Ở Trung Quốc, cuộc sống hiện được điều chỉnh bởi một ứng dụng sức khỏe COVID-19 chính thức trên smartphone của hầu hết mọi người

Chuyển ứng dụng COVID-19 màu xanh sang đỏ để chặn khách vào ngân hàng, 5 quan chức TQ bị trừng phạt

Sơn Vân | 24/06/2022, 23:20

Ở Trung Quốc, cuộc sống hiện được điều chỉnh bởi một ứng dụng sức khỏe COVID-19 chính thức trên smartphone của hầu hết mọi người

Quan trọng hơn hộ chiếu, mang tính cá nhân hơn ảnh chụp, ứng dụng này quyết định ai có thể đi đâu. Nó có thể buộc mọi người phải hủy bỏ các chuyến đi, đi cách ly, thậm chí phải tìm đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Nếu không có ứng dụng này, bạn không thể đi làm.

Sau khi tải xuống, ứng dụng hoạt động giống như đèn giao thông: Màu xanh lá cây có nghĩa là "an toàn trước COVID-19" và cho phép chủ sở hữu vào tất cả tòa nhà, bao gồm cả cửa hàng tạp hóa và văn phòng.

Ứng dụng theo dõi chuyển động của mọi người, gửi thông tin về nơi họ đã đến, ở với ai, cho Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.

Chỉ cần ngồi trong một quán cà phê có ca mắc COVID-19 mà bạn không hề hay biết, cũng đủ khiến ứng dụng chuyển sang màu vàng.

Nếu điều đó xảy ra, bạn sẽ được thêm vào một danh sách dài những người có thể bị cách ly bắt buộc tại nhà, hoặc thậm chí cách ly tại một cơ sở do chính phủ Trung Quốc điều hành.

Đó là công cụ hoàn hảo để hạn chế quyền tự do cá nhân, và dù chính phủ Trung Quốc hứa rằng nó chỉ được sử dụng để kiểm soát sự lây lan SARS-CoV-2 nhưng vẫn dễ bị lạm dụng.

Gần đây, khi một ngân hàng ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, gặp sự cố công nghệ, khách nhận thấy họ không thể rút tiền trực tuyến.

Nhiều người đến ngân hàng để yêu cầu câu trả lời. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, chính quyền địa phương đã chuyển các ứng dụng chăm sóc sức khỏe của những khách hàng đang tức giận sang màu đỏ để giữ họ ở bên ngoài.

Sau khi câu chuyện này gây xôn xao dư luận, chính quyền địa phương đã trừng phạt 5 quan chức vì cố tình giả mạo hơn 1.000 mã sức khỏe của công dân.

Điều đó nghe có vẻ giống như công lý được thực thi, nhưng thành tích trừng phạt các quan chức tham nhũng của Trung Quốc dường như không tốt. Thông thường, họ biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong một thời gian, nhưng sau đó lại xuất hiện trở lại với các công việc khác nhau.

Câu chuyện trên cũng chứng minh rằng ứng dụng y tế của Trung Quốc có thể được sử dụng để kiểm soát công dân cho các mục đích khác.

chuyen-ung-dung-covid-19-tu-mau-xanh-sang-do.jpg
Người đàn ông quét mã QR để xuất trình mã rủi ro COVID-19 của mình trước khi bước vào một cửa hàng ở thành phố Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 17.6 - Ảnh: Getty

Một số thành phố ở Trung Quốc nới lỏng quy định xét nghiệm COVID-19

Một số thành phố đã bỏ hoặc nới lỏng quy định xét nghiệm COVID-19 sau khi Trung Quốc dần thoát khỏi đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, với các quan chức được yêu cầu không gây ra quá nhiều xáo trộn cho cuộc sống của người dân trong khi luôn cảnh giác về vi rút SARS-CoV-2.

Có nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế COVID-19 khác nhau trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5.2022, bao gồm cả việc phong tỏa ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc phải cảnh giác để ngăn chặn đợt bùng phát dịch lớn khác.

Trung Quốc đã yêu cầu các thành phố lớn và các cảng nhập cảnh tăng cường năng lực xét nghiệm để đảm bảo rằng có thể phát hiện ra biến thể Omicron với khả năng truyền nhiễm cao càng sớm càng tốt.

Trong khi các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn có những ca COVID-19 lẻ tẻ yêu cầu công dân phải xét nghiệm vài ngày một lần, mối quan ngại đã tăng lên rằng việc xét nghiệm thường xuyên, nếu được áp dụng rộng rãi trên khắp Trung Quốc, có thể dẫn đến gánh nặng tài chính lớn cho các chính quyền địa phương vốn bị giảm doanh thu do kinh tế tăng trưởng chậm và phải cắt giảm thuế hàng loạt để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tính đến 23.6, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 225.434 ca mắc COVID-19 có triệu chứng với 5.226 người chết.

Một quan chức y tế quốc gia hồi đầu tháng 6 đã làm rõ rằng các khu vực không có sự lây truyền SARS-CoV-2 không nên bắt buộc người dân phải xét nghiệm thường xuyên.

Thành phố Ninh Ba và Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang cho biết từ 25.6, quy định xét nghiệm với việc vào các địa điểm công cộng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ yêu cầu công dân thực hiện mỗi tuần một lần, thay vì quy tắc ba ngày một lần như trước đây.

Tỉnh Chiết Giang báo cáo có ít hơn 10 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vào tháng 6.

chuyen-ung-dung-covid-19-tu-mau-xanh-sang-do1.jpg
Nhiều người xếp hàng dài tại một trạm xét nghiệm axit nucleic ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16.6 - Ảnh: Reuters

Tỉnh An Huy ghi nhận hàng chục ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vào tháng 4 và tháng 5 nhưng chưa có trường hợp nào ở tháng này. Các thành phố Hợp Phì và Hoài Nam thuộc tỉnh An Huy đã tạm dừng các chiến dịch xét nghiệm COVID-19 thường xuyên vào đầu tuần này.

Đan Đông, thị trấn nhỏ ở phía đông bắc Trung Quốc, gần Triều Tiên, hôm 24.6 cho biết đã dỡ bỏ một số hạn chế COVID-19 với xe tải chở hàng, vì gần đây bắt đầu giảm bớt một lệnh cấm khắc nghiệt được áp dụng vào cuối tháng 4 gây phẫn nộ trên mạng xã hội.

Bài liên quan
Chính quyền Thượng Hải gửi thư cám ơn sau 2 tháng phong tỏa, dân đòi lời xin lỗi
Thượng Hải "hồi sinh" trở lại vào hôm 1.6 sau 2 tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển ứng dụng COVID-19 màu xanh sang đỏ để chặn khách vào ngân hàng, 5 quan chức TQ bị trừng phạt