Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ thảo luận một giải pháp chống lại Nga vào tuần tới vì tấn công Ukraine, gồm cả việc có thể di dời một văn phòng khu vực châu Âu ở Nga, theo một tài liệu do Reuters thu thập được.
Ba nguồn tin ngoại giao và chính trị cho biết, dự thảo nghị quyết sẽ được xem xét vào ngày 10.5 dừng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn như đình chỉ Nga khỏi ban chấp hành cơ quan y tế toàn cầu Liên Hợp Quốc cũng như tạm thời đóng băng quyền biểu quyết của nước này.
Dự thảo nghị quyết được chuẩn bị phần lớn bởi các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) và đệ trình lên văn phòng khu vực châu Âu của WHO trong tuần này, theo yêu cầu của Ukraine. Nó được ký bởi ít nhất 38 thành viên khác bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức.
Động thái trên được coi là một bước đi chính trị sẽ thúc đẩy các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, thay vì gây ra bất kỳ hậu quả sức khỏe đáng kể nào với người Nga hoặc chính sách y tế toàn cầu, điều mà các nhà ngoại giao cho rằng rất khó tránh khỏi.
Văn bản đề cập đến tình trạng khẩn cấp về y tế ở Ukraine và được thiết lập để lên án các hành động quân sự của Nga mà họ cho rằng đã dẫn đến thương vong hàng loạt, gián đoạn các dịch vụ y tế, tăng nguy cơ tử vong do các bệnh mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cùng các sự cố phóng xạ và hóa học ở Ukraine, khu vực châu Âu và hơn thế nữa.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu Hans Kluge (Giám đốc WHO khu vực châu Âu) xem xét "khả năng di dời văn phòng châu Âu của WHO về Phòng ngừa và Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm (được thành lập vào năm 1998) ra ngoài nước Nga. Hiện giờ nó nằm ở thủ đô Moscow (Nga).
Dự thảo nghị quyết yêu cầu có thể đình chỉ tất cả các cuộc họp ở Nga, giao nhiệm vụ cho Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus chuẩn bị một báo cáo về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe của Ukraine lên Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thường niên chính vào cuối tháng này.
Nga, thành viên khu vực châu Âu của WHO, đã không bình luận về cuộc họp và chương trình nghị sự được gửi tới cơ quan đại diện ngoại giao của họ ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), nơi WHO đặt trụ sở.
Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ nước này khỏi quân phát xít, phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Thế nhưng, Ukraine cùng phương Tây cho rằng cáo buộc của Nga là vô căn cứ và cuộc chiến là hành vi tấn công vô cớ.
Người phát ngôn của WHO khu vực châu Âu xác nhận rằng một dự thảo nghị quyết vẫn chưa công bố chính thức, sẽ được thảo luận tại cuộc họp vào ngày 10.5. Ông mong đợi Nga tham dự phiên họp.
Dự thảo nghị quyết cho biết có 191 cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng y tế của Ukraine kể từ khi Nga đưa quân vào nước láng giềng hôm 24.2, khiến 75 người chết. Đây là con số mà ông Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Các nguồn tin cho biết việc đình chỉ Nga khỏi ban điều hành WHO như Ukraine mong muốn đã bị hủy bỏ do các kỹ thuật pháp lý, nhưng vẫn có thể đóng băng quyền bỏ phiếu của Nga tại WHA.
Điều 7 của hiến pháp WHO cho phép đóng băng đặc quyền bỏ phiếu trong trường hợp "hoàn cảnh ngoại lệ" dù lời biện minh đó hiếm khi được sử dụng trong lịch sử 74 năm của cơ quan này. Nó có hiệu lực chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi vào năm 1964.
Nga đã bị Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tổ chức Du lịch Thế giới đình chỉ tư cách thành viên vào tháng trước vì các báo cáo về "các vi phạm có hệ thống và lạm dụng nhân quyền" ở Ukraine, mặc dù Nga cho biết rút khỏi cả hai.
Sau các cuộc thảo luận, một nhà ngoại giao nói rằng một số thành viên WHO lo ngại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn của WHO với Nga có thể gây ra những rủi ro sức khỏe rộng lớn hơn.
Ông nói với Reuters: “Nó khác với các lĩnh vực kinh tế. Chúng tôi không muốn một phần của thế giới chìm trong bóng tối về các bệnh truyền nhiễm".