên: “Nhật Bản coi cách xử lý tình huống, bao gồm cả việc ông ấy bị tống vào tù trước khi tuyên án, là không thể chấp nhận được”.
Theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, 737 người đã bị lực lượng an ninh giết hại ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính và 3.229 người vẫn bị giam giữ.
Thủ tướng Thái Lan không dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN về Myanmar
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết sẽ không tham gia hội nghị cấp cao ASEAN tại Thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 24.4, dự kiến sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar. Thay vào đó, Thái Lan sẽ cử Phó thủ tướng Don Pramudwinai, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao, đến dự.
Ông Prayuth Chan-ocha nói: “Tôi cũng được biết rằng nhiều nước đang cử ngoại trưởng của họ tham gia cuộc họp”.
Hôm 17.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan - Tanee Sangrat cho biết người đứng đầu quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia.
Chính quyền quân sự Myanmar chưa đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, điều này được coi là khó xảy ra vì trong những thời kỳ quân sự cai trị trước đây, Myanmar thường cử thủ tướng hoặc ngoại trưởng đại diện tại các cuộc họp khu vực.
Romeo Jr. Abad Arca, trợ lý giám đốc bộ phận quan hệ cộng đồng của Ban Thư ký ASEAN, cho biết hội nghị thượng đỉnh này sẽ diễn ra theo các giao thức an ninh và y tế nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19.
ASEAN đã cố gắng tìm cách đưa Myanmar thoát khỏi tình trạng hỗn loạn đẫm máu hiện nay. Thế nhưng đã có những quan điểm khác nhau giữa các thành viên ASEAN về cách đối phó với việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương với dân thường và các chính sách đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau đã hạn chế khả năng hành động của nhóm.
Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đã tìm cách gia tăng sức ép lên chính quyền Myanmar. Thái Lan, nước láng giềng của Myanmar, cho biết "rất lo ngại" về việc đổ máu leo thang, nhưng quan hệ quân sự chặt chẽ với Myanmar và lo ngại về làn sóng người tị nạn, có nghĩa là không có khả năng đi xa hơn.
Brunei (Chủ tịch hiện tại của ASEAN) cho biết sau cuộc họp giữa các ngoại trưởng vào tháng 3.2021 rằng ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế, không xúi giục thêm bạo lực".
EU áp đặt vòng trừng phạt mới với quân đội Myanmar
Hôm 19.4, EU thông qua một vòng trừng phạt mới với Myanmar để đáp trả cuộc đảo chính, nhằm vào 10 người và hai công ty do quân đội kiểm soát.
"Quyết định hôm nay là một dấu hiệu cho thấy sự thống nhất và quyết tâm của EU trong việc lên án các hành động tàn bạo của chính quyền quân sự và nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong ban lãnh đạo của quân đội", Hội đồng châu Âu cho biết.
"10 cá nhân là thành viên của Hội đồng Hành chính Nhà nước (tên của chính quyền quân sự), hai công ty Myanma Economic Holdings Public Co (MEHL) và Myanmar Economic Corp thuộc sở hữu và kiểm soát của lực lượng vũ trang Myanmar, cung cấp doanh thu cho nó", theo tuyên bố.
Mỹ và Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với MEHL và MEC, hai công ty có hoạt động kinh doanh sâu rộng bao gồm khai thác mỏ, thực phẩm, đồ uống và du lịch.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của EU "đặc biệt nhắm vào lợi ích kinh tế của chế độ quân sự Myanmar và được thực hiện theo cách để tránh gây tổn hại không đáng có cho người dân Myanmar".
"Một lần nữa, rõ ràng rằng viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar cần được tăng cường. Chúng tôi đã tăng nó thêm 9 triệu euro (10,8 triệu USD), nhưng điều quan trọng là phải ngăn chặn sự đàn áp", Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, nói với các phóng viên.