Nhiều quốc gia đang cố dựa vào vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng với mục đích ngăn SARS-CoV-2 không thể tìm thấy đủ người để lây nhiễm, khiến sự lây truyền cuối cùng chấm dứt. Song ngay cả ở các nước có tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin hiệu quả cao, vẫn chưa rõ liệu có thể sớm đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng không.

Vì sao biến thể Delta khiến khả năng miễn dịch cộng đồng khó đạt được hơn?

Sơn Vân | 05/08/2021, 20:56

Nhiều quốc gia đang cố dựa vào vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng với mục đích ngăn SARS-CoV-2 không thể tìm thấy đủ người để lây nhiễm, khiến sự lây truyền cuối cùng chấm dứt. Song ngay cả ở các nước có tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin hiệu quả cao, vẫn chưa rõ liệu có thể sớm đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng không.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng SARS-CoV-2 có xu hướng lưu hành trong cuộc sống chúng ta một thời gian dài dù có khả năng trở thành một kẻ thù ít mạnh hơn.

1. Có thể diệt trừ COVID-19 không?

Đến nay, chỉ có một căn bệnh ở người - bệnh đậu mùa - đã được chính thức loại trừ, nghĩa là giảm xuống 0 trường hợp và giữ ở đó lâu dài mà không cần biện pháp đối phó liên tục. Đó là nhờ một loại vắc xin tốt cộng với thực tế là con người là loài động vật có vú duy nhất dễ bị nhiễm vi rút đậu mùa một cách tự nhiên. Ngược lại, nhiều loài nhạy cảm với SARS-CoV-2, bao gồm dơi, chồn, mèo và khỉ đột.

Điều tốt nhất tiếp theo sẽ là loại bỏ bệnh tật. Đó là khi không có ca mắc COVID-19 mới nào trong khu vực xác định trong một khoảng thời gian, chẳng hạn 28 ngày. Một số quốc gia, chẳng hạn như New Zealand, không có ca mắc COVID-19 mới trong thời gian dài bằng cách sử dụng phong tỏa, phát hiện, cách ly bệnh nhân cẩn thận và đóng cửa biên giới. Thế nhưng duy trì điều này về lâu dài là thách thức vì sự xuất hiện của các biến thể dễ lây nhiễm hơn dẫn đến các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thậm chí còn khắt khe hơn, trong khi nhiều người khao khát trở lại cuộc sống bình thường.

2. Vắc xin sẽ loại bỏ COVID-19?

Có một sự không chắc chắn đáng kể về điều đó. Một bài báo khoa học đã tính toán rằng, nếu một loại vắc xin có thể cung cấp lá chắn suốt đời, an toàn để chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 thì sẽ cần phải đạt được từ 60% đến 72% số người tiêm để thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng. Thế nhưng, nếu một loại vắc xin chỉ có hiệu quả 80% trong việc ngăn ngừa bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào thì 75% đến 90% người dân sẽ cần được chủng ngừa - một con số cao.

Các loại vắc xin COVID-19 đang được sử dụng ngày nay đã được chứng minh có khả năng bảo vệ từ 50% đến 97% khỏi mắc bệnh, nhưng chúng ta hầu như không biết chúng ngăn ngừa nhiễm trùng không có triệu chứng có thể lây truyền vi rút thế nào.

Biến thể Delta (được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10.2020) lây lan nhanh chóng, có khả năng lây nhiễm gấp đôi so với SARS-CoV-2 ban đầu, cũng đang làm suy yếu hiệu quả của vắc xin. Một câu hỏi khác là thời hạn bảo vệ. Thời gian càng ngắn, tỷ lệ chủng ngừa cần thiết để thiết lập miễn dịch cộng đồng càng cao.

Các nhà nghiên cứu của Pfizer theo dõi các cá nhân đã tiêm vắc xin trong vòng 6 tháng báo cáo xu hướng giảm dần hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh nhiễm trùng có triệu chứng, nhưng nhận thấy mũi tiêm của họ nói chung vẫn “có hiệu quả cao”. Vắc xin có thể không phải làm tất cả công việc để đạt được điều đó: Một số người từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh sẽ có kháng thể chống lại vi rút dù không tốt như người đã được tiêm vắc xin.

3. Delta có khả năng kháng vắc xin cao hơn Alpha

Càng lưu hành nhiều, SARS-CoV-2 càng có nhiều cơ hội để đột biến theo những cách tăng cường khả năng né tránh khả năng miễn dịch mà con người đã đạt được. Trong năm qua, các biến thể như vậy đã lan rộng ra quốc tế, dẫn đến sự gia tăng mới về số ca bệnh và nhập viện.

vi-sao-bien-the-delta-khien-kha-nang-mien-dich-cong-dong-kho-dat-duoc-hon.jpg
Theo Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên hơn 80% và có thể tới 90%

Các nghiên cứu từ Anh đã chỉ ra rằng biến thể Delta có khả năng kháng vắc xin cao hơn so với chủng Alpha xuất hiện ở Anh vào cuối năm 2020, đặc biệt ở những người mới tiêm mũi đầu tiên. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ người trong cộng đồng sẽ phải được chủng ngừa cao hơn để đạt được miễn dịch. Các nhà khoa học nói vắc xin có tác dụng ngăn chặn bệnh trở nặng trong phần lớn các trường hợp, song một số mũi tiêm không giúp chúng ta tránh khỏi việc nhiễm vi rút dù chỉ là dạng nhẹ.

Việc tiêm vắc xin có thể cần được cập nhật định kỳ để duy trì hiệu quả và một số quốc gia có kế hoạch triển khai các mũi tiêm bổ sung hoặc tăng cường, bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tạm hoãn tiêm chủng cho đến ít nhất cuối tháng 9 để các nước nghèo hơn có thể tăng tỷ lệ.

4. Vì sao Delta đặc biệt nghiêm trọng?

Vắc xin đã được chứng minh là làm giảm nồng độ của các phần tử vi rút, hoặc tải lượng vi rút, trong đường hô hấp của những người bị nhiễm bệnh, giảm khả năng họ truyền bệnh cho người khác. Tuy nhiên, Delta có liên quan đến tải lượng vi rút ở những bệnh nhân cao hơn 1.200 lần so với SARS-CoV-2 ban đầu ở Vũ Hán. Đây là đặc điểm giúp Delta lây lan dễ dàng như bệnh thủy đậu.

Đáng lo ngại là các quan chức y tế tại một quận ở bang Wisconsin (Mỹ), nơi có hơn 2/3 dân số được tiêm chủng đầy đủ và Delta là chủng chủ yếu, không tìm thấy sự khác biệt về tải lượng vi rút giữa bệnh nhân đã tiêm và chưa tiêm vắc xin. Điều đó lý giải nguyên nhân về đợt bùng phát mạnh mẽ ở thị trấn Provincetown, bang Massachusetts, Mỹ vào giữa đến cuối tháng 7, trong đó khoảng 3/4 trong số 469 ca mắc COVID-19 được phát hiện ở những người được tiêm vắc xin đầy đủ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã khuyến cáo mọi người quay trở lại đeo khẩu trang trong nhà ở một số tình huống. CDC cho rằng Delta dễ phá vỡ khả năng miễn dịch do vắc xin gây ra và cho biết nó có thể gây ra bệnh nặng hơn tất cả chủng khác của vi rút, tờ New York Times đưa tin vào cuối tháng 7.

5. Các vắc xin có ngăn ngừa nhiễm trùng để hạn chế các ca bệnh không?

Nhà tiêm chủng người New Zealand Helen Petousis-Harris chỉ ra vi rút rota và thủy đậu là những ví dụ về các bệnh đã được “loại bỏ hầu như bằng cách sử dụng vắc xin rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, khá tốt trong việc ngăn ngừa bất kỳ bệnh nào, nhưng điều đó không hoàn toàn ngăn ngừa lây nhiễm ở mọi người”. Người ta dự đoán rằng các loại vắc xin thế hệ mới sẽ thậm chí còn tốt hơn trong việc ngăn ngừa sự lây truyền sau này. Trong khi đó, Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, gợi ý rằng thay vì tập trung vào việc loại bỏ, thành công nên được coi là “giảm khả năng phá hoại của loại vi rút này, giảm bệnh nhân nhập viện, hạn chế hủy hoại cuộc sống kinh tế và xã hội của chúng ta”.

6. Điều gì sẽ xảy ra nếu COVID-19 không bị loại?

Trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​của hơn 100 nhà khoa học do Tạp chí Nature tiến hành vào tháng 1.2021, gần 90% cho biết họ mong muốn SARS-CoV-2 trở thành loài đặc hữu (chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định). Vi rút đặc hữu lưu hành liên tục trong cộng đồng, thường gây đột biến định kỳ khi có điều kiện lây truyền. Ví dụ như norovirus, nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột trên tàu du lịch và vô số loại vi rút gây ra cảm lạnh thông thường.

7. Ý nghĩa có thể là gì?

Những người sống sót sau khi mắc COVID-19 và những người được tiêm vắc xin sẽ có một số mức độ miễn dịch trong một thời gian. Các nhà nghiên cứu Anh nói có thể khi khả năng miễn dịch suy yếu dần, nhiều người được tiêm chủng sẽ nhiễm bệnh hơn, nhưng hệ thống miễn dịch của họ sẽ nhanh chóng kiểm soát sự lây nhiễm, nên không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng phản ứng miễn dịch của họ với nó.

Trong trường hợp không có khả năng miễn dịch cộng đồng, vi rút sẽ tiếp tục tìm đến những người không được bảo vệ. Điều đó có nghĩa là những người không tiêm vắc xin, không thể tiêm do hệ thống miễn dịch của họ tổn hại, bị dị ứng với các thành phần vắc xin hoặc quá trẻ sẽ dễ bị tổn thương.

Một số nhà khoa học đã dự đoán rằng, một khi đã đến giai đoạn đặc hữu thì nhiễm trùng phần lớn gây ra bệnh nhẹ hoặc không. Tại thời điểm đó, COVID-19 có thể được coi giống như cảm lạnh thông thường.

Bài liên quan
Nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn biến thể Delta lây nhanh như cháy rừng có khiến bệnh nặng hơn?
Với làn sóng nhiễm COVID-19 mới được thúc đẩy bởi các các quốc gia bị biến thể Delta càn quét trên toàn thế giới, các chuyên gia về dịch bệnh đang cố gắng tìm hiểu xem chủng này có khiến chúng ta, chủ yếu là những người chưa được tiêm chủng, bệnh nặng hơn trước đây hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao biến thể Delta khiến khả năng miễn dịch cộng đồng khó đạt được hơn?