Trong khi đó thất bại của Ma Rốc mang về nỗi buồn không chỉ cho CĐV của họ mà cho cả những người mộng mơ yêu thích các câu chuyện cổ tích.

World Cup: Không có chỗ cho chuyện cổ tích như Euro

Đặng Hoàng | 15/12/2022, 08:10

Trong khi đó thất bại của Ma Rốc mang về nỗi buồn không chỉ cho CĐV của họ mà cho cả những người mộng mơ yêu thích các câu chuyện cổ tích.

Kylian Mbappe cùng tuyển Pháp đánh bại Ma Rốc 2-0 ở bán kết để vào chơi trận tranh ngôi vô địch với Argentina của Lionel Messi. Điều này không có gì bất ngờ vì như tôi đã dự đoán trong bài viết trước, hình ảnh đối đầu của 2 siêu sao Mbappe và Messi đang cùng khoác áo PSG của giới chủ Qatar sẽ là điểm nhấn cho cả giải đấu tổ chức trên đất Qatar.

Trong khi đó thất bại của Ma Rốc mang về nỗi buồn không chỉ cho CĐV của họ mà cho cả những người mộng mơ yêu thích các câu chuyện cổ tích. Trước đó, những người yêu thích cái mới, những điều phiêu lưu cũng phải ngậm ngùi khi chứng kiến Croatia dừng bước trước Argentina. Và thế là trận chung kết World Cup 2022 sẽ không có yếu tố lạ, sẽ không có đội vô địch thế giới mới!

Argentina từng 2 lần vô địch thế giới sẽ đối đầu với Pháp cũng từng 2 lần vô địch thế giới, thật môn đăng hộ đối. Chỉ riêng cái gọi là môn đăng hộ đối đã mang nặng tính chất “xét lý lịch” lại là chuyện khá phổ biến ở World Cup cũng như là trong đời sống xã hội.

Cho đến giờ, số lượng đội vô địch World Cup vẫn là 8, gồm: Brazil, Argentina, Uruguay, Đức, Ý, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Ngoài Uruguay vô địch từ thời nửa đầu thế kỷ trước thì về sau, các đội vô địch đều là những ông lớn bóng đá cả. Hay nói cách khác giải đấu của FIFA không phải là nơi tạo ra những giấc mơ đẹp cho Hoàng tử Cóc hay Công chúa lọ lem.

Lấy ví dụ như giải vô địch châu Âu ra đời năm 1960, tức sau World Cup 30 năm nhưng lại là giải đấu có nhiều chuyện cổ tích. Ví dụ như Tiệp Khắc vô địch năm 1976, Đan Mạch vô địch năm 1992 và Hy Lạp vô địch năm 2004. Đó là điều chúng ta chưa hề thấy tại World Cup. Tính về số lượng thì danh sách các nhà vô địch châu Âu ngoài Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, có thể kể ra Liên Xô 1960, Tiệp Khắc 1976, Hà Lan 1988, Đan Mạch 1992, Hy Lạp 2004, Bồ Đào Nha 2016.

Như vậy, số đội vô địch châu Âu lên đến 10 đội cho dù số lượng các đội châu Âu dự Euro chỉ bằng một góc nhỏ so với các đội trên thế giới đăng ký dự World Cup.

Tại sao những đội như Hà Lan, Bồ Đào Nha… có thể vô địch châu Âu nhưng chưa bao giờ vô địch thế giới?

Chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng các giải của FIFA xét lý lịch khá chặt chẽ. Bản thân Pháp và Argentina khi mới được kết nạp vào CLB các đội tuyển vô địch thế giới cũng phải biết lo lắng chia sẻ với FIFA. Rất trùng hợp là lần đầu tiên Argentina vô địch năm 1978 và Pháp vô địch năm 1998 đều là những giải mà họ tổ chức trên sân nhà. Trước đó, Anh trong lần đầu và cũng là lần duy nhất vô địch thế giới năm 1966 cũng tại sân nhà. Trong 20 năm qua, FIFA mới chỉ “kết nạp” một nhà vô địch mới là Tây Ban Nha năm 2010.

Nhưng hành trình lên ngôi của Tây Ban Nha rõ ràng không phải là câu chuyện cổ tích khi đội bóng xứ Bò tót đến World Cup với tư cách là những nhà đương kim vô địch châu Âu, mang đến Nam Phi không chỉ lối đá tiki-taka mà cả hệ tư tưởng bóng đá Barcelona và là ứng viên số 1 của giải.

World Cup rõ ràng là chẳng có chỗ cho những nhà Vua kiểu nhất dạ đế vương. Nói đơn giản, World Cup không phải là sàn diễn để các đội tuyển quốc gia đến và tận hưởng: Thà 1 phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
World Cup: Không có chỗ cho chuyện cổ tích như Euro