Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.

WB: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021

Lam Thanh | 24/08/2021, 17:17

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.

Nền kinh tế đối mặt nhiều rủi ro

Theo báo cáo “Việt Nam số hóa - Con đường đến tương lai” do Ngân hàng thế giới (WB) công bố chiều 24.8, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng.

Báo cáo nêu, tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khu vực công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ vẫn chưa quay lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch, một phần do khu vực này nhạy cảm với các biện pháp hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Từ góc độ chi tiêu, tăng trưởng đạt được nhờ vào tiêu dùng tư nhân và một phần nào đó vào đầu tư tư nhân. Trong khi đó Chính phủ trở lại với chính sách tài khóa thắt chặt hơn và nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Điều này khiến cho cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt.

WB nhận định nền kinh tế nước ta dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt để dập dịch. Tỷ lệ tiêm vắc xin thấp sẽ làm tăng nỗi đau kinh tế cho Việt Nam do Chính phủ không thể sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế để giúp kinh tế phục hồi.

Về khu vực kinh tế đối ngoại, báo cáo cho hay Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai đã trở nên xấu đi trong nửa đầu năm.

Cụ thể, Việt Nam đã tích lũy được thêm 6 tỉ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12.2020 đến tháng 4.2021. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế.

Báo cáo cũng chỉ ra khu vực kinh tế đối ngoại đã mất đi một phần động lực, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có trong năm 2020.

“Có lẽ các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy do đại dịch tái bùng phát, buộc họ phải đóng cửa nhà máy hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Họ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia khác có các hoạt động sản suất đang phục hồi mạnh mẽ hơn”, WB nêu nguyên nhân.

san-xuat.jpg
WB đưa ra nhiều dự báo cho kinh tế Việt Nam

Theo WB, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về với chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021.

Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, so với 10 đến 12% trong năm 2020, cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính.

Có thể tăng trưởng khoảng 4,8%

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.

Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý 4. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.

Trong thời gian còn lại của năm 2021, theo WB, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ.

Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các dự án này hiện đang gặp những khó khăn ban đầu do các hạn chế đi lại liên quan đến đợt bùng phát dịch tháng 4, nhưng dự kiến sẽ được triển khai hết tốc lực trong quý 4.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cũng cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7. Mặc dù kết quả triển khai có tốt hay không còn phụ thuộc vào phạm vi của gói hỗ trợ và khả năng tiếp cận những người lao động bị mất việc làm.

Tuy nhiên, WB cũng lưu ý rằng dự báo trên cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vắc xin. Nếu những rủi ro đó trở thành hiện thực, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ thấp hơn mức dự báo 4,8%.

WB cho rằng mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội. Theo đó, nên cân nhắc tăng cường các chương trình đảm bảo xã hội, về phạm vi bao phủ, đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ, nhằm đảm bảo những nạn nhân hiện tại và tương lai của cú sốc kinh tế và dịch bệnh nhận được hỗ trợ đầy đủ.

WB cũng nhấn mạnh rằng cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch. Đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu, và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.

Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, nhưng WB cho rằng tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt bùng phát dịch hiện nay không sớm được kiểm soát hoặc các đợt dịch mới lại nổ ra trong những tháng tiếp theo.

Theo đó, Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, vốn còn khiêm tốn đến thời điểm này, trong khi thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WB: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021