World Cup 2022 cho đến lúc này là đã là bức tranh đầy màu sắc, nhưng là những màu sắc thiếu lung linh…

World Cup 2022: Sàn diễn cuộc đời!

Đặng Hoàng | 03/12/2022, 11:25

World Cup 2022 cho đến lúc này là đã là bức tranh đầy màu sắc, nhưng là những màu sắc thiếu lung linh…

Có quá nhiều chuyện bên lề ảnh hưởng và được truyền thông khai thác tối đa tại World Cup lần này như vấn đề giới tính, nhân quyền... nhưng, càng không vui hơn nữa khi có những chuyện liên qua đến chuyên môn!

Những trận thua đầy toan tính kéo theo những cái chết tức tưởi

Cả 3 ông lớn Pháp, Bồ Đào Nha, Brazil cùng sớm đoạt vé vào vòng 16 đội chỉ sau 2 lượt, đều cùng thua trận cuối vòng bảng. Nếu như Pháp, Brazil thua vì sử dụng đội hình 2 và cả 2 trận thua này không ảnh hưởng đến bất kỳ ai và là điều ai cũng nghĩ đến và chấp nhận, thì ngược lại, trận Bồ Đào Nha thua Hàn Quốc 1-2, khiến cho không ít người phải chép miệng: “Trận đấu có…mùi!”.

Mọi người có cái nhìn tiêu cực, vì trước đó 1 ngày, người hâm mộ cũng có một cái nhìn không hay về trận thua Nhật Bản 1-2 của Tây Ban Nha đã gián tiếp loại Đức để Tây Ban Nha và Nhật Bản nắm tay nhau vào vòng 16 đội. Mọi người hoài nghi, nhưng sự hoài nghi có cơ sở khi Tây Ban Nha đầy toan tính thua Nhật để “được” xếp nhì bảng, từ đó “được” rơi vào nhánh đấu dễ thở, khi từ vòng đấu loại trực tiếp này không có chỗ dành cho những toan tính.

Lúc này đây, khi chúng ta cùng tĩnh tâm xem lại bàn thắng quyết định đem lại chiến thắng 2-1 của Hàn Quốc trước Bồ Đào Nha, chúng ta thấy gì: quá nhiều cầu thủ Bồ Đào Nha đuổi theo Son Heung Minh độc diễn đột phá từ phần sân Hàn Quốc đến sát vùng cấm địa Bồ Đào Nha, nhưng không có bất kỳ cầu thu Bồ Đào Nha nào tranh cướp, tì đè, thậm chí sẵn sàng phạm lỗi Son để ngăn chặn tình huống nguy hiểm như chuyện thường tình trong bóng đá. Ngược lại, tất cả chỉ chạy theo làm nền cho tăng thêm vẻ đẹp của Son, thậm chí cũng chẳng có cầu thủ nào của Bồ Đào Nha ngăn chặn cầu thủ nhận đường chuyền của Son để ghi bàn thắng quyết định nâng tỷ số lên 2-1, một kết quả vừa đủ đưa Hàn Quốc vượt qua vòng đấu bảng khi trận đấu cùng diễn ra đang có kết quả thuận lợi cho Hàn Quốc.

Cần nhấn mạnh, tôi không phủ nhận nỗ lực tuyệt vời của các tuyển thủ Nhận Bản và Hàn Quốc trong 2 chiến thắng ngược dòng ấn tượng trước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng tôi cũng không thể không có cùng một cảm nhận: 2 trận thắng này đã đến từ những toan tính của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Đừng để số phận của mình cho người khác định đoạt

Đức rồi Uruguay giờ đây trách ai?

Họ không thể trách Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, thậm chí là trách những thành viên liên quan đến trận đấu từ Ban tổ chức, trọng tài, công nghệ VAR… khi bỏ qua không cho họ được hưởng quả phạt 11m. Bởi nếu có trách, trước tiên họ phải trách bản thân mình.

Nếu Đức không thua Nhật Bản, Đức vượt qua được Tây Ban Nha thay vì hòa, thì Đức đâu phải rơi vào nghịch cảnh: số phận của mình để cho người khác định đoạt.

Đức thắng Costa Rica 4-2, thật ra có thể thắng đậm hơn thế, nhưng rồi họ vẫn bị loại chỉ vì kết quả: Tây Ban Nha thua Nhật Bản!

Tương tự, nếu Uruguay kiếm được hơn 1 điểm sau 2 lượt đấu thì họ đâu có chìm đắm trong nỗi thất vọng tột cùng: bị loại dù thắng Ghana 2-0 chỉ vì Bồ Đào Nha thua Hàn Quốc!

Cuộc chơi của những ông lớn đầy quyền uy!

Có thuyết âm mưu hay không khi World Cup 2022 được tổ chức ở châu Á mà đội chủ nhà sớm bị loại, nên có một thế lực ngầm muốn châu Á gỡ lại danh dự bằng cách châu Á nên có nhiều đại diện ở vòng 16 đội?

Thực tế thì chưa bao giờ bóng đá châu Á lại có nhiều đại diện ở vòng 16 đội như lần này: Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoại trừ Úc vượt qua vòng đấu bảng bằng thực lực, thì sự có mặt ở vòng trong của Nhật Bản, Hàn Quốc có một chút gì đó gợn sóng.

***

Bóng đá là một môn chơi công khai diễn ra giữa ban ngày để mọi người cùng chiêm ngưỡng, cùng phán xét. Thế mà, vẫn ngang nhiên tồn tại những góc khuất.

Nhưng các bạn hãy tin tôi, kể từ vòng đấu loại trực tiếp, khi không còn cho phép những toan tính thì trật tự sẽ được lặp lại: cuộc chơi sẽ lại thuộc về những ông lớn đầy quyền uy.

Đó cũng là thực tế trong cuộc sống không chỉ luôn tồn tại nhiều góc khuất bị che phủ mà còn là cuộc chơi của những ông lớn đầy quyền lực, đầy uy lực.

Vì vậy World Cup 2022 mới là sàn diễn cuộc đời!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
World Cup 2022: Sàn diễn cuộc đời!