Facebook hôm 21.2 đã xóa trang chính của quân đội Myanmar vì nhiều vi phạm tiêu chuẩn cấm kích động bạo lực, một ngày sau khi hai người biểu tình bị cảnh sát nổ súng bắn chết tại cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1.2.
“Theo các chính sách toàn cầu của chúng tôi, chúng tôi đã xóa Tatmadaw True News Information Team khỏi Facebook vì nhiều lần vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi về cấm kích động bạo lực và phối hợp gây tổn hại”, đại diện Facebook cho biết.
Quân đội Myanmar được gọi là Tatmadaw, với trang True News đã biến mất hôm 21.12.
Người phát ngôn quân đội không trả lời cuộc gọi điện thoại của Reuters để tìm kiếm bình luận.
2 người thiệt mạng và 20 người bị thương tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, hôm 20.2 khi cảnh sát và binh lính bắn vào những người biểu tình phản đối việc lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Đây là ngày đẫm máu nhất trong hơn hai tuần biểu tình.
Facebook những năm gần đây đã hợp tác với các nhà hoạt động dân quyền và các đảng chính trị dân chủ ở Myanmar, đẩy lùi quân đội sau khi bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì không ngăn chặn được các chiến dịch thù địch trực tuyến.
Vào năm 2018, Facebook đã xóa tài khoản của Min Aung Hlaing (hiện là Tổng tư lệnh quân đội) và 19 sĩ quan cùng tổ chức cấp cao khác, đồng thời gỡ xuống hàng trăm trang và tài khoản do các thành viên quân đội điều hành vì hành vi phối hợp không xác thực.
Trước cuộc bầu cử tháng 11.2020, Facebook thông báo đã gỡ xuống mạng lưới 70 tài khoản và trang giả mạo do các thành viên quân đội điều hành đã đăng nội dung tích cực về quân đội hoặc chỉ trích Suu Kyi cùng đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.
Hôm 20.12.2021, những người phản đối cuộc đảo chính đã xuống đường tại một số thành phố và thị trấn của Myanmar với một số thành viên là người dân tộc thiểu số, nhà thơ và công nhân vận tải. Đám đông yêu cầu chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi và những người khác của NLD.
Một số người biểu tình đã bắn ná cao su vào cảnh sát ở Mandalay. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay và súng nhưng chưa rõ họ sử dụng đạn thật hay đạn cao su.
Cảnh sát và các công nhân xưởng đóng tàu đã đối mặt với nhau trong nhiều giờ ở Mandalay. Một số người bị vết thương nghiêm trọng đã được đưa đến bệnh viện sau khi cảnh sát nổ súng để giải tán đám đông.
Một người đàn ông đã chết vì vết thương ở đầu, theo Lin Khaing - trợ lý biên tập viên của đài truyền thông Đài tiếng nói Myanmar ở thành phố và dịch vụ khẩn cấp Mandalay.
Một bác sĩ tình nguyện xác nhận đã có hai trường hợp tử vong: “Một người bị bắn vào đầu chết tại chỗ. Một người khác chết sau đó với một vết đạn vào ngực”.
Các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của cố vấn nhà nước Suu Kyi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những người biểu tình nghi ngờ trước lời hứa của quân đội sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới và trao quyền lực cho người chiến thắng.
Mya Thwate Thwate Khaing, nữ sinh biểu tình đã chết hôm 19.2 sau khi bị bắn vào đầu hôm 9.2 trước khi cảnh sát giải tán đám đông ở Thủ đô Naypyitaw. Đây là cái chết đầu tiên trong số những người biểu tình chống đảo chính.
Trong những ngày sau khi Mya Thwate Thwate Khaing bị bắn vào đầu, nhiều người biểu tình diễu hành, giơ cao những bức ảnh cô với tấm biểu ngữ kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài.
Hôm 10.2, họ đã treo bức ảnh chân dung của cô tại cây cầu ở trung tâm thành phố Yangon với biểu ngữ: “Hãy cùng nhau chống lại kẻ độc tài giết người dân”.
“Bắn vào một người biểu tình ôn hòa bằng đạn thật là điều không thể tha thứ trong xã hội của chúng ta”, một bác sĩ thuộc đội điều trị ban đầu cho Mya Thwate Thwate Khaing trả lời khi được câu hỏi về cái chết của cô gái.
Quân đội cho biết một cảnh sát đã tử vong vì vết thương trong một cuộc biểu tình.
Hôm 20.2, những người trẻ tuổi ở thành phố chính Yangon đã mang vòng hoa và đặt tại một buổi lễ tưởng Mya Thwate Thwate Khaing. Một buổi lễ tương tự diễn ra ở Naypyitaw.
“Nỗi buồn vì cái chết của cô ấy là một chuyện, nhưng chúng tôi cũng có can đảm để tiếp tục vì cô”, Khin Maw Maw Oo, sinh viên biểu tình ở Naypyitaw, nói.
Những người biểu tình đang yêu cầu khôi phục chính phủ được bầu, trả tự do cho bà Suu Kyi cùng những người khác và hủy bỏ hiến pháp năm 2008, được soạn thảo dưới sự giám sát của quân đội, mang lại cho họ vai trò chính trị.
Quân đội Myanmar đã giành lại quyền lực sau khi cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020 mà NLD giành chiến thắng, bắt giữ bà Suu Kyi và những người khác hôm 1.2. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ các khiếu nại gian lận.
Bà Suu Kyi bị cảnh sát buộc tội vi phạm Luật Quản lý Thảm họa Thiên nhiên và nhập khẩu trái phép 6 bộ đàm. Bà sẽ hầu tòa vào ngày 1.3 tới.