Thủ đô Kyiv của Ukraine hiện có 4.500 hầm trú ẩn, tăng chỉ 500 điểm so với năm 2014, theo giải thích của Oleh Stovolos, Giám đốc Cơ quan tình trạng khẩn cấp Kyiv.

Người dân Ukraine nói về hầm tránh bom

Bảo Vĩnh | 27/10/2022, 15:52

Thủ đô Kyiv của Ukraine hiện có 4.500 hầm trú ẩn, tăng chỉ 500 điểm so với năm 2014, theo giải thích của Oleh Stovolos, Giám đốc Cơ quan tình trạng khẩn cấp Kyiv.

ukraine-shelter-aa.jpg
Các gia đình trú ẩn trong một trạm xe điện ngầm ở Kyiv - Ảnh: AA

Các hầm trú ẩn này là tầng hầm nhà dân, trạm xe điện ngầm, hầm chứa hàng, bãi đậu xe ngầm và lối đi ngầm... luôn được chính quyền kiểm tra. Họ cũng lập bản đồ chi tiết về vị trí của các điểm an toàn này.

Trạm Arsenalna ở Kyiv cách mặt đất khoảng 105 mét. Đây là trạm xe điện ngầm sâu nhất thế giới và được cho là có thể chịu đựng được sức công phá của vũ khí hạt nhân. Nhưng dù Kyiv có nhiều nơi trú ẩn tránh các đợt pháo kích và máy bay không người lái tấn công, một số người dân cho biết họ không được vào hầm tránh bom.

Báo Đức Deutsche Welle (DW) dẫn lời kể của bà Viktoria Lohvynenko: “Có thể nghe thấy những vụ nổ lớn ở Kyiv khi tôi cùng các con đứng trước một bãi đậu xe ngầm đã khóa cửa. Họ không cho chúng tôi vào và một người dân nói chính quyền đã sai khi chấm bãi đậu này là một điểm trú ẩn trên bản đồ”.

Bà Lohvynenko bị chặn ở ngoài bãi đậu xe ngầm, phải gọi điện cầu cứu cảnh sát. Sau đó, một sĩ quan đến can thiệp, lúc đó mẹ con bà mới được phép vào điểm tránh bom.

Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, đó không phải lần đầu bà Lohvynenko không được vào hầm trú ẩn. Bà cho biết: “Tôi đã phải nhờ cảnh sát 5 lần, lần nào cũng xảy ra cãi cọ trước khi gia đình tôi được vào điểm trú ẩn. Bây giờ cảnh sát không đến giúp nữa khi tôi gọi và chúng tôi không được vào bên trong bãi đậu xe ngầm”.

Bà còn nói đây là điểm tránh bom duy nhất trong khu vực. Hầm chứa hàng trong khu nhà dân của bà không phải là một lựa chọn tốt do có một đường ống dẫn khí chạy bên trong.

ukraine-shelter.jpg
Cư dân Ukraine trú ẩn trong các trạm xe điện ngầm - Ảnh: Reuters

Các không gian khác của điểm trú ẩn thường là các tiệm uốn tóc cũ, cửa hàng thú cưng và một văn phòng đã ngưng sử dụng. Thông thường, chủ của chúng khóa cửa vào nên người dân không thể vào tránh bom.

Chính quyền Kyiv nói họ nắm rõ vấn nạn này. Quan chức tòa thị chính Roman Tkatshuk nói những điểm trú ẩn bị khóa cửa thường là của tư nhân, chính quyền thường xuyên kiểm tra các điểm này từ tháng 2 và sẽ tiếp tục phá các ổ khóa.

Ông Tkatshukn kêu gọi người dân Kyiv không vào được điểm trú ẩn thì nên liên lạc với trung tâm liên lạc của thành phố. Và chính quyền sẽ đề xuất ngành công tố xử phạt người không thi hành trách nhiệm đối với các điểm tránh bom.

“Nhiều vụ kiện đã được mở đối với những chủ nhà không chịu tuân thủ các biện pháp bảo vệ dân sự. Hành vi này được khép là tội nhẹ, dù tôi nghĩ vi phạm luật bảo vệ dân sự phải bị khép là một tội hình sự”, ông Tkatshuk nói.

Nhiều người nói với DW rằng các chủ tư nhân không là vấn nạn duy nhất. Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, điểm trú ẩn ở các trường học luôn mở đón dân thường, nhưng điều này thay đổi khi đến năm học mới.

Marina Lypovezka đang trên đường đi làm thì đạn pháo bắt đầu tấn công Kyiv ngày 10.10. Cô trông thấy một trường học gần đó nên nhanh chóng chạy đến tìm chỗ trú ẩn. Một người đàn ông mở cửa trường rồi đóng sầm, giải thích chỉ có người lớn đi kèm trẻ em mới được vào trong. Cô và những người khác đành phải đứng ngoài đường.

Chính quyền Kyiv giải thích vào năm học mới, điểm tránh bom được trang bị đặc biệt cho học sinh và nhân viên trường. Tkatshuk cho biết: “Bàn ghế, sách và vật dụng cá nhân là của học sinh, người lạ không được phép vào trường”. 

Ông cũng đề nghị người dân tìm các nơi an toàn ở những chỗ khác, nhưng thừa nhận tại vài vùng ngoại ô, trường học là nơi an toàn duy nhất.

ukraine-shelterdwpg.jpg
Một điểm tránh bom trong trường học ở Kyiv - Ảnh: DW

David Surnadshyan sống tại một vùng ngoại ô như thế. Ông từng tính đến việc trú ẩn trong một trường học đối diện nhà, nhưng dù ngôi trường được xác định là nơi trú ẩn nhưng họ không cho người dân vào với lý do “không phải tất cả các phòng học đều trang bị thích hợp cho việc trú ẩn”.

Surnadshyan nói: “Các điểm này dành cho học sinh nhỏ, nhưng sáu tháng trước, chúng tôi cũng không được vào trú ẩn. Chúng tôi phàn nàn với trung tâm liên lạc nhưng không được trả lời”.

Ông còn nói học sinh chỉ trải qua vài giờ học ở trường và gợi ý nên cho dân địa phương vào trường khi học sinh đã ra về: “Chúng tôi đã quen ở nhà khi còi báo động vang lên, nhưng nhiều người chỉ muốn được ở trong điểm trú ẩn”.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan tình trạng khẩn cấp Kyiv Oleh Stovolos cảnh báo người dân không nên ở trong nhà khi xảy ra không kích. Ông Stovolos nói “quy định hai vách tường chỉ áp dụng nếu bạn ở trong nhà và xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ”. Quy định hai vách tường có nghĩa hai bức tường ngăn cách người với tường ngoài của tòa nhà.

Ông Stovolos còn nhấn mạnh: “Các số liệu thống kê cho biết nhiều người có thể được cứu mạng khi trú ẩn trong hầm chứa hàng ngay cả khi tòa nhà bị trúng bom. Một ví dụ gần đây ở Kyiv là tòa nhà 4 tầng bị phá hủy hoàn toàn, 5 người chết vì ở yên trong căn hộ của họ”.

Bài liên quan
Ukraine giục FIFA tước vé dự World Cup của Iran để trao cho Ukraine
Câu lạc bộ bóng đá hàng đầu của Ukraine hôm thứ hai đã thúc giục FIFA loại Iran khỏi World Cup vì nước này bị cáo buộc hỗ trợ quân sự cho các cuộc tấn công của Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Ukraine nói về hầm tránh bom