Khi nhà máy Tesla ở Thượng Hải và các hãng ô tô khác phải đóng cửa trong 2 tháng qua do các biện pháp Zero COVID nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch lớn nhất Trung Quốc, câu hỏi nóng hổi là họ có thể khởi động lại nhanh chóng thế nào để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Zero COVID ảnh hưởng đến mọi thứ từ Tesla đến bánh taco, Trung Quốc trợ giá mua ô tô điện

Sơn Vân | 02/05/2022, 10:02

Khi nhà máy Tesla ở Thượng Hải và các hãng ô tô khác phải đóng cửa trong 2 tháng qua do các biện pháp Zero COVID nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch lớn nhất Trung Quốc, câu hỏi nóng hổi là họ có thể khởi động lại nhanh chóng thế nào để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Song với việc phong tỏa ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) bước sang tuần thứ tư và các biện pháp tương tự được áp dụng ở hàng chục thành phố nhỏ hơn, thị trường bùng nổ ô tô điện lớn nhất thế giới đã sụp đổ.

Các công ty khác từ nhà sản xuất hàng xa xỉ đến nhà hàng thức ăn nhanh cũng lần đầu tiên đưa ra thông tin về doanh thu sụt giảm và niềm tin bị lung lay trong những tuần gần đây, ngay cả khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp để giúp các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và kích thích nhu cầu.

Joey Wat, Giám đốc điều hành Yum China - công ty sở hữu KFC và Taco Bell, cho biết trong một bức thư gửi các nhà đầu tư rằng doanh số bán hàng tháng 4 đã bị tác động đáng kể bởi các biện pháp kiểm soát COVID-19. Để đáp lại, công ty đã đơn giản hóa thực đơn của mình, sắp xếp nhân sự hợp lý và thúc đẩy các đơn đặt hàng số lượng lớn cho các cộng đồng bị hạn chế, theo Joey Wat.

Câu hỏi cấp bách hiện nay là làm thế nào và khi nào người tiêu dùng Trung Quốc sẽ bắt đầu mua lại mọi thứ từ ô tô điện Tesla đến bánh taco?

Trên thị trường ô tô điện một thời nóng bỏng của Trung Quốc, tình trạng hỗn loạn gần đây là một ví dụ rõ ràng về cú đấm kinh tế có một không hai, đầu tiên là cung và sau đó là cầu, từ việc Bắc Kinh cứng rắn thực hiện các biện pháp kiểm soát COVID-19 trên toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trước khi Thượng Hải bị phong tỏa vào đầu tháng 4.2022 để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19, doanh số bán ô tô điện đã bùng nổ. Doanh số bán hàng của Tesla tại Trung Quốc đã tăng 56% trong quý 1/2022. Trong khi doanh số bán ô tô điện từ BYD, đối thủ lớn của Tesla ở Trung Quốc, đã tăng gấp 5 lần. Tình trạng phong tỏa đến sau đó.

Các phòng trưng bày, cửa hàng, trung tâm thương mại ở Thượng Hải đã đóng cửa và 25 triệu cư dân thành phố này không thể mua sắm trực tuyến ngoài thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày do tắc nghẽn giao hàng. Các nhà phân tích tại tập đoàn Nomura (Nhật Bản) ước tính vào giữa tháng 4 rằng 45 thành phố ở Trung Quốc, chiếm 40% GDP, đã bị đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, với nền kinh tế có nguy cơ suy thoái ngày càng tăng.

Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc ước tính lượng giao xe du lịch bán lẻ ở Trung Quốc thấp hơn 39% trong ba tuần đầu tháng 4 so với một năm trước đó.

Hiệp hội cho biết các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã cắt giảm các lô hàng, các đại lý xe hơi không quảng cáo các mẫu ô tô mới và doanh số bán hàng sụt giảm tại các thị trường giàu có nhất Trung Quốc là Thượng Hải, Quảng Đông.

Một đại lý của thương hiệu xe hơi cao cấp của Đức ở tỉnh Giang Tô, giáp với Thượng Hải, nói với Reuters rằng doanh số bán hàng đã giảm từ 1/3 đến 1/2 trong tháng 4, với lý do phong tỏa và tắc nghẽn đường bộ khiến việc giao đơn hàng khó khăn.

Ông thậm chí còn lo lắng hơn về tác động đến sức chi tiêu của người tiêu dùng, từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Ông nói: "Nó có thể tồi tệ hơn làn sóng COVID-19 đầu tiên vào năm 2020, khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngày nay, nền kinh tế có nhiều bất ổn hơn, thị trường chứng khoán và bất động sản hoạt động không tốt".

zero-covid-lam-thi-truong-o-to-dien-hon-loan.jpg
Con đường ít xe cộ qua lại bên cạnh khu vực đang bị phong tỏa sau đợt bùng phát COVID-19 ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Helen de Tissot, Giám đốc tài chính của hãng sản xuất rượu mạnh Pernod Ricard (Pháp), nói với Reuters rằng: “Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc những hạn chế này có thể được dỡ bỏ nhanh như thế nào, nhưng những tuần tới có thể khó khăn”.

Kering, công ty sở hữu các thương hiệu cao cấp như Gucci và Saint Laurent, cho biết “một phần đáng kể” các cửa hàng của họ đã bị đóng cửa vào tháng 4 ở Trung Quốc.

Jean-Marc Duplaix, Giám đốc tài chính Kering, nói: “Rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau khi phong tỏa”.

Apple hôm 28.4 dự báo các vấn đề lớn hơn khi phong tỏa COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất và nhu cầu ở Trung Quốc, chiến tranh tại Ukraine làm giảm doanh số bán hàng và tăng trưởng dịch vụ chậm lại.

Giám đốc Tài chính Apple - Luca Maestri đã cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine khiến Apple ngừng bán hàng tại Nga, sẽ làm doanh số bán hàng giảm sâu hơn trong quý tài chính thứ ba. Ông nói với các nhà phân tích rằng các vấn đề chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong quý này từ 4 đến 8 tỉ USD, "lớn hơn đáng kể" so với mức ảnh hưởng trong quý thứ hai.

Luca Maestri nói thêm, các vấn đề về nguồn cung tập trung vào Thượng Hải, phản ánh sự gián đoạn do chính sách Zero COVID-19 và tình trạng thiếu chip. Ông nói đại dịch cũng ảnh hưởng đến nhu cầu ở Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết gần như tất cả nhà máy Trung Quốc lắp ráp sản phẩm cuối cùng của Apple đã hoạt động trở lại sau khi đóng cửa gần đây do phong tỏa, nhưng công ty không dự báo thời điểm tình trạng thiếu chip, chủ yếu ảnh hưởng đến các sản phẩm cũ, sẽ kết thúc. Tim Cook nói ông hy vọng các vấn đề về COVID-19 sẽ chỉ là "tạm thời và sẽ tốt hơn theo thời gian".

Chính quyền các thành phố từ Bắc Kinh đến Thâm Quyến đang cố gắng kích cầu bằng cách phát phiếu mua sắm trị giá tổng cộng hàng triệu USD để khuyến khích người dân chi tiêu.

Hôm 29.4, tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất có nền kinh tế lớn hơn Hàn Quốc, đã triển khai các biện pháp khuyến khích riêng của mình để cố gắng thúc đẩy doanh số bán ô tô điện và xe lai (ô tô sử dụng song song hai nguồn động cơ là động cơ đốt trong và động cơ điện, tức là xe vừa chạy xăng vừa chạy điện). Chúng bao gồm các khoản trợ cấp lên tới 8.000 nhân dân tệ (1.200 USD) cho một loạt các loại xe mà Trung Quốc xếp vào loại “phương tiện năng lượng mới”, bao gồm cả Volkswagen và BYD.

Tesla, đứng thứ hai về doanh số bán ô tô điện ở Trung Quốc, đã bị loại khỏi chương trình trợ giá.

Nhà sản xuất ô tô Mỹ đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Thành phố Trùng Khánh, trung tâm sản xuất ô tô lớn khác, vào tháng 3 cho biết sẽ cung cấp khoản tiền mặt lên tới 2.000 nhân dân tệ (300 USD) cho những người mua sắm đổi ô tô cũ lấy mẫu mới và dành thêm 3 triệu USD cho các biện pháp khác để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Trong khi ghi nhận các biện pháp như vậy, những nhà phân tích của ngân hàng Credit Suisse vẫn tin rằng các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã đưa tiêu dùng trực tuyến và ngoại tuyến vào một vòng xoáy giảm.

"Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực tiêu dùng sẽ gặp rủi ro lớn nếu đại dịch kéo dài và sự thắt chặt hơn nữa tiếp tục diễn ra trên khắp Trung Quốc", họ cho biết trong một ghi chú nghiên cứu.

Bài liên quan
Apple chậm giao hàng, Huawei than trời, Tesla chịu khổ vì Zero-COVID ở Trung Quốc
Các nhà phân tích cho biết các lô hàng một số sản phẩm của Apple cũng như máy tính xách tay Dell và Lenovo có thể sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ giao hàng nếu Trung Quốc tiếp tục phong tỏa do COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Zero COVID ảnh hưởng đến mọi thứ từ Tesla đến bánh taco, Trung Quốc trợ giá mua ô tô điện