Cảnh sát ngăn chặn cuộc biểu tình phản đối lãnh đạo quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing khi ông đáp chuyến bay xuống Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Cảnh sát Indonesia chặn cuộc biểu tình khi lãnh đạo quân đội Myanmar tới dự hội nghị ASEAN

Nhân Hoàng | 24/04/2021, 15:34

Cảnh sát ngăn chặn cuộc biểu tình phản đối lãnh đạo quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing khi ông đáp chuyến bay xuống Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

canh-sat-indonesia-chan-cuoc-bieu-tinh-khi-lanh-dao-quan-doi-toi-du-hoi-nghi-asean3.jpg
Lãnh đạo quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing (bên trái) được chào đón tại sân bay Soekarno-Hatta ở ngoại ô Thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 24.4

Các nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu cuộc họp tại tòa nhà Ban Thư ký của khối ở Thủ đô Jakarta, Indonesia theo lịch trình lúc 13 giờ 30 chiều 24.4 theo giờ địa phương, một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Indonesia nói với trang Nikkei.

Thượng tướng Min Aung Hlaing đi trên máy bay Myanmar Airways International từ thành phố Yangon vào khoảng 11 giờ sáng 24.4. Một đoạn video do Chính phủ Indonesia đăng trên YouTube cho thấy ông Min Aung Hlaing bước xuống máy bay, mặc một bộ đồ công sở và đeo khẩu trang.

Sự tham gia của lãnh đạo quân đội Myanmar đã vấp phải sự phản đối, nhưng an ninh xung quanh khuôn viên tòa nhà Ban Thư ký ASEAN được thắt chặt và cảnh sát nhanh chóng di chuyển để chặn một cuộc biểu tình.

Khoảng giữa trưa ngày 24.4, hàng chục người biểu tình đã tập trung không xa tòa nhà Ban Thư ký ASEAN. Họ đang tuần hành về phía tòa nhà nhưng cảnh sát đã tiến vào để ngăn chặn họ, gọi cuộc biểu tình là vi phạm các giao thức y tế COVID-19.

Những người biểu tình từ Hiệp hội Người nghèo Đô thị có trụ sở tại Jakarta cho biết họ là một phần của liên minh khu vực có tên Lãnh đạo và Ban tổ chức các nhóm cộng đồng ở châu Á. Mạng lưới của họ cũng bao gồm cả các cộng đồng người nghèo và tầng lớp lao động ở Myanmar. Họ cho rằng Thượng tướng Min Aung Hlaing tới hội nghị thượng đỉnh là "không cần thiết và trái đạo đức…".

Nhóm này muốn các thành viên ASEAN cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh với các công ty Myanmar do chính quyền quân sự kiểm soát, đồng thời kêu gọi "các biện pháp trừng phạt quốc tế và cấm vận vũ khí" với quân đội, gia đình và doanh nghiệp của họ.

canh-sat-indonesia-chan-cuoc-bieu-tinh-khi-lanh-dao-quan-doi-toi-du-hoi-nghi-asean.jpg
Cảnh sát đối đầu với các nhà hoạt động gần tòa nhà của tòa nhà Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta vào ngày 24.4

Hội nghị lần này là cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19 mà Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - Retno Marsudi cho biết "phản ánh mối quan tâm của ASEAN về tình hình ở Myanmar và quyết tâm của ASEAN trong việc giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng".

Ngoài ông Min Aung Hlaing, các nhà lãnh đạo từ 6 quốc gia thành viên ASEAN khác cũng có mặt dự hội nghị thượng đỉnh. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh vắng mặt nhung có bộ trưởng ngoại giao của họ đại diện.

Các quan chức Thái Lan và Philippines đã trích dẫn các ca mắc COVID-19 gia tăng ở nước họ, trong khi Lào chưa đưa ra lời giải thích.

Văn phòng Tổng thống Indonesia cho biết hôm 24.4 rằng cuộc họp sẽ có ba nội dung: Sự phát triển của cộng đồng ASEAN; quan hệ đối ngoại của ASEAN; các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 23.4, trong đó họ cũng thảo luận về tình hình Myanmar.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên Hợp Quốc, cùng phối hợp với các nước ASEAN khác thúc đẩy giải quyết vấn đề Myanmar theo hướng sớm ổn định tình hình, giảm bạo lực và thương vong cho người dân, nối lại đối thoại giữa các bên để tìm kiếm giải pháp hòa bình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng sự cần thiết sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước để tạo hành lang pháp lý cho hai bên tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép, tạo hình mẫu về giải quyết khác biệt trên biển giữa các quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Hai bên cũng nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ngay sau khi mới nhậm chức, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam.

Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia chia sẻ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo ra "thỏa thuận tốt nhất" cho người dân Myanmar.

"Tổng thống nhấn mạnh rằng cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN chỉ diễn ra vì lợi ích của người dân Myanmar", bà Retno Marsudi nói.

canh-sat-indonesia-chan-cuoc-bieu-tinh-khi-lanh-dao-quan-doi-toi-du-hoi-nghi-asean33.jpg
Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phối hợp với các nước ASEAN khác thúc đẩy giải quyết vấn đề Myanmar theo hướng sớm ổn định tình hình, giảm bạo lực và thương vong cho người dân
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều nhà quan sát cũng tỏ ra nghi ngờ về cơ hội đạt được tiến triển đáng kể tại hội nghị thượng đỉnh, viện dẫn nguyên tắc không can thiệp vào công việc của các thành viên và chính sách dựa trên đồng thuận của ASEAN. Thế nhưng, những người khác cho rằng hội nghị thượng đỉnh có thể là giải pháp tốt nhất trong số ít lựa chọn tốt.

Ông Ha Hoang Hop, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết: “Ngồi lại để nói chuyện với chính quyền Myanmar ít nhất là một bước giúp tìm ra một giải pháp nhân đạo và chính trị cho Myanmar. Đó là một kênh rất hẹp nhưng trực tiếp để tác động đến quân đội, yêu cầu Min Aung Hlaing và quân đội ngừng giết người và khôi phục trật tự hợp pháp ở Myanmar”.

Tường Vu, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oregon, gợi ý rằng các nhà lãnh đạo ASEAN "cũng có thể đưa ra lời kêu gọi hòa giải ở Myanmar, điều này sẽ ngầm làm suy yếu thẩm quyền và tính hợp pháp của chế độ quân sự".

Những nỗ lực khác để làm lung lay chính quyền vẫn chưa có kết quả. Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener đã đến Đông Nam Á từ đầu tháng 4 nhưng đã bị từ chối nhập cảnh vào Myanmar.

Bà Christine Schraner Burgener đã gặp Ngoại trưởng Retno Marsudi tại Jakarta hôm 23.4 và được cho là sẽ cố gắng nói chuyện với các quan chức quân sự Myanmar bên lề hội nghị cấp cao ASEAN.

Ngày 24.4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp bà Christine Schraner Burgener.

Trong trao đổi, hai bên chia sẻ những thông tin cập nhật về các phát triển trong tình hình tại Myanmar. Bà Christine Schraner Burgener cho biết đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được Tổng Thư ký giao phó nhất là trong tiếp nhận, xử lý và liên hệ với các bên liên quan trong tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng hiện nay tại Myanmar.

Bà Christine Schraner Burgener cũng bày tỏ lo ngại về những thiệt hại về tính mạng của thường dân, đặc biệt của phụ nữ và trẻ em tại Myanmar và tỏ mong muốn ASEAN sẽ có những bước đi tích cực, góp phần giải tỏa bất đồng, đem lại hòa bình cho nước này.

Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn ghi nhận những nỗ lực của Liên Hợp Quốc và cá nhân bà Burgener trong tiếp cận giải quyết vấn đề Myanmar. Ông Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam chia sẻ những lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế, Liên Hợp Quốc về những bất ổn tại Myanmar.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong tiếp cận tình hình tại Myanmar, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến tại đây, tích cực tham gia với ASEAN tìm giải pháp phù hợp nhất cho Myanmar. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kiềm chế, chấm dứt bạo lực, hỗ trợ nhân đạo, hướng tới đối thoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình này.

Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định Việt Nam, thành viên ASEAN duy nhất hiện là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã và đang có nhiều nỗ lực để Liên Hợp Quốc có những trao đổi cân bằng, toàn diện về Myanmar.

Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế, Liên Hợp Quốc và cá nhân bà Burgener sẽ ủng hộ, hỗ trợ những nỗ lực của ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng trong vẫn đề này.

canh-sat-indonesia-chan-cuoc-bieu-tinh-khi-lanh-dao-quan-doi-toi-du-hoi-nghi-asean333.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và bà Christine Schraner Burgener - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự bùng nổ ngoại giao xung quanh Myanmar cũng bao gồm các cuộc đàm phán giữa một số ngoại trưởng ASEAN vào tối 23.4. Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết đã có các cuộc gọi điện thoại để thảo luận về Myanmar với người đồng cấp Nhật Bản - Toshimitsu Motegi và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Jake Sullivan những ngày gần đây.

Bài liên quan
Thủ tướng Thái Lan không dự hội nghị cấp cao ASEAN về Myanmar, Nhật gây áp lực để quân đội thả nhà báo
Các nhà báo Nhật Bản kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho đồng nghiệp bị giam giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh sát Indonesia chặn cuộc biểu tình khi lãnh đạo quân đội Myanmar tới dự hội nghị ASEAN