Những người đã nhận vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (1 mũi) sẽ có kháng thể trung hòa mạnh mẽ hơn nếu được tiêm vắc xin mRNA ở liều thứ hai, trang Axios đưa tin hôm 12.10, trích lời một người đã xem dữ liệu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thu thập.
Nghiên cứu mới chỉ là sơ bộ và chưa được đồng nghiệp đánh giá, là thách thức mới nhất với nỗ lực của Johnson & Johnson trong việc sử dụng vắc xin COVID-19 của họ như liều tăng cường tại Mỹ.
Nghiên cứu, bao gồm 458 người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin COVID-19 ban đầu từ Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson, cho thấy mũi tiêm tăng cường kết hợp với loại vắc xin khác là an toàn ở người lớn.
Các đối tượng sau đó được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm khoảng 150 người. Ba nhóm đó có các phác đồ vắc xin ban đầu khác nhau: hai liều vắc xin Moderna, hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech hoặc một mũi vắc xin Johnson & Johnson.
Từ đó, mỗi nhóm trong số ba nhóm 150 người được chia thành ba nhóm 50 người, với mỗi nhóm nhỏ hơn nhận liều vắc xin tăng cường khác nhau. Chẳng hạn, trong số 151 người được tiêm vắc xin Moderna ban đầu, 51 người tiếp tục được tiêm liều vắc xin tăng cường Moderna, 51 người được tiêm liều vắc xin tăng cường Pfizer -BioNTech và 49 người được tiêm liều vắc xin tăng cường Johnson & Johnson. Liều vắc xin tăng cường được tiêm từ 12 đến 29 tuần sau khi lần chủng ngừa ban đầu.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu xem xét mức độ liên kết và trung hòa của các kháng thể vào ngày tiêm liều vắc xin tăng cường, kiểm tra mức độ tương tự 15 ngày và 29 ngày sau đó. Trên tất cả các sự kết hợp, mức độ kháng thể liên kết đã tăng từ 4 lần đến 56 lần.
Họ cũng xem xét cẩn thận các kháng thể trung hòa — các kháng thể liên kết và ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 lây nhiễm vào các tế bào. Ở những người nhận cùng liều tăng cường cùng loại với liều ban đầu, mức kháng thể trung hòa tăng gấp 4 đến 20 lần. Ở những người được tiêm liều tăng cường khác với loại vắc xin khác nhau, nồng độ kháng thể trung hòa tăng gấp 6 đến 76 lần.
Nghiên cứu của NIH đã đối chiếu sự an toàn và đáp ứng miễn dịch của những tình nguyện viên được tăng cường với cùng một loại vắc xin đã nhận ban đầu với những người tiêm một loại vắc xin tăng cường khác.
Nghiên cứu cho biết việc tiêm tăng cường loại vắc xin khác tạo ra các tác dụng phụ tương tự như trong các lần tiêm ban đầu và không gây ra lo ngại về an toàn đáng kể.
Nghiên cứu về ba loại vắc xin COVID-19 hiện được phê duyệt tại Mỹ cho thấy rằng việc sử dụng loại vắc xin khác làm liều tăng cường thường tạo ra kháng thể trung hòa tương đương hoặc cao hơn so với sử dụng cùng loại.
Cuộc thử nghiệm diễn ra tại 10 thành phố của Mỹ, sử dụng tổng cộng 9 tổ hợp vắc xin ban đầu với liều tăng cường.
Các nhà nghiên cứu viết rằng tiêm liều tăng cường khác loại ban đầu "có thể mang lại lợi thế miễn dịch để tối ưu hóa độ rộng và thời gian bảo vệ đạt được với loại vắc xin đã nhận trước đó".
Johnson & Johnson đã yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vắc xin đơn liều công nghệ công nghệ vector virus của riêng mình làm liều tăng cường. Các cố vấn của FDA sẽ xem xét sự cần thiết vào ngày 15.10.
NIH sẽ trình bày dữ liệu tiêm vắc xin kết hợp cho hội đồng FDA vào ngày 15.10, theo Axios.
Theo báo cáo, có những hạn chế với dữ liệu NIH. Các kháng thể trung hòa chỉ ngăn vi rút xâm nhập vào tế bào và nhân lên, nhưng báo cáo vẫn chưa cho biết rõ đáp ứng sẽ kéo dài bao lâu.
NIH, FDA và Johnson & Johnson không trả lời câu hỏi từ Reuters.
Vắc xin hai liều do Pfizer - BioNTech và Moderna sản xuất sử dụng công nghệ mRNA.
Các chuyên gia bên ngoài của cơ quan quản lý y tế cũng sẽ thảo luận liều vắc xin Moderna tăng cường có cần thiết vào 15.10.
Các nhà khoa học tại FDA cho biết Moderna không đáp ứng tất cả các tiêu chí của cơ quan để hỗ trợ việc sử dụng liều vắc xin COVID-19 tăng cường của họ, có thể vì hiệu quả của hai liều đầu tiên vẫn còn mạnh.
Nhân viên FDA nói rằng tài liệu về dữ liệu vắc xin của Moderna cho thấy liều tiêm nhắc lại làm tăng kháng thể bảo vệ, nhưng sự khác biệt về mức độ trước và sau khi tiêm không đủ rộng, đặc biệt là ở những người có kháng thể trung hòa vẫn cao.
FDA thường làm theo lời khuyên của các chuyên gia, nhưng không bị ràng buộc phải làm như vậy. Một hội đồng cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về các khuyến nghị cụ thể về những người có thể nhận được liều vắc xin tăng cường, nếu FDA cho phép họ.
Moderna đang xin cấp phép cho liều vắc xin COVID-19 tăng cường 50 microgram, bằng một nửa sức mạnh của hai liều vắc xin ban đầu được tiêm cách nhau khoảng 4 tuần.
Công ty công nghệ sinh học Mỹ đã đề nghị các cơ quan quản lý phê duyệt tiêm mũi vắc xin thứ ba cho người từ 65 tuổi trở lên cũng như cho những ai có nguy cơ cao, tương tự đối thủ Pfizer - BioNTech.
Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch triển khai liều vắc xin tăng cường cho hầu hết người lớn, nhưng một số nhà khoa học FDA sau đó cho biết trong một bài báo trên tạp chí The Lancet rằng không có đủ bằng chứng để tiêm bổ sung cho tất cả mọi người.
Dữ liệu về nhu cầu liều vắc xin COVID-19 tăng cường phần lớn đến từ Israel, quốc gia đã triển khai các mũi tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech bổ sung cho nhiều người dân và cung cấp chi tiết về hiệu quả của nỗ lực đó cho Mỹ.
Không có quần thể nghiên cứu thực tế tương tự nào tồn tại với vắc xin Moderna hoặc Johnson & Johnson.
Tiến sĩ Eric Topol, Giáo sư y học phân tử và Giám đốc của Viện dịch thuật nghiên cứu Scripps ở khu La Jolla (bang California, Mỹ), nói bằng chứng về liều vắc xin tăng cường của Moderna dường như có "rất nhiều lỗ hổng", lưu ý rằng dữ liệu bị hạn chế.
Eric Topol cho biết: “Đó là dữ liệu khá ít so với những gì Pfizer có từ Israel, nơi họ đã khôi phục hoàn toàn hiệu quả của vắc xin từ liều tăng cường”.
Các cố vấn của FDA cũng sẽ xem xét các liều tăng cường cho vắc xin Johnson & Johnson vào 15.10. FDA vẫn chưa công bố tài liệu tóm tắt của mình về những điều đó.
Johnson & Johnson đã đề nghị FDA cho phép tiêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường sau lần đầu tiên ít nhất 2 tháng. Công ty nói dữ liệu cho thấy những người trưởng thành có nguy cơ cao nên tiêm liều vắc xin Johnson & Johnson tăng cường sớm hơn, nhưng những người có nguy cơ thấp hơn có thể được hưởng lợi từ việc tiêm thứ hai sau ít nhất 6 tháng.