Mya Thwate Thwate Khaing được cho là sẽ tổ chức sinh nhật lần thứ 20 vào 10.2. Song giờ đây, nữ sinh viên Myanmar đang nằm viện ở Thủ đô Naypyitaw trong tình trạng chết não do bị bắn vào đầu khi cảnh sát trấn áp cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính của quân đội Myanmar.

Nữ sinh bị cảnh sát Myanmar bắn chết não khi phản đối đảo chính, Liên Hợp Quốc và Mỹ bức xúc

Nhân Hoàng | 10/02/2021, 21:00

Mya Thwate Thwate Khaing được cho là sẽ tổ chức sinh nhật lần thứ 20 vào 10.2. Song giờ đây, nữ sinh viên Myanmar đang nằm viện ở Thủ đô Naypyitaw trong tình trạng chết não do bị bắn vào đầu khi cảnh sát trấn áp cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính của quân đội Myanmar.

Quân đội Myanmar đã giành chính quyền vào ngày 1.2 và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu là Aung San Suu Kyi, kết thúc quá trình chuyển đổi lâu dài theo hướng dân chủ và đưa hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình.

Vụ bắn Mya Thwate Thwate Khaing - nạn nhân nghiêm trọng đầu tiên được biết đến trong các cuộc biểu tình - đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn quốc và tập hợp sự ủng hộ cho phong trào chống đảo chính. Nhiều người trong số đó thuộc thế hệ Z, phản đối quân đội Myanmar nắm chính quyền.

Mya Thwate Thwate Khaing, một nữ sinh viên 19 tuổi, đã cùng các chị gái của mình đi từ một ngôi làng gần đó đến Naypyitaw để biểu tình hôm 9.2. Đó là một trong số hàng chục thị trấn và thành phố trên khắp đất nước có người biểu tình phản đối đảo chính.

Cảnh sát đã dập tắt cuộc biểu tình ôn hòa bằng vòi rồng và súng. Nữ sinh viên đã bị bắn một phát vào đầu khi cô đang chạy trốn. Các bác sĩ không hy vọng cô có thể sống sót.

nu-sinh-bi-canh-sat-mynamar-ban-chet-nao1.jpg
Mya Thwate Thwate Khaing bị cảnh sát bắn vào đầu và chết não

Anh trai của cô, Ye Htut Aung, nói với Reuters rằng gia đình dù ủng hộ các cuộc biểu tình nhưng thúc giục cô không đi vì sợ bạo lực.

Đó là tinh thần của em ấy. Em muốn và tôi không thể ngăn cản", Ye Htut Aung nói qua điện thoại.

Lần cuối cùng Ye Htut Aung nói chuyện với em gái là cuộc gọi thoại qua kết nối kém. Họ cũng không thể thực hiện cuộc gọi video vì chính quyền đã ngăn chặn truy cập internet.

Ye Htut Aung cảnh báo em gái nên ở sau cuộc biểu tình vì cảnh sát không đáng tin cậy.

Hãng tin True News Information Unit của quân đội Myanmar nói rằng lực lượng an ninh chỉ sử dụng vũ khí không gây chết người, đồng thời cho biết hai cảnh sát đã bị thương bởi "những kẻ bạo loạn" và đang ở bệnh viện.

Vụ nổ súng đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước và gợi lại lịch sử lâu dài của các cuộc đàn áp đẫm máu sau khi nhiều người phản đối lực lượng an ninh ở Myanmar. Trong các cuộc nổi dậy chống lại chính quyền quân sự cầm quyền vào cuối những năm 1980, hàng ngàn người đã thiệt mạng.

Những người biểu tình đã treo bức chân dung lớn của Mya Thwate Thwate Khaing tại một cây cầu ở trung tâm Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, hôm 10.2. “Hãy cùng nhau chống lại kẻ độc tài giết hại nhân dân” là biểu ngữ họ mang theo.

nu-sinh-bi-canh-sat-mynamar-ban-chet-nao2.jpg
Người biểu tình treo ảnh Thwate Thwate Khaing tại cầu

Đoạn video được đăng lên Facebook cho thấy khoảnh khắc cô bị bắn. Trong video, Mya Thwate Thwate Khaing đứng trước đám đông biểu tình đối mặt với cảnh sát chống bạo động.

Mặc áo phông đỏ và đội mũ bảo hiểm, lần đầu tiên Mya Thwate Thwate Khaing bị vòi rồng phun té xuống. Một người phụ nữ bên cạnh nắm lấy tay Mya Thwate Thwate Khaing và cố gắng dẫn cô đi. Khi họ quay lưng lại, có một vết nứt và Mya Thwate Thwate Khaing ngã nhào xuống đất. Cảnh sát tiếp tục xịt vòi rồng vào đám đông khi họ cố gắng chăm sóc cho Mya Thwate Thwate Khaing.

Ban đầu tôi không nghĩ rằng em ấy bị bắn, tôi nghĩ em ấy đã ngất đi vì tức giận”, chị gái của Mya Thwate Thwate Khaing, Mya Tha Toe Nwe, người có mặt ở đó cho biết.

Qua dòng nước mắt, Mya Tha Toe Nwe nói Mya Thwate Thwate Khaing là con út trong gia đình có 4 anh chị em.

"Tôi cảm thấy rất đau lòng. Chúng tôi chỉ còn một người mẹ, bố chúng tôi đã mất… Mẹ tôi cũng không thể chịu đựng nổi đứa con gái nhỏ của mình đang chết dần chết mòn như thế này”, cô nói với truyền thông.

Một bác sĩ bệnh viện nói với Reuters rằng Mya Thwate Thwate Khaing đã mất chức năng não đáng kể và không có khả năng sống sót.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết một thanh niên 20 tuổi cũng bị thương do trúng đạn nhưng đang trong tình trạng ổn định.

Ye Htut Aung cho biết quân đội đã cố gắng đưa em gái anh đến bệnh viện của họ nhưng gia đình từ chối.

Cả gia đình đều là những người ủng hộ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và bỏ phiếu cho đảng này trong cuộc bầu cử ngày 8.11. NLD đã giành chiến thắng nhưng quân đội nói rằng cuộc bầu cử là gian lận, để biện minh cho việc họ đảo chính và nắm chính quyền.

Đó là lần Mya Thwate Thwate Khaing bỏ phiếu đầu tiên, anh trai cô nói.

Giống như nhiều người ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình ở Myanmar, Mya Thwate Thwate Khaing cũng là một thiếu niên mà cho đến hôm 9.2 còn có cả cuộc đời phía trước.

Trong những bức ảnh đăng trên Facebook, Mya Thwate Thwate Khaing đứng trong khu vườn, mặc chiếc áo màu hồng in hình gấu hoạt hình, mái tóc dài hất ngược ra khỏi khuôn mặt.

Kể từ khi tin Mya Thwate Thwate Khaing gặp nạn được lan truyền, trang Facebook cá nhân của cô đã tràn ngập những bình luận ủng hộ. "Cố lên, cô gái trẻ", một người viết.

Theo báo The Irrawaddy (Myanmar), đoạn video lan truyền trên Facebook cho thấy Mya Thwate Thwate Khaing không cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát tại hiện trường. Cô đột ngột ngã quỵ sau khi đạn găm vào đầu khi đang núp vòi rồng dưới hầm trú ẩn ở trạm xe buýt.

Một bác sĩ từ đội y tế ở Naypyitaw, người yêu cầu giấu tên nói rằng viên đạn đã xuyên qua mũ bảo hiểm xe máy mà Mya Thwate Thwate Khaing đang đội và găm vào đầu cô.

Cô ấy đã chết não. Viên đạn găm vào đầu cô vẫn còn đó. Nó không thể được loại bỏ”, bác sĩ nói.

Ông nói thêm rằng Ma Mya Thwate Thwate Khaing không có cơ hội hồi phục vì cô đang được giữ sống bằng phương pháp hỗ trợ sự sống nhân tạo. Nữ sinh đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện 1.000 giường Naypyitaw.

Quân đội đã yêu cầu chuyển Ma Mya Thwate Thwate Khaing đến cơ sở của họ nhưng các bác sĩ tại bệnh viện Naypyitaw từ chối và giữ bệnh nhân cho họ chăm sóc.

Nhiều người tin rằng Ma Mya Thwate Thwate Khaing là mục tiêu trong đám đông khi mặc chiếc áo sơ mi màu đỏ, màu của NLD do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Một trong những người bạn thân của Ma Mya Thwate Thwate Khaing rằng trước khi cô bị bắn, họ đã lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 21 của cô vào 10.2.

Vụ nổ súng bị nhiều người tố cáo là hành động tàn bạo vì cảnh sát đã cố tình nhắm bắn những người biểu tình không mang vũ khí và không cố gắng vượt qua các vòng an ninh do chính quyền thiết lập.

Một bức ảnh lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một phó cảnh sát trưởng giám sát lực lượng an ninh ở Naypyitaw chĩa súng vào những người biểu tình khi họ đang bị phân tán dữ dội.

nu-sinh-bi-canh-sat-mynamar-ban-chet-nao1-2-.jpg
Phó cảnh sát trưởng chĩa súng vào người biểu tình

Một người biểu tình khác bị bắn vào ngực cũng phải nhập viện. Ít nhất 4 người khác cũng bị thương do súng nổ trong chiến dịch trấn áp.

Sau chiến dịch trấn áp tàn bạo của cảnh sát với người biểu tình ở Naypyitaw, Mandalay và các thành phố khác, văn phòng Liên Hợp Quốc tại Myanmar và Chính phủ Mỹ bày tỏ lo ngại về việc chế độ quân sự đối xử với những người biểu tình ôn hòa, tố cáo việc sử dụng vũ lực với họ là "không thể chấp nhận được".

Bài liên quan
Các tướng lĩnh Myanmar làm sập internet khi hàng ngàn người biểu tình phản đối đảo chính
Chính quyền của quân đội Myanmar đã đóng cửa internet ở nước này vào ngày 6.2 khi hàng ngàn người xuống đường ở thành phố Yangon để lên án cuộc đảo chính trong tuần này và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ sinh bị cảnh sát Myanmar bắn chết não khi phản đối đảo chính, Liên Hợp Quốc và Mỹ bức xúc