Mẫu ô tô điện mới với tính năng tiên tiến như công nghệ thực tế tăng cường, khả năng lái xe tự động trong khu vực thành thị và phạm vi lái xe dài đang gây áp lực lên những hãng tụt hậu trên thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi nhiều hãng xe điện vẫn chưa thu được lợi nhuận.
Thế giới số

Ô tô điện mới của Huawei và Xiaomi có thể tái khởi động cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc

Sơn Vân 27/12/2023 22:45

Mẫu ô tô điện mới với tính năng tiên tiến như công nghệ thực tế tăng cường, khả năng lái xe tự động trong khu vực thành thị và phạm vi lái xe dài đang gây áp lực lên những hãng tụt hậu trên thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nơi nhiều hãng xe điện vẫn chưa thu được lợi nhuận.

Các nhà phân tích cho biết 200 nhà sản xuất ô tô điện trong nước đang tranh giành thị phần, có thể tái diễn cuộc chiến về giá trong những tháng tới nhằm nỗ lực tồn tại.

Chen Jinzhu, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service, nói: “Các loại ô tô điện mới trên thị trường dường như có tính cạnh tranh về hiệu suất và giá cả. Tăng trưởng doanh số nhẹ trên toàn thị trường sẽ không đủ để giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất ô tô đang thua lỗ”.

Hôm 26.12, Aito (thương hiệu ô tô điện được hỗ trợ bởi Huawei) thông báo đã nhận 54.000 đơn đặt hàng cho chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) M9 hàng đầu của mình kể từ đợt bán trước bắt đầu vào ngày 25.9. Dự kiến đợt giao M9 đầu tiên sẽ diễn ra cuối tháng 1.2024.

Hãng smartphone Xiaomi sẽ tiết lộ thông tin chi tiết về mẫu ô tô điện đầu tiên của mình là SU7 vào ngày 28.12, theo Giám đốc điều hành Lei Jun. Xiaomi có kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm mẫu ô tô điện này trong những tháng tới.

capture.jpg
Du khách ngắm nhìn Luxeed S7, chiếc sedan đầu tiên do Huawei sản xuất, tại phòng trưng bày ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc - Ảnh: AFP

Đơn vị ô tô điện cao cấp Zeekr của Geely sẽ bắt đầu giao cho khách hàng chiếc sedan 007 từ ngày 1.1.2024, sau khi nhận được 25.000 đơn đặt hàng cho mẫu xe này trong vòng 9 ngày tính từ 17.11.

Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, với doanh số bán ô tô điện chiếm gần 60% tổng doanh số thế giới. Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu và phát triển lớn cho các mẫu ô tô điện mới, chi tiêu lớn cho tiếp thị và xây dựng thương hiệu cũng như việc giảm giá để thu hút khách hàng đã khiến hầu hết các nhà sản xuất ô tô khó có được lợi nhuận. Trong số những công ty hàng đầu, chỉ BYD (hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới) và Li Auto (đối thủ trực tiếp của Tesla ở Trung Quốc) báo cáo có lợi nhuận từ đầu năm đến nay.

William Li, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Nio (cũng là đối thủ của Tesla ở Trung Quốc), nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 25.12: “Đây là một thị trường năng động, nơi rủi ro ngày càng gia tăng và triển vọng lợi nhuận đầu tư không mấy sáng sủa. Các công ty nên tránh xa lý tưởng hóa và có lập trường nghiêm túc trước những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải”.

Doanh số bán ô tô điện ở Trung Quốc, gồm cả xe plug-in hybrid (PHEV), có thể tăng 20% vào năm 2024, chậm lại so với mức tăng dự kiến 30% hàng năm vào 2023, cơ quan xếp hạng Fitch cho biết vào tháng trước.

Xe plug-in hybrid là loại ô tô sử dụng cả hai nguồn năng lượng là động cơ đốt trong chạy bằng xăng hoặc dầu diesel và động cơ điện chạy bằng pin. Điều đặc biệt của PHEV là khả năng sạc pin từ nguồn điện bên ngoài thông qua một đầu cắm, thường được gọi là plug-in (cắm vào).

Với khả năng sạc từ nguồn điện, PHEV có thể chạy quãng đường ngắn chỉ bằng pin, mà không cần sử dụng động cơ đốt trong. Sau khi pin cạn kiệt, tốc độ cao hơn hoặc cần công suất lớn hơn, động cơ đốt trong sẽ kích hoạt để cung cấp năng lượng.

Nhờ vào tính linh hoạt này, PHEV có thể cung cấp lợi ích của cả hai hệ thống, giúp giảm lượng khí thải và tăng hiệu suất nhiên liệu, đồng thời giữ lại khả năng di chuyển xa hơn và linh hoạt hơn so với xe điện hoàn toàn.

Để tăng doanh số bán hàng và duy trì thị phần, BYD và Xpeng đã đưa ra chương trình giảm giá cho các mẫu ô tô điện bom tấn của họ để thu hút những khách hàng quan tâm đến ngân sách.

Xpeng (có trụ sở tại thành phố Quảng Châu) đã giảm giá khoảng 5% chiếc SUV G6 bán chạy nhất của mình vào đầu tháng 12, sau chiến dịch do BYD phát động, đưa ra mức giảm giá lên tới 20.000 nhân dân tệ (hay 8%) cho chiếc xe điện mang nhãn hiệu Han cũng trong tháng 12.

Tian Maowei, Giám đốc bán hàng tại hãng Yiyou Auto Service ở thành phố Thượng Hải, nhận xét: “Thông thường, việc giảm giá của một nhà sản xuất ô tô điện lớn có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền khi các đối thủ đua nhau đưa ra mức giá thấp hơn để duy trì đà bán hàng. Quan trọng hơn, các mẫu ô tô mới của Huawei và Xiaomi được trang bị công nghệ kỹ thuật số mới nhất của họ có thể rất cạnh tranh trên thị trường và tăng áp lực cho những đối thủ hiện có”.

Huawei gây bất ngờ khi lập liên doanh xe điện thông minh với Changan Automobile

Cuối tháng 11, Huawei thành lập liên doanh xe điện thông minh với Changan Automobile thuộc sở hữu nhà nước nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, đồng thời kêu gọi bốn công ty khác cùng tham gia.

Tờ SCMP đưa tin Huawei gây bất ngờ lớn cho ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc khi thành lập liên doanh mới, thực hiện bước đột phá sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh xe điện nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu.

Huawei nhiều lần bác bỏ tin đồn có kế hoạch sản xuất ô tô điện riêng, mô tả chỉ là đối tác của các nhà sản xuất xe điện, gồm cả trong dự án đang thực hiện với Seres Group. Song ngày 26.11, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cho biết đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Changan Automobile. Động thái này cho thấy Huawei đã thực hiện một bước tiến vững chắc hướng tới thành lập một liên doanh sản xuất ô tô điện thông minh.

Theo quan hệ đối tác mới, Huawei cho biết có kế hoạch chuyển giao hoạt động kinh doanh hệ thống xe điện thông minh của mình sang một đơn vị sản xuất mới với các khoản đầu tư từ Changan Automobile, "tích hợp các công nghệ và tài nguyên cốt lõi cho các giải pháp xe điện thông minh của Huawei vào công ty mới".

Theo bản ghi nhớ này, Changan Automobile dự kiến sẽ nắm giữ tới 40% vốn chủ sở hữu trong liên doanh, đồng thời Huawei đóng vai trò hàng đầu trong dự án sản xuất ô tô điện, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là "nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh các hệ thống và linh kiện của xe thông minh".

Mối quan hệ hợp tác mới của Huawei và Changan Automobile được thiết lập khi ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc đang trải qua những thay đổi nhanh chóng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa Tesla cùng nhiều thương hiệu xe điện địa phương, dẫn đầu là BYD và Li Auto.

Ngày 27.11, Huawei tiếp tục mời thêm bốn đối tác sản xuất ô tô tham gia liên doanh xe điện thông minh mới với Changan Automobile.

Yu Chengdong, Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei kiêm Chủ tịch bộ phận kinh doanh Giải pháp ô tô thông minh, đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như Seres Group, Chery Automobile, JAC Motors và BAIC Motor nắm một phần cổ phần của liên doanh mới, trong sự kiện ra mắt chiếc sedan Luxeed S7 hôm 28.11.

Cả bốn công ty, được coi là nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn trong nước, đang hợp tác với Huawei để phát triển và kinh doanh các thương hiệu xe mới theo mô hình Huawei Select. Huawei hợp tác chặt chẽ với bốn công ty trong mọi lĩnh vực, từ thiết kế sản phẩm đến bán hàng.

Yu Chengdong cho biết Huawei cũng hoan nghênh các công ty lớn hơn FAW Group, một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thuộc sở hữu nhà nước, hợp tác với doanh nghiệp về những giải pháp xe thông minh.

Nhân viên tại đơn vị ô tô điện nội bộ của Huawei được đề nghị bồi thường một tháng lương cho mỗi năm làm việc cộng với một tháng lương bổ sung để chuyển sang liên doanh mới, vẫn được phép giữ cổ phiếu Huawei và nhận cổ tức, theo bản tin của Jiemian News.

Bài liên quan
Hãng ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc: AI, robot thay thế 30% lực lượng lao động vào 2027
Nio, một trong ba nhà sản xuất ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc, đặt mục tiêu giảm 1/3 lực lượng lao động vào năm 2027 khi thay thế họ bằng AI và robot.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô tô điện mới của Huawei và Xiaomi có thể tái khởi động cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc