Dữ liệu cho thấy dưới thời Chính phủ Myanmar do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, người bị lật đổ hôm 1.2, quan hệ kinh tế với Trung Quốc suy yếu. Khi quân đội Myanmar nắm quyền, quan hệ song phương sẽ là chìa khóa cho các nỗ lực của chính phủ mới nhằm củng cố nền kinh tế.

Nợ Trung Quốc giảm sâu dưới thời bà Suu Kyi, Myanmar có thể rơi vào bẫy nợ khi quân đội nắm quyền

Nhân Hoàng | 07/02/2021, 09:31

Dữ liệu cho thấy dưới thời Chính phủ Myanmar do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, người bị lật đổ hôm 1.2, quan hệ kinh tế với Trung Quốc suy yếu. Khi quân đội Myanmar nắm quyền, quan hệ song phương sẽ là chìa khóa cho các nỗ lực của chính phủ mới nhằm củng cố nền kinh tế.

no-trung-quoc-giam-sau-duoi-ba-suu-kyi-myanmar-gap-rui-ro-khi-quan-doi-nam-quyen.jpg
Nỗ lực của Myanmar nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc không hề dễ dàng, đặc biệt là khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền bà Aung San Suu Ky

Dưới chính phủ do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi lãnh đạo, nền kinh tế Myanmar đã mở rộng quan hệ với phương Tây, kết quả là nợ Trung Quốc giảm 26%. Ngoài ra, thương mại với các nước phương Tây tăng lên và thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm xuống.

Nếu Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Myanmar. Chính quyền do quân đội lãnh đạo có thể một lần nữa chuyển sự chú ý sang Trung Quốc, quốc gia đang mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Trung Quốc đã coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một khu vực quan trọng với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2013.

Theo Refinitiv (một trong những nhà cung cấp dữ liệu và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính lớn nhất thế giới), khoản tài trợ của Trung Quốc liên quan đến BRI cho 10 nước ASEAN kể từ năm 2013 đã lên tới 304,1 tỉ USD, tương đương một nửa chi tiêu tài chính hàng năm của họ.

Trong đó, Myanmar, Lào và Campuchia là 3 quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Dù khoản tài trợ cho Myanmar ở mức 21,7 tỉ USD chưa bằng 1/3 so với Indonesia, nhưng cả Myanmar, Lào, Campuchia đều chấp nhận đầu tư và các khoản vay từ Trung Quốc lớn gấp 1,6 đến 2 lần so với chi tiêu tài chính hàng năm của họ.

no-trung-quoc-giam-sau-duoi-ba-suu-kyi-myanmar-gap-rui-ro-khi-quan-doi-nam-quyen3.jpg
Khoản nợ Trung Quốc của Myanmar, Lào và Campuchia từ 2015 đến 2019 (đơn vị tỉ USD)

Có thể dễ dàng nhận thấy Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến kinh tế Myanmar. Ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanamar - nơi cấm xe máy, xe buýt là thứ không thể thiếu khi người dân đi lại và hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc. Dù thương mại với Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ngày càng tăng, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà xuất nhập khẩu lớn nhất của Myanmar, chiếm hơn 30% kim ngạch thương mại. Tuy nhiên, Myanmar có lịch sử giữ mình khỏi tầm tay Trung Quốc để tránh bị nước láng giềng khổng lồ “nuốt chửng”.

Theo Ngân hàng Thế giới, nợ của Myanmar với Trung Quốc là 3,34 tỉ USD vào cuối năm 2019, giảm 26% so với cuối năm 2015, ngay trước khi chính phủ do NLD lên nắm quyền. Điều này trái ngược với mức tăng lần lượt là 72% và 34% ở các nước láng giềng Lào và Campuchia so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ nợ nước ngoài của Trung Quốc đã giảm từ khoảng 45% vào năm 2015 xuống còn khoảng 30% vào năm 2019.

Nếu rơi vào tình trạng vỡ nợ, Myanmar sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy nợ, trong đó buộc phải giao cơ sở hạ tầng quan trọng cho Trung Quốc. Myanmar đã nhận thức sâu sắc về điều này.

Một ví dụ về sự thay đổi trong chính sách của Myanmar là kế hoạch sửa đổi để xây dựng một cảng ở Kyaukpyu, nhìn ra Ấn Độ Dương. Cảng được kết nối với hai đường ống dài 870 km chở dầu và khí đốt tự nhiên đến tỉnh Vân Nam. Nếu các tàu lớn có thể vào cảng, dầu và khí đốt từ Trung Đông, châu Phi có thể được vận chuyển vào nội địa Trung Quốc mà không cần đi qua eo biển Malacca, một điểm nghẽn địa chính trị.

Quy mô của dự án này ban đầu được lên kế hoạch là 7,2 tỉ USD nhưng đã giảm xuống còn 1,3 tỉ USD khi đạt được thỏa thuận cơ bản vào tháng 11.2018. Các chi tiết của dự án đã được thay đổi theo yêu cầu của Myanmar và đầu tư bổ sung sẽ được quyết định khi biết thông tin chi tiết về cảng. Thế nhưng, nỗ lực của Myanmar nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc không hề dễ dàng.

Ví dụ, cuộc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya vào năm 2017 bị nước ngoài lên án mạnh mẽ và các công ty phương Tây đã trở nên thận trọng khi đầu tư vào Myanmar.

Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải chạy khỏi Myanmar để sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh từ năm 2017 đến nay, sau khi lực lượng an ninh Myanmar tiến hành chiến dịch trấn áp nhắm vào nhóm người thiểu số Hồi giáo này. Hiện có khoảng hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Hơn nữa, Mỹ và châu Âu đang xem xét các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền do quân đội lãnh đạo – có khả năng sẽ khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar bị đình trệ. Hôm 5.2, công ty Kirin Holdings (Nhật Bản) thông báo sẽ chấm dứt hai liên doanh bia tại Myanmar.

Nếu chính quyền bị cô lập hơn nữa, quân đội Myanmar có thể phải tiếp cận Trung Quốc - quốc gia có mối quan hệ lịch sử cũng như thận trọng trước các lệnh trừng phạt. Song vẫn chưa rõ liệu chế độ quân sự có đạt được điều mình muốn hay không.

Một nguồn tin của đảng Cộng sản Trung Quốc nói với Nikkei: " Cách xử lý vấn đề Myanmar cũng sẽ phụ thuộc vào Mỹ". Trung Quốc đang tìm cách đối thoại với Tổng thống Joe Biden.

Hôm 3.2, Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và là nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, cho biết: "Nhiệm vụ của cả Trung Quốc và Mỹ là khôi phục mối quan hệ theo hướng phát triển có thể dự đoán được, mang tính xây dựng".

Trung Quốc có chính sách "chờ và xem" hơn trong việc đối phó với cuộc đảo chính ở Myanmar. Điều này có nghĩa là chính quyền Myanmar cuối cùng sẽ chịu rủi ro với khoản đầu tư không chỉ từ Mỹ và châu Âu, mà còn từ Trung Quốc.

Các quốc gia phương Tây và Nhật Bản đang đối mặt với thách thức khó khăn trong việc đưa ra chính sách vừa ngăn Myanmar nghiêng về Trung Quốc, vừa ủng hộ nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á.

Bài liên quan
Các nhà mạng ở Myanmar chặn Facebook, Instagram, WhatsApp sau lệnh của chính phủ
Các nhà cung cấp internet ở Myanmar, gồm cả công ty viễn thông nhà nước MPT, đã chặn quyền truy cập vào các dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook tại nước này vào 4.2, vài ngày sau khi nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing nắm quyền trong một cuộc đảo chính hôm 1.2.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ Trung Quốc giảm sâu dưới thời bà Suu Kyi, Myanmar có thể rơi vào bẫy nợ khi quân đội nắm quyền