Mỗi khi Oleksiy và các đồng đội bắn trúng mục tiêu của Nga, họ có một người để cảm ơn: Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới và là Giám đốc điều hành SpaceX.

Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk đã thay đổi cuộc chiến Ukraine-Nga thế nào?

Sơn Vân | 11/06/2022, 21:27

Mỗi khi Oleksiy và các đồng đội bắn trúng mục tiêu của Nga, họ có một người để cảm ơn: Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới và là Giám đốc điều hành SpaceX.

Nằm trong vùng nóng ở tiền tuyến gần thị trấn chiến lược Izyum thuộc phía đông Ukraine bị tàn phá bởi chiến tranh, Oleksiy (người từ chối nêu họ của mình vì lý do an ninh) hiện tận dụng Starlink, dịch vụ internet vệ tinh thuộc sở hữu của SpaceX.

Khi lập kế hoạch phản công hoặc nã pháo, Oleksiy gọi điện cho cấp trên để xin lệnh vào phút cuối thông qua một máy thu vệ tinh Starlink hình chữ nhật màu trắng xám được giấu trong một cái hố cạn trong khu vườn ngôi nhà nhỏ bỏ hoang. Thiết bị công nghệ cao được nối với một máy phát điện ồn ào chạy nửa ngày.

Nó không chỉ là về thông tin liên lạc quân sự. Những người khác trong lữ đoàn cơ giới 93 của Ukraine thông báo cho bạn bè và gia đình biết họ đang an toàn thông qua các tin nhắn vệ tinh được mã hóa hàng ngày sau khi mạng di động địa phương bị cắt cách đây vài tuần trong trận pháo kích lớn.

Vào thời gian ngừng hoạt động, Oleksiy và đồng đội của mình theo dõi những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến qua kết nối internet của Starlink, chơi game trên smartphone khi trú ẩn trong boong ke và chờ lệnh.

Cảm ơn Elon Musk”, Oleksiy nói ngay sau khi đăng nhập qua vệ tinh của Starlink để phát hiện ra rằng chính quyền Biden sẽ gửi rocket tầm xa cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Đây chính xác là những gì chúng tôi cần”, ông nói thêm về rocket.

internet-ve-tinh-starlink-cua-elon-musk-da-thay-doi-cuoc-chien-ukraine-nga.jpg
Oleksiy (bên phải) trên chiến tuyến gần thị trấn Izyum ở phía nam vùng Kharkiv của Ukraine vào tháng 5.2022 - Ảnh: Politico

Sau 100 ngày đầu tiên Nga tấn công nước láng giềng phía tây, hàng ngàn người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Các lực lượng Ukraine giờ đây đang rơi vào cuộc chiến tiêu hao sức lực với quân đội Nga.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước NATO khác đã tài trợ hàng tỉ USD thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng 2.2022. Thế nhưng, Starlink của Elon Musk - dựa trên một cụm vệ tinh cỡ chiếc bàn bay ở độ cao 130 dặm (khoảng 210km) trên Ukraine và phát xuống đường truy cập internet tốc độ cao - đã trở thành vị cứu tinh bất ngờ cho đất nước, cả trên chiến trường và trong cuộc chiến tranh giành dư luận.

Máy bay không người lái Ukraine đã dựa vào Starlink để thả bom vào các vị trí tiền phương của Nga. Người dân ở các thành phố của Ukraine bị bao vây gần biên giới Nga đã giữ liên lạc với những người thân yêu thông qua vệ tinh được mã hóa.

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã thường xuyên cập nhật thông tin cho hàng triệu người theo dõi mình trên mạng xã hội trên mạng xã hội cũng như tổ chức các cuộc gọi Zoom với các chính trị gia toàn cầu, từ Tổng thống Mỹ - Joe Biden đến nhà lãnh đạo Pháp - Emmanuel Macron.

Quân đội Ukraine đóng quân tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol có thể duy trì liên lạc với chỉ huy của họ và thậm chí cả ông Volodymyr Zelensky để thực hiện các cuộc phỏng vấn video trực tiếp với các nhà báo vì có hệ thống Starlink trong nhà máy bị bao vây.

Starlink và việc Ukraine sử dụng mạng vệ tinh, cho cả quân sự và dân sự, đã ngăn cản nỗ lực của Nga trong việc tách quốc gia này ra khỏi thế giới bên ngoài. Điều này mang lại cho Ukraine một lợi thế cần thiết trước Nga trong một cuộc xung đột chưa cho thấy không có dấu hiệu kết thúc.

Tác động chiến lược là nó phá hủy hoàn toàn chiến dịch thông tin của Vladimir Putin. Đến ngày nay, ông ấy chưa bao giờ có thể khiến Zelensky im lặng”, theo Steve Butow, Giám đốc danh mục đầu tư không gian tại Đơn vị Đổi mới Quốc phòng Mỹ, tiền đồn công nghệ ở Thung lũng Silicon của Lầu Năm Góc.

Xung đột ở Ukraine đã cung cấp cho mạng lưới vệ tinh non trẻ của Elon Musk và SpaceX một cuộc “thử lửa” đã kích thích sự thèm muốn của nhiều quân đội phương Tây.

Các chỉ huy đã bị ấn tượng bởi khả năng của SpaceX, trong vòng vài ngày cung cấp hàng ngàn trạm vệ tinh cỡ ba lô cho Ukraine và giữ chúng trực tuyến bất chấp các cuộc tấn công ngày càng tinh vi từ các hacker Nga.

Chúng tôi đã có hơn 11.000 trạm Starlink. Chúng giúp chúng tôi chiến đấu hàng ngày trên mọi mặt trận. Chúng tôi đã sẵn sàng, ngay cả khi không có ánh sáng, không có internet cố định, thông qua các máy phát điện sử dụng Starlink, để gia hạn bất kỳ kết nối nào ở Ukraine”, Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng Ukraine, nói với trang Politico.

Ukraine không phải là quốc gia duy nhất nhận thấy tầm quan trọng của liên lạc vệ tinh trong cuộc chiến đang diễn ra ở Đông Âu.

Chỉ một giờ trước khi quân đội Nga tiến hành cuộc tấn công tổng lực Ukraine rạng sáng 24.2, Điện Kremlin được cho tấn công thành công Viasat, nhà cung cấp vệ tinh của Mỹ có mạng được quân đội Ukraine sử dụng để liên lạc với quân tiền tuyến, theo các báo cáo tình báo từ Mỹ, EU và Vương quốc Anh.

Cuộc tấn công mạng đã làm tê liệt hệ thống liên lạc quân sự của Ukraine và cũng ngắt kết nối mạng của hàng ngàn người dùng internet khác trên khắp châu Âu.

Theo trang Politico, các cuộc đàm phán nhanh giữa Ukraine và SpaceX đã diễn ra đầu năm 2022 để đưa dịch vụ internet vệ tinh Starlink đến đất nước.

Thời điểm đó, chính phủ Ukranine nhận ra rằng truy cập internet cho cả quân đội và dân thường sẽ rất quan trọng trong cuộc chiến có thể xảy ra. Các binh sĩ cần một cách chắc chắn để giữ liên lạc trong khói mù của chiến tranh và các video thô về những đợt tấn công từ Nga, thường do chính người Ukraine tải lên thông qua mạng xã hội, đã đưa hình ảnh cuộc xung đột đến smartphone người dân trên toàn thế giới.

Với mục tiêu phóng hơn 40.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp trong những năm tới, SpaceX đã nhanh chóng định vị khoảng 50 vệ tinh sẵn sàng được sử dụng ở Ukraine. Thế nhưng, thủ tục quan liêu, bao gồm cả sự chấp thuận chính thức từ chính phủ Ukraine để bật hệ thống, đã làm chậm quá trình triển khai.

Sau đó, Nga bắt đầu tấn công Ukraine hôm 24.2. Hai ngày sau đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ kỹ thuật số Ukraine - Mykhailo Fedorov tweet trực tiếp cho Elon Musk để đề nghị gửi khẩn cấp thiết bị Starlink. Hai ngày sau, lô hàng đầu tiên đã đến Ukraine.

Họ đã tweet với Elon Musk và vì vậy chúng tôi đã bật nó lên. Đó là sự cấp phép của chúng tôi. Đó là thư của Bộ trưởng. Đó là một dòng tweet", Gwynne Shotwell, Chủ tịch SpaceX, nói với một khán giả tại Viện Công nghệ California vào ngày 7.3 liên quan đến việc Starlink đến Ukraine.

SpaceX đã không trả lời các câu hỏi về sự liên quan của họ ở Ukraine.

internet-ve-tinh-starlink-cua-elon-musk-da-thay-doi-cuoc-chien-ukraine-nga1.jpg
Một ăng ten Starlink phủ bóng lên vị trí tiền tuyến gần thị trấn Izyum ở vùng Kharkiv, miền nam Ukraine vào tháng 5 - Ảnh: Politico

Vấn đề lớn với Starlink là gì?

Starlink không phải là nhà cung cấp vệ tinh thương mại đầu tiên được sử dụng trên chiến trường. Quân đội Mỹ đã hỗ trợ các mạng riêng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất - chiến thuật đã trở thành trụ cột của các khu vực xung đột trên toàn cầu.

Thế nhưng, hệ thống Starlink (một trong nhiều mạng lưới vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp, gồm cả một dự án giai đoạn đầu của Amazon đang được phát triển) nổi bật với khả năng chống lại các cuộc tấn công từ người Nga, theo ba quan chức quân sự giấu tên và hai nhà nghiên cứu về Starlink.

Không giống các vệ tinh quỹ đạo cao truyền thống, quay quanh Trái đất hàng ngàn dặm, bay lơ lửng tại một điểm trên mặt đất và truyền tín hiệu vô tuyến xuống, thế hệ vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp mới dựa vào nhiều vệ tinh khác hoạt động trong một chòm sao. Cấu hình đó khiến ngoại tuyến trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể, vì kẻ tấn công sẽ phải xác định chính xác tất cả vệ tinh cùng lúc, để làm tê liệt toàn bộ hệ thống.

Starlink cũng vậy, dễ thích ứng hơn các lựa chọn thay thế vì mã máy tính của mỗi thiết bị có thể nhanh chóng được thay đổi để phản ứng với các vụ tấn công có thể xảy ra. Tháng trước, Elon Musk cho biết Điện Kremlin đang tăng cường các cuộc tấn công vào mạng Starlink của ông và SpaceX đã nhiều lần viết lại mã để đi trước Nga một bước.

Todd E. Humphreys, giáo sư tại Đại học Texas (Mỹ) nghiên cứu sâu về hoạt động bên trong của Starlink và tham khảo ý kiến SpaceX lẫn quân đội Mỹ, nói công nghệ mã hóa của hệ thống cũng đã chứng minh được khả năng phục hồi cao hơn nhiều người mong đợi.

Cùng với những tiến bộ công nghệ gia tăng khác của mạng, bao gồm cung cấp internet tốc độ cao từ không gian ngang ngửa với mạng băng thông rộng cho nhiều gia đình, hệ thống vệ tinh của Elon Musk thể hiện một bước thay đổi về cách thức các vệ tinh có thể được triển khai và sử dụng trong các khu vực xung đột.

Todd E. Humphreys nói: “Đó là một ví dụ rõ ràng cho thấy thông tin liên lạc dự phòng an toàn sẽ là huyết mạch của bất kỳ cuộc giao tranh quân sự hiện đại nào. Sự nhanh nhẹn mà Starlink được thiết lập ở Ukraine thật đáng kinh ngạc".

Mọi ánh mắt đổ dồn về Elon Musk

Giống như mọi thứ liên quan đến Elon Musk, tỉ phú bí ẩn làm Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô điện khổng lồ Tesla và đang hỏi mua Twitter, cách thiết bị Starlink được đưa tới Ukraine vẫn bị che đậy trong sự nhầm lẫn và tin đồn.

Ngay sau khi thiết bị đầu tiên bắt đầu đến Ukraine, ông trùm công nghệ sinh ra ở Nam Phi đã trao đổi nhanh với Phó thủ tướng Mykhailo Fedorov. Elon Musk cũng nói chuyện với Tổng thống Volodymyr Zelensky qua Zoom nhờ Starlink về việc triển khai đang diễn ra và hứa sẽ thăm Ukraine ngay sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong các tuyên bố công khai, SpaceX cho biết tài trợ cho hệ thống liên lạc vệ tinh ở Ukraine - ước tính khoảng 15 triệu USD, với mỗi bộ thu vệ tinh Dishy McFlatface có giá 499 USD một chiếc - hầu như chỉ đến từ các nguồn tư nhân.

Song vào đầu tháng 4, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho biết đã mua hơn 1.300 đĩa vệ tinh như một phần của dự án Starlink, với việc SpaceX tài trợ thêm 3.600 trạm. Cơ quan liên bang Mỹ sau đó xem xét các tham chiếu về số lượng thiết bị mà Mỹ đã mua từ thông cáo báo chí của mình, nhưng cơ quan này đã xác nhận với trang Politico rằng đã vận chuyển thiết bị từ Mỹ đến Đông Âu.

Người phát ngôn USAID nói cơ quan này rất biết ơn SpaceX và các nhà tài trợ khác đã đóng góp cho dự án Starlink.

Các đồng minh phương Tây khác, bao gồm cả Pháp và Ba Lan, cũng hỗ trợ hậu cần, bao gồm xử lý việc giao thiết bị ở chặng cuối cùng cho Ukraine, theo hai quan chức châu Âu có hiểu biết trực tiếp về các cuộc thảo luận đó. Một trong những quan chức đó nói thêm rằng cái gọi là trạm mặt đất hoặc phần cứng liên kết các vệ tinh Starlink với cơ sở hạ tầng internet cục bộ, được đặt ở nước láng giềng Ba Lan để tránh sự tấn công của Nga.

Cả hai quan chức đều nói với điều kiện giấu tên vì không được phép phát biểu công khai.

Steve Butow cho biết: “Nga tấn công Ukraine vào thứ Năm và ngày hôm sau, Elon đã triệu tập một cuộc họp và nói: Tôi muốn đưa Starlink lên trên Ukraine. Đến Chủ nhật, liên kết đã hoạt động. Đến thứ Hai, 500 thiết bị đầu cuối mặt đất đã xuất hiện ở Ukraine. Đến thứ Tư của tuần đó, tất cả trừ 25 thiết bị đầu cuối đó vẫn còn hoạt động và cung cấp dữ liệu thời gian thực. Đó là tốc độ thương mại. Thật đáng kinh ngạc".

Nguồn lực từ cộng đồng

Không phải tất cả các thiết bị Starlink đều được cung cấp qua các kênh chính thức.

Với Alisa Kovalenko, người đã gia nhập quân đội Ukraine sau cuộc tấn công của Nga và hiện chiến đấu với Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 92 gần biên giới Nga ở khu vực phía bắc Kharkiv, đĩa vệ tinh của cô được tặng bởi một nhóm tình nguyện viên Ukraine - huy động vốn từ cộng đồng để mua và giao nó trực tiếp cho tiền tuyến.

Alisa Kovalenko nói qua điện thoại qua kết nối Starlink: “Chúng tôi sẽ không thể liên lạc với thế giới bên ngoài nếu không có Starlink. Trong những tuần trước, chúng tôi không có kết nối di động vì đã di chuyển từ một thị trấn đến một ngôi làng. Không thể gọi được bằng bất kỳ mạng di động nào”.

Nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho thiết bị Starlink luôn trong tình trạng thiếu hụt. Trong cuộc tấn công của pháo binh Nga gần đây, đĩa vệ tinh đã phơi bày ở một cánh đồng gần đó và suýt bị phá hủy. Mỗi khi di chuyển vị trí, các binh sĩ phải nhẹ nhàng rút các thiết bị công nghệ cao ra, đặt các linh kiện nhỏ vào túi vải thô và đĩa trong chiếc xe chờ sẵn.

Song với Alisa Kovalenko, một nhà làm phim tài liệu, khả năng giữ liên lạc với hầu hết mọi người trên thế giới thông qua hệ thống vệ tinh của Elon Musk là món quà trời cho, ngay cả khi có sự khó khăn để giữ cho thiết bị an toàn và hoạt động giữa cuộc chiến đang diễn ra.

Nếu có vụ đánh bom và bạn cần phải thu dọn đồ đạc nhanh chóng rồi chạy, vẫn cần thời gian để lấy mọi thứ cho Starlink. Bạn phải cẩn thận với nó. Đó không chỉ là một đống quần áo mà bạn có thể vứt vào xe", cô nói.

Bài liên quan
Cú sốc với SpaceX và dịch vụ internet vệ tinh Starlink
Tòa án hành chính cao nhất ở Pháp đã thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ internet của SpaceX tại nước này thông qua megaconstellation (mạng internet toàn cầu) Starlink.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk đã thay đổi cuộc chiến Ukraine-Nga thế nào?