Cổ phiếu Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, giảm 14% trong tuần vừa qua, xuống gần mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Sau khi giảm 14% trong tuần vừa qua, chốt phiên ở mức 146,29 USD, cổ phiếu Meta Platforms đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3.2020. Meta Platforms đã mất 61% giá trị trong 12 tháng qua. Đó là mức trượt lớn nhất đến nay trong số các cổ phiếu Big Tech (hãng công nghệ lớn) và giảm hơn gấp đôi so với Nasdaq Composite.
Nasdaq Composite là một chỉ số thị trường chứng khoán bao gồm hầu hết cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Cùng với Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones và S&P 500, Nasdaq Composite là một trong ba chỉ số thị trường chứng khoán được theo dõi nhiều nhất ở Mỹ.
Sau 5 ngày liên tiếp trượt dài, Meta Platforms hiện chỉ giao dịch cao hơn 28 cent so với giá cổ phiếu chốt phiên vào ngày 16.3.2020, khi những ngày đầu đại dịch khiến chứng khoán Mỹ quay cuồng.
Nếu Meta Platforms giảm xuống dưới 146,01 USD thì đây sẽ là mức thấp nhất kể từ tháng 1.2019. Đó là khi Facebook đang đối phó với hậu quả vụ bê bối Cambridge Analytica (công ty có trụ sở ở London, Anh) đã kiểm tra lòng tin của người tiêu dùng với công ty truyền thông xã hội và dẫn đến hàng loạt các cuộc điều trần căng thẳng trước Quốc hội Mỹ.
Kể từ khi chính thức đổi tên thành Meta Platforms vào tháng 10.2021, tin tức với Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và công ty hầu như đều không tốt.
Bản cập nhật quyền riêng tư của iOS khiến Meta Platforms khó nhắm mục tiêu quảng cáo hơn và sự phổ biến ngày càng tăng của đối thủ truyền thông xã hội TikTok khiến người dùng, nhà quảng cáo rời xa ứng dụng Facebook.
Hồi tháng 7, Meta Platforms cho biết có thể sẽ đối mặt với doanh số giảm quý thứ hai liên tiếp sau khi báo cáo doanh thu quý 2/2022 không đạt kỳ vọng tối thiểu.
Gần đây, Bill George, thành viên cấp cao tại Trường Kinh doanh Harvard và là cựu Giám đốc điều hành hãng công nghệ y tế Medtronic, cho biết những thiếu sót của Mark Zuckerberg với tư cách giám đốc điều hành đang “tiếp tục làm trật bánh” Meta Platforms.
Bill George nói với đài CNBC: “Tôi nghĩ rằng Facebook sẽ không hoạt động tốt chừng nào anh ấy còn ở đó. Anh ấy có thể là một trong những lý do khiến nhiều người quay lưng lại với công ty. Anh ấy thực sự bị lạc đường".
Cambridge Analytica và hàng loại vụ bê bối của Facebook
Bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng Facebook liên quan đến Cambridge Analytica từng gây rúng động dư luận vào năm 2018. Nhiều thông tin cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập dữ liệu. 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Úc.
Kho dữ liệu này bao gồm tuổi của người dùng Facebook, sở thích, fanpage họ thích, nhóm họ tham gia, vị trí địa lý, đảng phái chính trị, tôn giáo, các mối quan hệ và ảnh, cũng như tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ email.
Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu để nhắm mục tiêu các quảng cáo chính trị và nhận được hàng triệu USD từ chiến dịch vận động trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook thừa nhận con số này cao hơn nhiều so với những gì được biết đến từ trước thời điểm đó, trên một bài viết của Giám đốc Công nghệ Facebook. Facebook tuyên bố sẽ kết thúc tính năng cho phép người dùng tìm kiếm hồ sơ bằng cách sử dụng số điện thoại hoặc email cá nhân do các phần tử xấu có thể đã lạm dụng tính năng này và lấy được thông tin cá nhân từ các tài khoản.
Giám đốc Công nghệ Facebook đã viết: "Với quy mô và độ phức tạp của các hoạt động mà chúng tôi đã thấy, chúng tôi tin rằng đa số người dùng Facebook có thể đã có toàn bộ hồ sơ công khai bị nạo sạch dữ liệu bằng cách này. Vì thế, chúng tôi giờ đã vô hiệu hoá tính năng này".
Cambridge Analytica là một công ty tư nhân chuyên về khai thác dữ liệu, môi giới và phân tích dữ liệu với truyền thông chiến lược chuyên dụng cho quá trình bầu cử.
Vào tháng 6.2014, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan đã phát triển ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook. Khoảng 270.000 người đã cài đặt ứng dụng của Aleksandr Kogan trên tài khoản Facebook cá nhân.
Aleksandr Kogan đã cung cấp cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 50 triệu người dùng Facebook cho Cambridge Analytica, công ty xác lập hồ sơ cử tri. Cambridge Analytica sử dụng nó để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri.
Vụ bê bối dữ liệu người dùng được Christopher Wylie, cựu nhân viên Cambridge Analytica nghỉ việc từ năm 2014, phanh phui vào tháng 3.2018. Christopher Wylie tiết lộ Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu ít nhất 50 triệu người dùng Facebook.
Theo Christopher Wylie, Cambridge Analytica đã khai thác lỗ hổng của Facebook để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản và “xây dựng những mô hình cho phép khai thác tất cả những điều chúng tôi biết về người dùng cũng như nhắm đúng tâm lý của họ”. Đó là cơ sở để Cambridge Analytica duy trì hoạt động.
Dữ liệu được thu thập nhằm mục tiêu quảng cáo cho khách hàng của Cambridge Analytica, bao gồm cả chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump.
Sau khi vụ bê bối dữ liệu người dùng Facebook vỡ lở, một làn sóng người dùng giận dữ và tẩy chay mạng xã hội lớn nhất hành tinh nổ ra. Từ khoá #DeleteFacebook được chia sẻ rầm rộ trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác. Từ khóa Delete Facebook (xoá Facebook) được tìm kiếm kỷ lục theo Google Trends.
Ngay cả Brian Acton - đồng sáng lập WhatsApp, công ty mà Facebook bỏ 19 tỉ USD ra mua lại năm 2014, cũng kêu gọi bạn bè xóa Facebook.
Sau đó, Facebook đã xóa quyền truy cập vào dữ liệu của mình khỏi hàng ngàn ứng dụng bị nghi ngờ lạm dụng, giới hạn lượng thông tin có sẵn cho các nhà phát triển và giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh các hạn chế về chia sẻ dữ liệu cá nhân.
Cuối tháng 8 vừa qua, Facebook đã đạt được thỏa thuận sơ bộ trong một vụ kiện kéo dài nhằm đòi mạng xã hội này bồi thường thiệt hại vì cho phép các bên thứ ba, bao gồm cả công ty Cambridge Analytica, truy cập vào dữ liệu riêng tư của người dùng.
Theo tài liệu được đệ trình hôm 26.8 tại tòa án San Francisco (Mỹ), Facebook cho biết đang gửi một bản dự thảo "thỏa thuận về nguyên tắc" và đã yêu cầu hoãn thủ tục tố tụng trong 60 ngày để hoàn thiện nó.
Facebook không cho biết số lượng hoặc các điều khoản của thỏa thuận trong vụ kiện tập thể. Khi được trang AFP hỏi, Facebook nói rằng “không có bình luận nào để chia sẻ vào lúc này”.
Thỏa thuận được đưa ra khi Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg (cựu giám đốc vận hành từ chức hồi tháng 6) sẽ phải ra điều trần trước tòa vào tháng 9 tới như một phần của vụ bê bối.
Vào năm 2019, các nhà chức trách liên bang đã phạt Facebook 5 tỉ USD vì gây hiểu lầm cho người dùng và áp đặt giám sát độc lập với việc quản lý dữ liệu cá nhân của nó.
Hôm 23.8, Meta Platforms đã đồng ý chi 37,5 triệu USD giải quyết vụ kiện cáo buộc công ty mẹ Facebook vi phạm quyền riêng tư người dùng bằng cách theo dõi chuyển động của họ thông qua smartphone mà không được phép.
Thỏa thuận dàn xếp sơ bộ giữa Meta Platforms và bên khởi kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang San Francisco (bang California, Mỹ) vào ngày 23.8 và cần có sự chấp thuận của thẩm phán.
Nó giải quyết các khiếu nại rằng Facebook đã vi phạm luật bang California và chính sách bảo mật của riêng mình bằng cách thu thập dữ liệu từ những người dùng đã tắt dịch vụ định vị (Location Services) trên thiết bị di động của họ.
Người dùng cho biết dù không muốn chia sẻ vị trí của mình với Facebook, nhưng công ty vẫn suy ra họ đang ở đâu từ địa chỉ IP (giao thức internet) và sử dụng thông tin đó để gửi cho họ quảng cáo được nhắm mục tiêu.
Thỏa thuận hôm 23.8 bao gồm những người ở Mỹ đã sử dụng Facebook sau ngày 30.1.2015.
Meta Platforms phủ nhận hành vi sai trái trong việc đồng ý dàn xếp.
Vào tháng 6.2018, Facebook và Mark Zuckerberg đã nói với Quốc hội Mỹ rằng công ty có trụ sở tại thành phố Menlo Park, bang California, Mỹ sử dụng dữ liệu vị trí "để giúp các nhà quảng cáo tiếp cận người khác ở các khu vực cụ thể".
Ví dụ, nó cho biết những người dùng ăn tối tại các nhà hàng cụ thể có thể nhận được bài đăng từ bạn bè cũng ăn ở đó hoặc quảng cáo từ các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ gần đó.
Vụ kiện bắt đầu vào tháng 11.2018. Các luật sư của nguyên đơn có thể tìm kiếm tới 30% thỏa thuận giải quyết cho các khoản phí pháp lý, các giấy tờ dàn xếp cho thấy.
Nếu được tòa án liên bang San Francisco chấp thuận, đây sẽ là vụ dàn xếp tiếp theo của Meta Platforms sau các bê bối.
Hồi tháng 2.2021, Meta Platforms đồng ý một thỏa thuận trị giá 650 triệu USD cho vụ kiện tập thể từ người dùng ở bang Illinois, tố Facebook tạo và lưu trữ bản quét khuôn mặt của họ mà không được phép. Lúc đó, gần 1,6 triệu người dùng Facebook ở bang này đã nhận được 397 USD mỗi người.
Hồi tháng 6.2022, tòa án quận ở bang California chấp thuận dàn xếp sơ bộ cho một vụ kiện tập thể khác nhằm vào Meta Platforms. Công ty bị cho là theo dõi hoạt động của người dùng kể cả khi họ không truy cập Facebook và phải bồi thường tổng số tiền 90 triệu USD.
Việc dàn xếp mới sẽ được phê duyệt chính thức vào cuối tháng 10.2022.