Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài làm gia tăng tác động kinh tế trên khắp châu Âu: các ngân hàng thực phẩm ở Ý phải phục vụ nhiều người hơn, giới chức Đức kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng trong lúc họ chuẩn bị kế hoạch phân bổ khí đốt và khởi động lại vài nhà máy nhiệt điện than.
Giá trị đồng euro so với đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Dự đoán về kịch bản suy thoái xuất hiện ngày càng nhiều.
Loạt diễn biến trên cho thấy cuộc chiến đang diễn ra và hành động siết nguồn cung khí đốt của Nga đã gây ra khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, làm tăng nguy cơ nền kinh tế lục địa già còn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, giá năng lượng cao mang lại lợi ích cho Nga – nước xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới. Ngân hàng trung ương Nga phản ứng nhanh, nước này có nhiều năm kinh nghiệm sống với trừng phạt nên dễ dàng giữ ổn định đồng rúp lẫn lạm phát bất chấp bị cô lập về kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng về lâu dài Nga dù tránh được kịch bản sụp đổ hoàn toàn nhưng vẫn sẽ trả giá đắt: nền kinh tế thêm trì trệ do mất đầu tư và thu nhập người dân thấp hơn. Còn châu Âu chỉ phải đối mặt với thách thức cấp bách ngắn hạn: chiến đấu với lạm phát kỷ lục 8,6% và vượt qua mùa đông mà không bị thiếu năng lượng.
Kinh tế châu Âu
Châu Âu phụ thuộc khí đốt Nga, giá năng lượng cao hơn hiện đổ vào nhà máy, giá thực phẩm và nhiên liệu. Bất ổn đè nặng lên các ngành dùng nhiều năng lượng như sản xuất thép hay nông nghiệp.
Hợp tác xã Molkerei Berchtesgadener Land tại thị trấn Piding (Đức) đã dự trữ 200.000 lít dầu nhiên liệu để có thể tiếp tục sản xuất điện và hơi nước dùng cho việc thanh trùng sữa cũng như giữ sữa lạnh trong trường hợp điện cùng khí đốt bị cắt.
Đây là biện pháp bảo vệ quan trọng đối với 1.800 nông dân thành viên hợp tác xã đang sở hữu 50.000 con bò cho một triệu lít sữa mỗi ngày. Bò phải được vắt sữa hàng ngày, ngừng hoạt động sẽ khiến lượng sữa khổng lồ không có nơi nào chuyển đến.
Giám đốc điều hành Molkerei Berchtesgadener Land Bernhard Pointner cho biết: “Nếu nhà máy sữa không hoạt động thì nông dân cũng không. Sau đó nông dân phải đổ bỏ sữa”.
Trong một giờ, lượng điện nhà máy sử dụng để giữ lạnh 20.000 thùng sữa tương đương lượng điện một hộ gia đình dùng trong 1 năm. Molkerei Berchtesgadener Land cũng dự trữ cả bao bì cùng nhiều nguyên liệu cần thiết khác, nhưng giám đốc Pointner lo ngại lượng dự trữ chỉ đủ cầm cự vài tuần.
Khủng hoảng kinh tế còn tác động đến bàn ăn. Ngân hàng thực phẩm Lombardy - tổ chức điều hành hàng chục đơn vị từ thiện cung cấp thực phẩm cho người nghèo - ghi nhận chi phí hàng tháng của họ đã tăng 5.000 euro trong năm nay. Chủ tịch Dario Boggio Marzet cho biết: “Chúng tôi thực sự lo ngại tình hình hiện tại cũng như sự gia tăng số lượng gia đình mà chúng tôi đang giúp đỡ”.
Jessica Lobli - bà mẹ hai con đến từ vùng Gennevilliers ngoại ô Paris - rất chú ý đến giá tạp hóa tăng cao. Cô đã giảm tiêu thụ sữa và sữa chua, từ bỏ mứt Nutella cùng bánh quy.
“Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, nhưng chúng tôi cần ăn để sống”, Lobli chia sẻ.
Lobli làm việc trong căn tin trường học, kiếm được 1.300 - 2.000 euro mỗi tháng. Ngân sách thực phẩm hàng tháng của cô giảm từ 150 - 200 euro xuống 100 euro vào tháng 6. Gia đình Lobli không ăn nhiều vào mùa hè, nhưng đến tháng 9 cô phải mua đồ dùng học tập cho con gái 15 tuổi cùng con trai 8 tuổi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn chiếu sáng công cộng vào ban đêm và một số biện pháp khác. Giới chức Đức cũng kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, đồng thời ra lệnh hạ nhiệt độ điều hòa trong các tòa nhà.
Động thái trên được thực hiện sau khi Nga cắt hoặc giảm lượng khí đốt cung cấp cho hàng loạt quốc gia châu Âu. Tuần trước đường ống khí đốt Nord Stream 1 dẫn từ Nga sang Đức ngừng hoạt động phục vụ công tác bảo trì.
Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức - đề nghị chính phủ giúp đỡ. Giá khí đốt tăng vọt nhưng công ty không thể tăng giá hàng quá cao.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski thuộc ngân hàng ING dự báo suy thoái xảy ra vào cuối năm khi giá cao làm suy giảm sức mua. Tăng trưởng kinh tế dài hạn của châu Âu phụ thuộc vào việc liệu chính phủ các nước trong khu vực có thu hút được đầu tư cần thiết để từ bỏ năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo hay không.
Kinh tế Nga
Trong lúc châu Âu khốn đốn, Nga lại giữ ổn định được tỷ giá đồng ruble, thị trường chứng khoán và lạm phát nhờ chính phủ can thiệp sâu rộng. Dầu Nga tìm được nhiều khách hàng châu Á hơn dù phải bán rẻ.
Sau khi hứng chịu trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014, Nga xây dựng nền kinh tế thành một “pháo đài” bằng cách kiềm chế nợ ở mức thấp, khuyến khích doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Dù doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi và Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ nhưng chẳng hề có tâm lý lo ngại khủng hoảng ập đến tại thủ đô Moscow. Người trẻ tuổi ăn mặc sành điệu vẫn đến nhà hàng dù loạt cửa hàng Uniqlo, Victoria’s Secret và Zara trong trung tâm thương mại 7 tầng lầu Evropeisky đóng cửa im lìm.
Chuỗi cửa hàng Vkusno & tochka (tạm dịch: Ngon, thế thôi!) - thương hiệu thay thế McDonald's tại Nga - được đón nhận nồng nhiệt. Tiệm bánh doughnut Krispy Kreme trong Evropeisky đã đổi thương hiệu nhưng bán món giống như trước.
Tình hình ở vùng kém phát triển hơn không tốt như vậy. Sofya Suvorova sống ở thành phố Nizhny Novgorod cách Moscow 440 km cảm nhận rõ sức ép lên ngân sách gia đình mình.
“Chúng tôi không gọi đồ ăn mang đi nữa dù chúng rất tiện lợi khi bạn có con nhỏ. Chúng tôi cũng ít đi quán ăn hơn, giảm bớt hoạt động giải trí như đi xem hòa nhạc hay rạp hát. Chúng tôi cố gắng cho con đi chơi, nhưng người lớn phải cắt giảm”, bà Suvorova chia sẻ.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia kinh tế, tỷ giá đồng ruble và lạm phát giảm phản ánh sai tình hình.
Quy định nhà nước ngăn tiền chảy ra khỏi Nga, buộc các nhà xuất khẩu đổi phần lớn thu nhập nước ngoài từ dầu khí sang nội tệ bóp méo tỷ giá hối đoái. Chuyên gia Janis Kluge thuộc Viện Quốc tế và An ninh Đức nhận xét lạm phát “mất đi ý nghĩa” vì không tính đến lượng hàng hóa phương Tây bị mất, hơn nữa lạm phát thấp có thể cho thấy nhu cầu đang giảm.
Theo nhà chính trị học Ilya Matveev, năm 2020 có khoảng 2,8 triệu người Nga làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh. Nếu tính cả đơn vị cung cấp thì có tới 5 triệu việc làm - tương đương 12% lực lượng lao động - phụ thuộc đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Kluge nhận định doanh nghiệp Nga, chủ nghĩa bảo hộ, tình trạng dư thừa việc làm trong bộ máy nhà nước sẽ ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt, nhưng nền kinh tế sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn dẫn đến thu nhập thực tế sụt giảm đáng kể.