Gã khổng lồ thương mại điện tử Ozon (Nga) thu hút những người bán hàng xuyên biên giới Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống do cuộc di cư của các thương hiệu phương Tây để lại.

Bị phương Tây trừng phạt, 'Amazon của Nga' thu hút người bán hàng xuyên biên giới Trung Quốc

Sơn Vân | 04/12/2022, 10:40

Gã khổng lồ thương mại điện tử Ozon (Nga) thu hút những người bán hàng xuyên biên giới Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống do cuộc di cư của các thương hiệu phương Tây để lại.

Ozon, gã khổng lồ thương mại điện tử của Nga giống Amazon, đang thu hút những người bán hàng xuyên biên giới Trung Quốc vào thời điểm nhiều người tiêu dùng địa phương chuyển sang các sản phẩm Trung Quốc và mua sắm trực tuyến, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra dẫn đến cuộc di cư của các thương hiệu phương Tây.

Các hoạt động thương mại của Nga đã chạm đáy vào tháng 2, tháng 3 và nhu cầu với các sản phẩm Trung Quốc đã tăng vọt kể từ đó, hiện chiếm phần lớn sự phục hồi của hàng hóa nhập khẩu. Simon Huang, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Ozon tại Trung Quốc, cho biết thông tin này trong cuộc phỏng vấn với tờ SCMP.

Simon Huang nói: “Những người bán hàng xuyên biên giới của Trung Quốc đang tìm kiếm những cơ hội mới chưa được khai thác và Nga là một trong số ít thị trường đại dương xanh. Đây là cơ hội vàng cho các thương nhân Trung Quốc”.

Nga bị các chính phủ phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và nhiều thương hiệu quốc tế tẩy chay sau khi phát động chiến sự. Nước này đã và đang củng cố mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong năm nay. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại song phương của nước này với Nga đã tăng 31% trong 8 tháng đầu năm 2022.

Vào tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã gần trở lại mức trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, với 6,7 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc được Nga mua.

Các thương hiệu phương Tây đã rời khỏi Nga có H&M, Ikea, Apple và Samsung. Các nền tảng mua sắm trực tuyến (gồm cả Amazon) và nền tảng bán lẻ thời trang trực tuyến (gồm cả Farfetch) cũng tạm dừng giao hàng đến nước này.

Cuộc di cư của phương Tây đã mở ra cánh cửa cho các nhà cung cấp Trung Quốc. Theo nhà bán lẻ điện tử M. Video-Eldorado (Nga), các nhà sản xuất smartphone đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà Apple và Samsung để lại. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm 2/3 doanh số bán smartphone mới của Nga từ tháng 4 đến tháng 6 với thị phần tăng lên mỗi tháng.

ga-khong-lo-thuong-mai-dien-tu-nga-thu-hut-nguoi-ban-hang-xuyen-bien-gioi-trung-quoc.jpg
Ozon muốn thu hút nhiều người bán hàng xuyên biên giới Trung Quốc hơn - Ảnh: EPA-EFE

Ngoài bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, Simon Huang nói rằng cơ sở hạ tầng được cải thiện cho thương mại điện tử ở Nga là lý do chính khác để người bán Trung Quốc nhảy vào thị trường.

Simon Huang cho biết Ozon đã xây dựng một mạng lưới hậu cần giúp cắt giảm thời gian giao hàng trung bình từ 45 ngày xuống còn 3 tuần. Thời gian giao hàng trung bình dự kiến sẽ còn rút ngắn hơn nữa khi công ty có kế hoạch triển khai dịch vụ Hoàn thành bởi Ozon cho người bán Trung Quốc vào quý 1/2023, cho phép họ vận chuyển và lưu trữ trước hàng hóa trong kho Ozon.

Người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Ozon nói dịch vụ này dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thời gian vận chuyển trung bình xuống còn 10-12 ngày sau khi người tiêu dùng đặt hàng và vận chuyển bắt đầu từ nhà kho.

Simon Huang đang giúp Ozon hướng đến mục tiêu là 100.000 thương nhân Trung Quốc đăng ký vào năm 2024. Đây sẽ là sự mở rộng gấp 10 lần số lượng người bán Trung Quốc hiện tại trên Ozon. Các thương nhân Trung Quốc hiện chiếm khoảng 55% trong số 180.000 người bán đang hoạt động của Ozon.

Ngoài ra, Simon Huang nói Ozon đang tìm cách thu hút các thương hiệu Trung Quốc có chuỗi cung ứng vững chắc và chất lượng sản phẩm đáng tin cậy, cũng như các nhà máy sản xuất các sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo.

Để tiếp cận gần hơn với người bán, Ozon tuần trước thông báo rằng họ đã thành lập văn phòng đầu tiên ở Trung Quốc tại thành phố Thâm Quyến, trung tâm dành cho cộng đồng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ozon sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư của chúng tôi vào thị trường Trung Quốc, trong việc thiết lập mạng lưới hậu cần và các nguồn lực cho các thương nhân địa phương như ưu đãi giảm giá và đào tạo”, Simon Huang cho biết nhưng từ chối tiết lộ số tiền đầu tư theo kế hoạch.

Được ca ngợi là "Amazon của Nga", Ozon bắt đầu với tư cách là nhà bán sách trực tuyến vào năm 1998 và chuyển sang thị trường cho nhiều sản phẩm khác nhau những năm gần đây. Công ty niêm yết trên sàn Nasdaq cho biết có 32,7 triệu người mua đang hoạt động trong quý 3, với tổng khối lượng hàng hóa (GMV) trên thị trường tăng gấp đôi, đạt 147 tỉ rúp (2,38 tỉ USD).

Ozon cạnh tranh với AliExpress Russia, liên doanh thương mại điện tử giữa Alibaba Group Holding và ba đối tác Nga, vốn là nền tảng quen thuộc hơn với các thương nhân Trung Quốc mạo hiểm vào thị trường Nga. Tuy nhiên, AliExpress Russia được cho đã cắt giảm việc làm trong các ngành nghề kinh doanh có thể bị tiêu hao chi phí trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga, theo một báo cáo của hãng truyền thông Vedomosti (Nga).

Trong khi nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên, những bất ổn trong hoạt động ở Nga vẫn còn với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Austin Ding, đồng sáng lập hãng sản xuất smartphone AGM có trụ sở tại Thâm Quyến, nói công ty của ông đang chuẩn bị gia nhập Ozon để “mở ra một kênh bán hàng mới”.

Chuyên sản xuất smartphone “nồi đồng cối đá” được thiết kế cho thời tiết khắc nghiệt, AGM đã chứng kiến doanh số bán hàng ở Nga bốc hơi nhanh chóng vào đầu năm 2022, trước khi hoạt động kinh doanh dần phục hồi trong nửa cuối năm.

Trong khi AGM vẫn chưa từ bỏ thị trường Nga, Austin Ding cho biết ông vẫn thận trọng khi xem xét “sự bất ổn” của tình hình địa chính trị. “Chúng tôi không coi đó là ưu tiên cho các khoản đầu tư của mình”, Austin Ding nói.

Các thương nhân Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động đồng rúp và các biện pháp trừng phạt của phương Tây kéo dài đến việc loại trừ Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Simon Huang nói các thương nhân Trung Quốc có thể định giá sản phẩm và thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hoặc USD.

Ozon cho biết trong tuyên bố trước đó rằng các thương nhân Trung Quốc “có thể sử dụng SWIFT với một số ngân hàng đối tác được chọn”.

SWIFT là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, tổ chức đứng sau hầu hết các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay, được thành lập năm 1973.

Bài liên quan
Apple, Alphabet, Amazon, Microsoft, Meta ra sao khi đối diện tương lai khó khăn?
Các hãng công nghệ lớn như Apple, Amazon và Meta Plaforms đã dự báo về thời gian khó khăn phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm chủ quá trình chuyển đổi số bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, Make in Vietnam không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị phương Tây trừng phạt, 'Amazon của Nga' thu hút người bán hàng xuyên biên giới Trung Quốc