Công ty sản xuất máy bay không người lái DJI Technology Co cho biết sẽ tạm ngừng kinh doanh tại Nga và Ukraine để đảm bảo các sản phẩm của họ không được sử dụng trong chiến đấu.
DJI Technology Co trở thành công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc viện dẫn lý do xung đột để ngừng bán hàng tại Nga.
Các quan chức Ukraine đã cáo buộc DJI Technology Co làm rò rỉ dữ liệu về quân đội Ukraine cho Nga. Đây là cáo buộc mà nhà sản xuất máy bay không người lái tiêu dùng và công nghiệp lớn nhất thế giới gọi là "hoàn toàn sai sự thật".
Trái ngược với nhiều công ty phương Tây rút khỏi Nga để phản đối cuộc tấn công Ukraine, các công ty Trung Quốc vẫn ở lại đó. Điều này phù hợp với lập trường của Trung Quốc là kiềm chế trước những lời chỉ trích Nga về cuộc xung đột.
Một phát ngôn viên của DJI Technology Co hôm 27.4 nói việc ngừng kinh doanh ở Nga và Ukraine "không phải để đưa ra tuyên bố về bất kỳ quốc gia nào, mà là về các nguyên tắc của chúng tôi".
"DJI phản đối bất kỳ việc sử dụng máy bay không người lái nào của chúng tôi để gây hại và chúng tôi đang tạm ngừng bán hàng ở hai quốc gia này để đảm bảo không ai sử dụng máy bay không người lái của chúng tôi trong chiến đấu", DJI Technology Co thông báo.
Một đại diện của DJI Technology Co nói vào tháng trước rằng DJI Technology Co đã biết về các đoạn video trực tuyến cho thấy quân đội Nga đang sử dụng các sản phẩm của họ, nhưng không thể xác nhận điều này và công ty không kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm của mình.
DJI Technology Co do tư nhân nắm giữ không công bố thông tin tài chính, nhưng công ty nghiên cứu Drone Analyst ước tính rằng họ có doanh thu phần cứng là 2,9 tỉ USD vào năm 2020.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến các công ty Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử: Việc tiếp tục hoạt động ở Nga đã vấp phải sự chỉ trích của phương Tây, nhưng rút lui sẽ có nguy cơ bị công chúng Trung Quốc phản ứng dữ dội.
Vào tháng 2.2022, gã khổng lồ gọi xe Didi Global đã đảo ngược quyết định rời Nga và Kazakhstan sau khi người dùng mạng xã hội trong nước cáo buộc họ không chịu nổi áp lực của Mỹ.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies cũng đang bị xem xét kỹ lưỡng về việc liệu có kế hoạch ở lại Nga hay không.
Công ty Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào liên quan đến Nga tại hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích thường niên vào ngày 26.4.
Trước đó, Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, đã thu hẹp hoạt động ở Nga để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng mạng di động và sản xuất các thiết bị như smartphone, máy tính xách tay, thiết bị theo dõi hoạt động thể dục. Trang web Huawei cho thấy công ty này có một văn phòng ở thủ đô Moscow của Nga.
Kể từ cuối tháng 3.2022, Huawei đã ngừng nhận các hợp đồng mới cung cấp thiết bị cho các nhà khai thác mạng của Nga, theo hãng tin Izvestia (Nga), trích nguồn tin ẩn danh từ các đối tác kinh doanh của công ty Trung Quốc.
Huawei sau đó đã yêu cầu nhân viên Nga nghỉ phép bắt buộc vào tháng 4.2022, trong khi nhân viên Trung Quốc có thể tiếp tục làm việc tại các văn phòng của hãng ở Nga, theo Forbes Russia, trích dẫn nguồn tin giấu tên từ các công ty làm việc với Huawei.
Ngoài ra, Huawei cũng cho thôi việc một số nhân viên tiếp thị. Tuy nhiên, những kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động này có thể chỉ là tạm thời, vì Huawei muốn xem làm thế nào để có thể tiếp tục duy trì ở thị trường Nga trong khi tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, hai hãng tin này lưu ý.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công Ukraine, khiến nhiều công ty quốc tế có sự hiện diện tại Nga phải rút lui.
Trong khi đó, Trung Quốc tránh tố cáo hành động tấn công Ukraine của Nga. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ trích các nước phương Tây vì đã làm leo thang cuộc xung đột và lên án các lệnh trừng phạt. Kết quả là các công ty Trung Quốc đang ở lại Nga, một số hãng thậm chí còn cảm nhận được cơ hội mới khi các công ty phương Tây tháo chạy hàng loạt.
Đáp lại, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ đã đe dọa các công ty Trung Quốc bằng "lệnh cấm hoàn toàn" với cả thương mại và tài chính nếu họ bị phát hiện bỏ qua các lệnh trừng phạt với Nga, theo bản ghi ngày 29.3 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.
Huawei đã trở thành mục tiêu một số lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2019 khi chính quyền Trump coi công ty Trung Quốc là nguy cơ với an ninh quốc gia. Các hạn chế đã ngăn Huawei tiếp cận các thành phần và dịch vụ công nghệ của Mỹ, đồng thời các lô hàng smartphone toàn cầu của Huawei đã giảm hơn 40% trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020.
Do đó, Nga đã trở thành một thị trường thiết yếu với Huawei. Huawei đã giành được hợp đồng xây dựng mạng 4G và 5G ở Nga. Hiện tại, Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE chiếm khoảng 40% đến 60% thị trường thiết bị mạng không dây của Nga, theo tờ Financial Times.
Theo hãng tin Forbes Russia và Izvestia, các chuyên gia nói quyết định của Bộ Tài chính Mỹ về việc dỡ bỏ các hạn chế cung cấp thiết bị viễn thông Mỹ cho các thực thể Nga có thể mang đến cơ hội cho Huawei.
Huawei có thể đang khám phá những cách khác để tiếp tục hoạt động ở Nga trong khi giảm khả năng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
"Có khả năng Huawei đang sửa đổi dòng sản phẩm của mình để cung cấp cho Nga những thiết bị không sử dụng công nghệ của Mỹ", một chuyên gia về hệ thống CNTT tại Nga nói với Forbes Russia.