Bắc Kinh và Washington đã thực hiện một bước quan trọng hôm 26.8 nhằm chấm dứt việc đe dọa khiến các công ty Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba, bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Hai bên ký một hiệp ước cho phép các cơ quan quản lý của Mỹ kiểm toán các công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông.
Các nhà quản lý Mỹ trong hơn một thập kỷ đã yêu cầu quyền truy cập vào các giấy tờ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Thế nhưng, Bắc Kinh miễn cưỡng để các cơ quan quản lý ở nước ngoài kiểm toán các công ty của họ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Thỏa thuận này đánh dấu sự hạ nhiệt một phần trong quan hệ Mỹ-Trung vào bối cảnh căng thẳng về Đài Loan và sẽ là sự cứu trợ cho hàng trăm công ty Trung Quốc, nhà đầu tư và các sàn giao dịch của Mỹ, giúp Trung Quốc có cơ hội tiếp cận các thị trường vốn sâu nhất thế giới nếu hoạt động trên thực tế.
Nếu không có thỏa thuận, khoảng 200 công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ, Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết. SEC trước đó đã xác định Alibaba Group, JD.Com Inc và NIO INC nằm trong số những công ty có nguy cơ.
Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, đã có 261 công ty Trung Quốc, với tổng định giá 1.300 tỉ USD, được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Mỹ cuối tháng 3.2022.
Thông báo về thỏa thuận, các quan chức Mỹ đã đưa ra một lưu ý thận trọng, cảnh báo đây chỉ là bước đầu tiên và quan điểm về sự tuân thủ từ Trung Quốc sẽ được xác định bằng việc liệu họ có thể tiến hành các cuộc thanh tra mà không bị cản trở, như thỏa thuận hứa hẹn hay không.
Gary Gensler nói: “Đừng nhầm lẫn: Bằng chứng sẽ nằm trong bánh pudding. Thỏa thuận này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu PCAOB thực sự có thể thanh tra và kiểm toán hoàn toàn các công ty ở Trung Quốc".
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB), giám sát các cuộc kiểm toán của các công ty niêm yết tại Mỹ, cho biết đây là thỏa thuận chi tiết nhất mà cơ quan quản lý từng đạt được với Trung Quốc.
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) nói thỏa thuận này là bước quan trọng nhằm giải quyết vấn đề kiểm toán và mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, công ty và cả hai quốc gia.
Về nguyên tắc, thỏa thuận dường như cung cấp cho PCAOB những gì họ đã yêu cầu từ lâu, đó là quyền truy cập đầy đủ vào các giấy tờ làm việc kiểm toán của Trung Quốc mà không cần giao dịch lại, quyền lấy lời khai từ nhân viên công ty kiểm toán ở Trung Quốc và toàn quyền lựa chọn công ty muốn kiểm tra.
Các quan chức Mỹ đã thông báo cho các công ty được chọn vào sáng 26.8 và dự kiến sẽ hạ cánh xuống Hồng Kông, nơi sẽ diễn ra các cuộc thanh tra vào giữa tháng 9.
Nhu cầu thường xuyên
Cuộc tranh chấp kéo dài bùng phát vào năm 2020 khi Mỹ thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài, buộc SEC phải ra tay cứng rắn hơn với các hãng Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. SEC đã hoàn thiện các quy tắc thực hiện luật vào tháng 12.2021, bắt đầu khởi động việc có thể hủy niêm yết các công ty Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy, kiến trúc sư chính của luật năm 2020, cho biết trong một tuyên bố hôm 23.8: “Chúng ta phải giữ Trung Quốc theo các tiêu chuẩn giống như mọi công ty khác và mọi quốc gia khác niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ”.
Các quy tắc từ Mỹ quy định rằng nếu Trung Quốc bị phát hiện không tuân thủ, các công ty của họ có thể bị cấm tham gia các sàn giao dịch Mỹ vào đầu năm 2024, nhưng thời hạn đó có thể được đẩy về phía trước. Gary Gensler nói các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt với việc hủy niêm yết nếu việc kiểm toán bị cản trở.
Các quan chức cho biết PCAOB và SEC sẽ đưa ra quyết định về sự tuân thủ của Trung Quốc vào cuối năm nay.
Samuel Siew, chuyên gia thị trường tại công ty CGS-CIMB, nhận xét: "Đây được coi là một bước khởi đầu tích cực. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa được đúc kết hoàn toàn".
Cổ phiếu các công ty lớn của Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ đã tăng trong giao dịch trước giờ mở cửa, với Alibaba tăng 2,6%, Pinduoduo tăng gần 6% và Baidu tăng 3,3%, trước khi phải chống chọi với đợt bán tháo rộng rãi trên Phố Wall do lo ngại về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Hiện tại, các tổ chức phát hành của Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc có tổng vốn hóa thị trường từ 1.000 tỉ USD đến 2.000 tỉ USD, SEC cho hay.
Tổ chức phát hành là một pháp nhân phát triển, đăng ký và bán chứng khoán nhằm mục đích tài trợ cho hoạt động của mình. Tổ chức phát hành có thể là chính phủ, tập đoàn hoặc quỹ đầu tư.
“Thỏa thuận này là bước phát triển quan trọng với nền kinh tế toàn cầu và thị trường vốn Mỹ của chúng tôi, vẫn ưu việt phần lớn do khả năng cân bằng giữa bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận các công ty hàng đầu thế giới”, Lynn Martin, Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán New York, cho biết.
Nasdaq, sàn giao dịch lớn khác của Mỹ, từ chối bình luận về chuyện này.
Thách thức phía trước
Các quan chức PCAOB nói các cuộc thanh tra sẽ được tiến hành ở Hồng Kông do các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch ở Trung Quốc, với tùy chọn chuyển đến Trung Quốc trong tương lai.
Reuters đưa tin trước đó rằng Bắc Kinh đã yêu cầu một số công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ và các kiểm toán viên của họ chuẩn bị chuyển các tài liệu kiểm toán cùng nhân viên đến Hồng Kông.
Kai Zhan, cố vấn cấp cao tại công ty luật Yuanda (Trung Quốc), nói thỏa thuận cho thấy "cả hai bên đều có ý chí mạnh mẽ để giải quyết" tranh chấp dù vẫn còn những thách thức.
Chuyên gia về các lĩnh vực bao gồm thị trường vốn và tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ, Kai Zhan nói: “Sự hợp tác vẫn chưa hoàn toàn đổ vỡ bất chấp sự cạnh tranh giữa Trung-Mỹ. Khi thực hiện, cả hai bên có thể dễ dàng xung đột về một số chi tiết kỹ thuật, nên sự không chắc chắn vẫn còn".
Hôm 29.7, Alibaba tiết lộ 7 lãnh đạo hàng đầu của Ant Group đã từ chức khỏi nhóm Alibaba Partnership, cấp quản lý cấp cao nhất tại Alibaba và các công ty con của nó. Ant Group đang chờ Bắc Kinh gật đầu để chuyển đổi thành tập đoàn tài chính.
Theo các nguồn thạo tin, Ant Group đã ra hiệu với giới quản lý rằng Jack Ma có ý định nhượng lại quyền kiểm soát của mình và có thể chuyển giao một số quyền biểu quyết cho các lãnh đạo khác. Theo một hồ sơ được tiết lộ trong tuần này, Alibaba cũng nhắc lại rằng Jack Ma “có ý định giảm và sau đó hạn chế mối quan tâm kinh tế trực tiếp, gián tiếp với Ant Group theo thời gian” ở tỷ lệ không vượt quá 8,8%.
Jack Ma hiện nắm giữ 50,52% quyền biểu quyết tại Ant Group.
“Có nguy cơ lớn về việc nhân sự chủ chốt sẽ bị loại bỏ khỏi Ant Group nếu Jack Ma nhường lại quyền kiểm soát”, theo Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners.
Jack Ma hiện không giữ chức vụ quản lý nào tại Ant Group và không tham gia sâu trong nhiều năm, nên việc từ bỏ quyền kiểm soát công ty sẽ gây ra ít gián đoạn cho hoạt động hằng ngày. Quyết định của Jack Ma có thể là cách để phù hợp hơn với tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình về việc đạt được “sự thịnh vượng chung”.
Trước khi khiến các nhà quản lý Trung Quốc phẫn nộ, Jack Ma đã tách mình ra khỏi đế chế thương mại điện tử Alibaba và công nghệ tài chính Ant Group. Ông từ chức giám đốc điều hành Alibaba vào năm 2013 và chủ tịch vào năm 2019. Ngay từ đầu năm 2014, Jack Ma đã dự định giảm cổ phần của mình trong Ant Group xuống không quá 8,8% và dự định quyên góp 611 triệu cổ phiếu cho từ thiện.
Theo trang Bloomberg, Jack Ma đang có chuyến đi dài một tuần ở châu Âu sau khi gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong gần hai năm. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dần thả lỏng các biện pháp hạn chế với Jack Ma khi tỷ phú công nghệ quyết định rút lui khỏi đế chế kinh doanh đã đưa ông trở thành một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc.
Jack Ma là người tiên phong trong thương mại điện tử và công nghệ tài chính, nhưng những nhận xét bất cẩn mang tính chỉ trích giới lãnh đạo về vấn đề quy định liên quan đến Ant Group khiến ông gặp phải nhiều sóng gió. Tháng 11.2020, Jack Ma bị triệu tập. Một ngày sau, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group bị hoãn lại.
Kể từ đó, Jack Ma buộc phải nhượng bộ chính phủ Trung Quốc rất nhiều. Ant Group đã đại tu hoạt động để tuân thủ biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời thường xuyên thảo luận với ngân hàng trung ương về cách điều chỉnh hoạt động.Trong những năm đầu thành lập, thành công của Ant Group trong các dịch vụ như thanh toán kỹ thuật số và tiền gửi trên thị trường tiền tệ đã đe dọa sự thống trị của các ngân hàng lớn được nhà nước hậu thuẫn.
Thay đổi về quyền sở hữu có thể trì hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trở lại của Ant Group.
Ant Group đang chờ ngân hàng trung ương đồng ý xem xét đơn xin cấp giấy phép nắm giữ tài chính, một bước quan trọng để công ty tiến tới tìm kiếm bất kỳ cơ hội niêm yết cổ phiếu nào. Từng được định giá 300 tỉ USD, giá trị dự kiến của Ant Group đã giảm mạnh sau khi cơ quan quản lý hạn chế hoạt động tại các đơn vị sinh lời cao nhất của Alibaba, bao gồm cả cho vay tiêu dùng. Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg tháng trước ước tính Ant Group có giá trị khoảng 64 tỉ USD.