Khi cuộc chiến với Ukraine tiếp diễn, Nga đã tìm cách thắt chặt quyền kiểm soát internet trong nước, cấm hoặc hạn chế các mạng xã hội Mỹ, dù nhiều công ty phương Tây khác tháo chạy khỏi nước này.
Các nhà phân tích nói với trang CNBC rằng một động thái để Nga mô phỏng internet như ở Trung Quốc (có lẽ là môi trường trực tuyến bị hạn chế nhất) còn một chặng đường dài và các công dân Nga vẫn có thể vượt qua sự kiểm soát trong hệ thống.
Vài năm qua, các công ty công nghệ Mỹ lớn như Meta Plaforms (chủ sở hữu Facebook và Instagram), Google, Twitter đã hoạt động trong môi trường không mấy dễ chịu ở Nga. Họ phải đối mặt với áp lực từ chính phủ Nga để xóa nội dung mà Điện Kremlin cho là bất lợi.
Tờ The Washington Post đưa tin trong tháng này rằng các điệp viên Nga dọa sẽ bỏ tù một lãnh đạo Google trừ khi công ty này gỡ bỏ ứng dụng khiến Tổng thống Vladimir Putin tức giận. Các công ty Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa về việc dịch vụ của họ bị hạn chế.
Dù internet của Nga ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, công dân vẫn có thể truy cập vào các dịch vụ toàn cầu đó, biến chúng trở thành cổng thông tin khác ngoài các nguồn truyền thông được nhà nước hậu thuẫn hoặc các nguồn ủng hộ Điện Kremlin.
Thế nhưng, cuộc chiến với Ukraine đã đẩy những gã khổng lồ công nghệ Mỹ vào thế khó một lần nữa, khi mong muốn kiểm soát thông tin hơn nữa của Nga ngày càng gia tăng.
Instagram hiện đã bị chặn ở Nga sau khi Meta Plaforms cho phép người dùng Ukraine kêu gọi bạo lực chống lại binh lính và lãnh đạo Nga. Facebook bị chặn ở Nga vào tuần trước sau khi đưa ra các hạn chế với phương tiện truyền thông được chính phủ Nga hậu thuẫn. Quyền truy cập vào Twitter ở Nga bị hạn chế rất nhiều.
Những sự cố đó làm nổi bật cách các hãng công nghệ lớn phải cân bằng việc theo đuổi thị trường rộng lớn như Nga với yêu cầu ngày càng tăng về kiểm duyệt.
“Các hãng công nghệ phương Tây đã đưa ra quyết định chiến lược ngay từ đầu cuộc chiến là hỗ trợ Ukraine. Điều này khiến họ đối đầu với chính phủ Nga”, Abishur Prakash, đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới Tương lai, nói với CNBC. Ông nói thêm rằng các công ty như Meta Plaforms đang “chọn chính trị hơn lợi nhuận”.
Bộ Ngoại giao Nga cùng Cơ quan giám sát mạng và truyền thông (Roskomnadzor) không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.
"Nga không thể làm điều này trong một sớm một chiều"
Việc Nga thắt chặt vòng vây trực tuyến đã làm sống lại cuộc nói chuyện về splinternet (quá trình chia nhỏ internet) - ý tưởng về hai hoặc nhiều mạng nội bộ khác nhau sẽ hoạt động ngày càng tách biệt trong thế giới trực tuyến.
Không nước nào có mà sự tách biệt rõ ràng hơn ở Trung Quốc, nơi các dịch vụ từ Google, Meta Plaforms, Twitter và các tổ chức tin tức nước ngoài khác bị chặn.
Ví dụ, công dân Trung Quốc sử dụng WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến với hơn 1 tỉ người dùng, thay vì WhatsApp; Google Search được thay thế bằng Baidu; Weibo thay Twitter.
Hệ thống kiểm duyệt khổng lồ của Trung Quốc, được gọi là Great Firewall (tường lửa vĩ đại), đã phát triển hơn 2 thập kỷ và liên tục hoàn thiện.
Ngay cả mạng riêng ảo (VPN), dịch vụ có thể che giấu vị trí và danh tính người dùng để giúp họ vượt tường lửa, cũng khó đến tay những công dân Trung Quốc bình thường.
Các biện pháp kiểm soát internet ngày càng tăng của Nga có thể sẽ thúc đẩy quá trình này hướng tới phân chia internet. Thế nhưng, Nga còn lâu mới tạo ra bất cứ thứ gì gần với khả năng kỹ thuật giống các hạn chế của Trung Quốc.
“Các nhà chức trách Trung Quốc phải mất nhiều năm mới có được vị trí như ngày nay. Chiến lược của họ đã phát triển và thích nghi theo thời gian. Nga không thể làm điều đó trong một sớm một chiều”, theo Charlie Smith, người sáng lập GreatFire.org - tổ chức giám sát hoạt động kiểm duyệt ở Trung Quốc.
Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Trung Quốc và lãnh đạo chính sách công nghệ tại công ty cố vấn chiến lược Albright Stonebridge Group (Mỹ), nói rằng hệ thống của Trung Quốc cho phép “những người kiểm duyệt internet và bộ điều khiển internet chi tiết hơn nhiều trong việc giám sát lưu lượng truy cập, vô hiệu các khu vực địa lý, bao gồm cả chuyển xuống chặn ở cấp độ các thành phố và rất chính xác trong việc nhắm mục tiêu đến lưu lượng truy cập hoặc người dùng vi phạm".
Đó là điều mà Nga không thể tái tạo, ông Paul Triolo khẳng định.
Các lỗ hổng trong tường lửa của Nga
Công dân Trung Quốc rất khó để vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc thường xuyên kiểm soát các ứng dụng VPN, sự lựa chọn tốt nhất để vượt Great Firewall.
Thế nhưng, người Nga có thể tránh được những nỗ lực kiểm duyệt internet của Điện Kremlin. Kể từ khi Nga chặn Facebook và Instagram, số lượt tải xuống các ứng dụng VPN tăng vọt ở nước này.
Trong khi đó, Twitter đã tung ra phiên bản trang web trên Tor, dịch vụ mã hóa lưu lượng truy cập internet để giúp che giấu danh tính người dùng và ngăn chặn sự giám sát họ.
“Putin dường như đánh giá sai mức độ hiểu biết về kỹ thuật của người dân Nga và việc họ sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp thay thế để tiếp tục truy cập thông tin không chính thức cũng như nhiều công cụ và dịch vụ mới. Ngoài ra, các cách giải quyết và kênh đã phát triển trong 5 năm qua cho phép những người thực sự muốn duy trì quyền truy cập vào các kênh thông tin bên ngoài làm điều này”, Paul Triolo cho biết.
Các công ty Trung Quốc có tận dụng được lợi thế ở Nga?
Khi các công ty Mỹ và châu Âu tạm ngừng kinh doanh ở Nga, các hãng công nghệ Trung Quốc có thể tìm cách tận dụng lợi thế đó. Nhiều hãng trong số này, từ Alibaba đến nhà sản xuất smartphone Realme, đã kinh doanh ở Nga.
Đến nay, các công ty Trung Quốc vẫn giữ im lặng trước vấn đề cuộc chiến Nga-Ukraine.
Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Trung Quốc cũng không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nước khác.
Song, các công ty Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nếu muốn duy trì hoạt động ở Nga.
“Đến nay, dường như không có bất kỳ hướng dẫn nào từ chính quyền trung ương ở Trung Quốc về cách các công ty nên đối phó với các lệnh trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu, vì vậy các công ty có có dấu ấn lớn bên ngoài Trung Quốc có thể sẽ miễn cưỡng hoạt động tại Nga. Họ sẽ rất thận trọng trong việc xác định mong muốn của Trung Quốc ở đây, cân nhắc cách xử lý các nhu cầu từ khách hàng cũ và mới từ Nga, đồng thời đánh giá rủi ro với các hoạt động rộng lớn hơn khi tiếp tục hợp tác với các tổ chức người dùng cuối bị trừng phạt”, Paul Triolo nhận định.
Theo Abishur Prakash, các công ty Trung Quốc có thể sẽ thực hiện các động thái khác nhau tùy thuộc vào giọng điệu từ chính quyền nước này.
“Nếu Bắc Kinh tiếp tục ngầm hỗ trợ Nga thì các công ty công nghệ Trung Quốc có một số cơ hội. Cơ hội lớn nhất là để các công ty này lấp đầy khoảng trống mà các hãng phương Tây để lại khi rời Nga. Khả năng phát triển dấu ấn và doanh thu của các công ty này ở Nga là rất lớn", ông nói.
Dù vậy, tiền tệ và các lệnh trừng phạt có thể ngăn công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế của việc các thương hiệu phương Tây tháo chạy khỏi Nga.
Các nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc đang cắt giảm các lô hàng đến Nga vì đồng rúp mất giá kỷ lục và các lệnh trừng phạt của phương Tây bất chấp Bắc Kinh muốn hỗ trợ Nga sau cuộc tấn công Ukraine.
Các khoản cắt giảm, dẫn đầu bởi Huawei và Xiaomi, cho thấy những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin nhằm xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết không giúp Nga tránh được hậu quả do cuộc chiến.
Các lệnh trừng phạt cũng đang gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc trong việc khai thác các cơ hội được tạo ra bởi các công ty phương Tây rời Nga. Xem chi tiết tại đây.