Không có sự trợ giúp của Nga, các nhà khoa học khí hậu lo lắng khi họ không thể tiếp tục công việc theo dõi tình hình ấm lên tại Bắc cực.
Còn Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phải tìm cách giúp tàu thám hiểm sao Hỏa đang chuẩn bị phóng của mình có thể tồn tại qua nhiều đêm băng giá trên hành tinh đỏ mà không cần bộ phận sưởi của Nga.
Ngoài ra, thế giới làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ thoát phụ thuộc năng lượng carbon nếu dự án lò phản ứng nhiệt hạch tại Pháp quy tụ 35 quốc gia xây dựng mà không nhận được linh kiện quan trọng từ Nga?
Trên đây là 3 ví dụ minh chứng cho quan hệ hợp tác khoa học giữa Nga với phương Tây đang suy thoái vì cuộc chiến tại Ukraine. Nỗ lực xây dựng cầu nối thông qua khoa học thời hậu Chiến tranh Lạnh đứng trước nguy cơ bị đảo ngược khi phương Tây trừng phạt và cô lập chính phủ Nga bằng cách ngừng ủng hộ những dự án khoa học liên quan đến Nga.
Quá trình phức tạp và... đau đớn
Các nhà khoa học nhận định xu hướng cắt đứt hợp tác đem lại thiệt hại cho cả hai bên. Nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu cùng hàng loạt vấn đề khác sẽ trở nên khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn, giới khoa học Nga và phương Tây dựa vào chuyên môn của nhau khi cùng làm việc nhằm giải đáp nhiều câu hỏi hóc búa – từ mở khóa sức mạnh của nguyên tử cho đến phóng tàu thăm dò lên vũ trụ.
Dự án thám hiểm sao Hỏa ExoMars do ESA hợp tác với Nga là một ví dụ. Cảm biến Nga cung cấp giúp thăm dò môi trường hành tinh đỏ phải được gỡ ra thay thế, tàu thăm dò phải dùng tên lửa đẩy khác nếu hai bên đình chỉ hợp tác lâu dài. Trong trường hợp xấu như vậy thì vụ phóng không thể diễn ra trước năm 2026.
Giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết: “Chúng tôi cần từ bỏ hợp tác hiện có – một quá trình phức tạp và đau đớn. Sự phụ thuộc lẫn nhau tạo ra tính ổn định và tất nhiên cả niềm tin nữa. Đây là điều chúng ta đã và sẽ mất đi vì cuộc chiến tại Ukraine”.
Tại Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cắt đứt quan hệ với một đại học nghiên cứu mà họ đã giúp thành lập ở Moscow. Trong khi đó, trường đại học lâu đời và lớn nhất ở Estonia không nhận sinh viên mới từ Nga và Belarus.
Trong bản kiến nghị trực tuyến phản đối chiến tranh với hơn 8.000 chữ ký, các nhà khoa học Nga cảnh báo Nga đã tự biến mình thành quốc gia bị cô lập: “Tiến hành nghiên cứu là việc bất khả thi nếu không thể hợp tác đầy đủ với đối tác nước ngoài”.
Nhưng giới chức Nga vẫn thúc đẩy chấm dứt hợp tác. Bộ Khoa học nước này đề nghị các nhà khoa học không cần bận tâm đến việc nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học vì chúng sẽ không còn được sử dụng làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công việc của họ nữa.
Nhà vật lý Lev Zelenyi thuộc Viện nghiên cứu Không gian tại Moscow (có tham gia dự án ExoMars) xem tình hình hiện tại là một bi kịch. Ông cho biết bản thân cùng nhiều nhà khoa học Nga bây giờ phải học cách sống và làm việc trong một môi trường không thuận lợi.
Tương lai của một số dự án lớn không rõ ràng. Hiện dự án lò phản ứng nhiệt hạch ITER tại Pháp vẫn được duy trì, Nga vẫn nằm trong 7 quốc gia sáng lập đóng góp chi phí cùng kết quả thử nghiệm. Trong số linh kiện thiết yếu do Nga cung cấp có một nam châm siêu dẫn khổng lồ đang chờ thử nghiệm ở St.Petersburg trước khi xuất xưởng.
Các nhà nghiên cứu truy lùng vật chất tối hy vọng họ không để mất đi hơn 1.000 nhà khoa học Nga có đóng góp cho nhiều thí nghiệm tại tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Chuyên gia vật lý tương tác điện từ yếu Joachim Mnich thuộc CERN cho biết mặc dù đã đình chỉ tư cách quan sát viên của Nga, nhưng tổ chức không trục xuất ai về nước.
Giáo sư Adrian Muxworthy thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho biết trong nghiên cứu về từ trường Trái đất của ông, thiết bị Nga có thể thực hiện được các đo lường mà thiết bị phương Tây khác không thể thực hiện được. Ông không còn mong đợi nhận được những viên đá Siberia 250 triệu năm tuổi từ Nga để nghiên cứu nữa.
Tại Đức, nhà khoa học khí quyển Markus Rex cho biết sứ mệnh quốc tế đến Bắc Cực một năm mà ông dẫn đầu giai đoạn 2019 - 2020 sẽ không thể thực hiện được nếu không có tàu Nga di chuyển qua các lớp băng cung cấp thực phẩm, nhiên liệu cùng nhu yếu phẩm khác cho tàu nghiên cứu.
Theo nhà khoa học Rex, cuộc chiến tại Ukraine ngăn chặn sự hợp tác chặt chẽ nêu trên, cũng như nỗ lực nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
“Đây thực sự là ác mộng vì Bắc cực đang thay đổi nhanh chóng. Biến đổi khí hậu sẽ không đợi chúng ta giải quyết xung đột chính trị hay tham vọng chinh phục quốc gia khác”, nhà khoa học Rex nhấn mạnh.