Hôm 4.3, một quan chức cảnh sát Ấn Độ cho biết rằng ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã đến Ấn Độ để trốn lệnh của quân đội đang cố gắng trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính và dự kiến rằng sẽ có nhiều hơn nữa.
Quan chức giấu tên cho biết những cảnh sát này đã vượt qua Champhai và Serchhip, hai huyện ở phía đông bắc bang Mizoram, Ấn Độ có chung đường biên giới với Myanmar.
Quan chức này tiết lộ tất cả họ là cảnh sát cấp thấp hơn, đều không có vũ khí. “Chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều người hơn nữa sẽ đến”, ông nói và trích dẫn các báo cáo tình báo.
Đã có chuyện được kể lại trên mạng xã hội về các cảnh sát Myanmar tham gia phong trào bất tuân dân sự và biểu tình chống chính quyền quân đội, rồi bị bắt. Song, đây là trường hợp các cảnh sát bỏ trốn khỏi Myanmar đầu tiên được báo cáo.
Quan chức này nói các cảnh sát Myanmar vượt biên vì sợ bị đàn áp do không tuân lệnh chính quyền quân đội. Họ sẽ bị chính quyền địa phương Ấn Độ tạm giữ.
“Họ không muốn nhận lệnh chống lại phong trào bất tuân dân sự”, ông nói, đề cập đến sự kích động ở Myanmar kêu gọi đảo ngược cuộc đảo chính ngày 1.2 và trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi.
Trong số 19 người, 3 cảnh sát Myanmar đã đi qua biên giới gần thị trấn North Vanlaiphai ở quận Serchhip vào chiều 3.3 và chính quyền ở đó đang kiểm tra sức khỏe của họ.
“Những gì họ nói là nhận được chỉ thị từ các nhà cầm quyền quân sự mà họ không thể tuân theo, vì vậy họ đã bỏ chạy. Họ đang tìm kiếm nơi ẩn náu vì sự cai trị của quân đội ở Myanmar”, Giám đốc cảnh sát quận Serchhip - Stephen Lalrinawma nói với Reuters.
Ấn Độ có chung đường biên giới đường bộ dài 1.600 km với Myanmar, nơi hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính.
Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ được bầu dân chủ và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người cùng đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thắng cuộc bầu cử vào tháng 11.2020.
Ấn Độ là nơi sinh sống của hàng ngàn người tị nạn từ Myanmar, bao gồm cả người dân tộc Chin và người Rohingya đã chạy trốn khỏi quốc gia Đông Nam Á trong các vụ bạo lực trước đó.
Một lãnh đạo cộng đồng Chin ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) cho biết cảnh sát Myanmar hiếm khi trốn sang Ấn Độ.
James Fanai, Chủ tịch Ủy ban Người tị nạn Chin có trụ sở tại Ấn Độ, nói: “Đây là một điều gì đó bất thường vì trước đây, cảnh sát và quân đội chỉ làm theo mệnh lệnh".
Hội đồng quân sự cầm quyền Myanmar đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cảnh sát và binh lính làm nhiệm vụ.
Hôm qua (3.3) là ngày đẫm máu nhất trong các cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar với ít nhất 38 người chết.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Myanmar - Christine Schraner Burgener nói đã có những video gây sốc từ đất nước này.
Bà Christine Schraner cho hay có video cho thấy cảnh sát đánh đập một đội y tế tình nguyện không vũ trang. Một video khác cho thấy người biểu tình bị bắn và có thể đã chết trên đường phố.
"Tôi đã hỏi một số chuyên gia vũ khí và họ nói có thể vũ khí của cảnh sát là súng tiểu liên 9mm cùng đạn thật", bà Christine Schraner nói.
Nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng bắn đạn cao su và đạn thật vào người biểu tình.
Sau những vụ bắn chết người hôm 3.3, Anh kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 5.3, còn Mỹ cho biết đang xét có hành động thích hợp tiếp theo với quân đội Myanmar.