Wikimedia Foundation - tổ chức vận hành Wikipedia ra mắt bộ quy tắc ứng xử toàn cầu đầu tiên vào ngày 2.2, nhằm giải quyết những lời chỉ trích rằng họ thất bại trong việc chống lại sự quấy rối và thiếu tính đa dạng.
María Sefidari, Chủ tịch hội đồng quản trị của Quỹ phi lợi nhuận Wikimedia Foundation cho biết: “Chúng tôi cần phải bao quát hơn nhiều. Chúng tôi đang thiếu rất nhiều tiếng nói, chúng tôi đang thiếu phụ nữ, chúng tôi đang thiếu những nhóm yếu thế”.
Các nền tảng trực tuyến đã bị giám sát gắt gao về hành vi quấy rối, hùng biện bạo lực và các dạng nội dung có vấn đề khác, buộc họ phải sửa đổi các quy tắc nội dung và thực thi nghiêm ngặt hơn.
Không giống như Facebook và Twitter có nhiều cách tiếp cận từ trên xuống để kiểm duyệt nội dung, Bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, vừa tròn 20 tuổi vào tháng trước, phần lớn dựa vào các tình nguyện viên không được trả lương để xử lý các vấn đề xung quanh hành vi của người dùng.
Wikimedia Foundation cho biết hơn 1.500 tình nguyện viên của Wikipedia từ 5 châu lục và 30 ngôn ngữ tham gia vào việc tạo ra các quy tắc mới sau khi hội đồng quản trị bỏ phiếu vào tháng 5.2020 để phát triển các tiêu chuẩn ràng buộc mới.
Katherine Maher, Giám đốc điều hành Wikimedia Foundation, nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters: “Đã có một quá trình thay đổi trong khắp các cộng đồng. Phải mất thời gian để xây dựng sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện việc tham vấn cho mọi người hiểu tại sao đây là ưu tiên”.
Bộ quy tắc ứng xử mới cấm quấy rối trên và ngoài trang web, cấm các hành vi như ngôn từ kích động thù địch, sử dụng lời nói tục tĩu, định kiến hoặc công kích dựa trên đặc điểm cá nhân, cũng như đe dọa bạo lực thể chất và săn tìm hoặc theo dõi ai đó trên các bài báo khác nhau để phê bình công việc của họ. Nó cũng cấm cố tình đưa thông tin sai lệch hoặc thiên vị vào nội dung.
Wikipedia là trang web tương đối đáng tin cậy so với các nền tảng truyền thông xã hội lớn vốn đã cố gắng hạn chế thông tin sai lệch.
Katherine Maher cho biết lo ngại của một số người dùng rằng các quy tắc mới có nghĩa là trang web đang trở nên tập trung hơn là không có cơ sở.
Wikipedia có 230.000 biên tập viên tình nguyện làm việc trên các bài báo có nguồn lực từ cộng đồng và hơn 3.500 quản trị viên có thể thực hiện các hành động như chặn tài khoản hoặc hạn chế chỉnh sửa trên một số trang nhất định. Đôi khi các khiếu nại được quyết định bởi nhóm người dùng do cộng đồng bình chọn.
Wikimedia cho biết giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ là thực thi các quy tắc.
Bà María Sefidari nói: “Một quy tắc ứng xử mà không có hiệu lực thi hành ... sẽ không hữu ích. Chúng tôi sẽ tìm ra điều này với các cộng đồng”.
Bà Katherine Maher cho biết sẽ có đào tạo cho các cộng đồng và lực lượng đặc nhiệm quan tâm đến người dùng.
Wikimedia không có kế hoạch ngay lập tức để củng cố nhóm nhỏ "tin cậy và an toàn" của mình. Đây là nhóm khoảng 10 nhân viên đang hành động trong các vấn đề cấp bách như mối đe dọa chết chóc hoặc chia sẻ thông tin cá nhân của mọi người, Katherine Maher nói.