Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị mở rộng các biện pháp trừng phạt với các lực lượng vũ trang của Myanmar bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp do họ điều hành, để phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2, theo các nhà ngoại giao và hai tài liệu nội bộ được Reuters nhìn thấy.

Sau Mỹ, EU giáng đòn trừng phạt các doanh nghiệp quân sự hàng đầu Myanmar

Nhân Hoàng | 08/03/2021, 21:09

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị mở rộng các biện pháp trừng phạt với các lực lượng vũ trang của Myanmar bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp do họ điều hành, để phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2, theo các nhà ngoại giao và hai tài liệu nội bộ được Reuters nhìn thấy.

Các biện pháp có thể được các ngoại trưởng EU đồng ý vào ngày 22.3 sẽ nhắm vào các công ty “tạo ra doanh thu hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho lực lượng vũ trang Myanmar”.

Trong khi EU có lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar và đã nhắm vào một số quan chức quân sự cấp cao kể từ năm 2018, các biện pháp này sẽ là phản ứng quan trọng nhất cho đến nay kể từ cuộc đảo chính diễn ra hôm 1.2.

Các nhà ngoại giao EU nói với Reuters rằng hệ thống liên kết với hai tập đoàn quân sự, Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC), có thể là mục tiêu. EU sẽ ngăn cản các nhà đầu tư và ngân hàng trong khối làm ăn với họ.

Hệ thống liên kết với tập đoàn này trải rộng khắp nền kinh tế từ khai khoáng, sản xuất, thực phẩm, đồ uống, khách sạn đến viễn thông và ngân hàng. MEHL và MEC nằm trong số những tập đoàn đóng thuế nhiều nhất đất nước và tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài khi Myanmar mở cửa trong quá trình tự do hóa dân chủ.

Một phái bộ tìm hiểu thực tế của Liên Hợp Quốc vào năm 2019 đã khuyến nghị các biện pháp trừng phạt với MEHL, MEC và các công ty con, nói rằng họ đã cung cấp cho quân đội các nguồn thu bổ sung có thể tài trợ cho hành vi vi phạm nhân quyền.

Một phát ngôn viên của quân đội Myanmar đã không trả lời cuộc gọi tìm kiếm bình luận về kế hoạch mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU.

Tuần trước, EU cho biết đang đình chỉ các quỹ phát triển cho Myanmar, dù đến nay đã từ chối đóng băng các ưu đãi thương mại với nước này vì lo ngại tác động của chủ yếu là lao động nữ trong lĩnh vực dệt may.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Heiko Maas hôm 4.2 cho biết các biện pháp mới là một phần trong kế hoạch trừng phạt kinh tế của EU nhằm đáp trả cuộc đảo chính.

Với những biện pháp này, chúng tôi đang nhắm rất kỹ vào những người ra quyết định trong quân đội. Các lựa chọn khác, chẳng hạn như danh sách các công ty kinh tế của quân đội, đã có sẵn trên bàn và có thể được thực hiện trong thời gian ngắn”, ông Heiko Maas nói trước Quốc hội Đức.

Giống như phần lớn phương Tây, EU lên án cuộc đảo chính vào tháng trước lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo được bầu là Aung San Suu Kyi. Các ngoại trưởng trong khối này kêu gọi trả tự do cho bà và khôi phục chế độ dân sự.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi như vậy đã bị tướng lĩnh Myanmar phớt lờ. Cảnh sát và quân đội đã giết hơn 50 người để dập tắt các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày chống lại cuộc đảo chính.

Các biện pháp trừng phạt mới dự kiến ​​của EU nối tiếp quyết định từ Mỹ nhắm vào quân đội Myanmar và lợi ích kinh doanh của họ.

Ngoài ra, EU dự kiến sẽ đóng băng tài sản và cấm đi lại với các quan chức quân đội cùng cảnh sát bị cáo buộc đàn áp những người biểu tình chống lại cuộc đảo chính, dù tên tuổi họ vẫn đang được thảo luận.

Hôm 11.2, Mỹ áp lệnh trừng phạt với Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing cùng một số tướng lĩnh quân đội khác vì cuộc đảo chính.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào những quan chức quân sự hàng đầu Myanmar. Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Bộ Tài chính nhắm vào cả con cái hoặc vợ/chồng của những người bị trừng phạt.

"Bộ Tài chính xác định 10 quan chức quân sự, cả tại vị lẫn đã về hưu, chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính ngày 1.2 hoặc có liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar", Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.

Trong danh sách trừng phạt Mỹ mới đưa ra có tên Min Aung Hlaing, cấp phó của ông là Soe Win cùng 4 thành viên khác thuộc Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar.

Động thái trên sẽ ngăn các tướng lĩnh Myanmar tiếp cận hơn 1 tỉ USD trong các quỹ của chính phủ nước này tại Mỹ. Cụ thể hơn, chính quyền Biden chặn quân đội Myanmar chuyển 1 tỉ USD khỏi tài khoản Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York). Xem chi tiết tại đây.

Các biện pháp trừng phạt cũng tác động tới Tập đoàn Myanmar Ruby và Myanmar Imperial Jade, các doanh nghiệp do chính quyền kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho hay Mỹ sẵn sàng có những hành động bổ sung nếu quân đội Myanmar không thay đổi.

Hôm 4.3, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới với quân đội Myanmar, đưa thêm Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ cùng hai tập đoàn MEHL và MEC vào danh sách đen thương mại.

Song, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được cho là sẽ có ít ảnh hưởng đến Myanmar, do Mỹ ít vận chuyển hàng hóa tới Myanmar và hai tập đoàn này không phải là nhà nhập khẩu lớn.

eu-giang-don-trung-phat-cac-doanh-nghiep-quan-su-myanmar.jpg
Một phụ nữ giơ ba ngón tay chào trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Thủ đô Naypyitaw, Myanmar ngày 8.3

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 nhưng quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ đã bị dừng lại bởi cuộc đảo chính lật đổ chính phủ đang chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.

Quân đội đã trích dẫn có gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử tháng 11.2020 là lý do biện minh cho việc tiếp quản chính quyền của họ. Ủy ban bầu cử Myanmar bác bỏ cáo buộc gian lận.

Reuters cho biết 3 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình sáng
Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 tại thị trấn Myitkyina, bang Kachin, Myanmar. Các nhân chứng nói rằng cảnh sát ném lựu đạn gây choáng và bắn hơi cay vào người biểu tình. Sau đó, đạn được bắn ra từ các tòa nhà gần đó khiến 3 người chết.

Các cửa hàng, nhà máy và ngân hàng tại thành phố Yangon lớn nhất Myanmar đóng cửa sau khi các công đoàn lớn ở Myanmar kêu gọi đóng cửa nền kinh tế để phản đối chính quyền quân sự.

Ít nhất 9 công đoàn bao gồm các ngành như xây dựng, nông nghiệp và sản xuất đã kêu gọi tất cả người dân Myanmar ngừng làm việc để phản đối cuộc đảo chính và khôi phục chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

Người biểu tình tiếp tục treo trang phục và đồ lót phụ nữ trên dây ngang đường trong 8.3. Việc này để làm chậm bước tiến của cảnh sát và binh lính Myanmar vì bước qua dưới đồ che vùng kín phụ nữ được xem là kém may mắn cho đàn ông nước này.

Bài liên quan
Gần 60 người biểu tình chết, báo tiếng Anh của quân đội Myanmar đưa tin đậu, mù tạt lên trang nhất
“Chào mừng bạn đến với tin tức thay thế, theo phong cách Myanmar”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau Mỹ, EU giáng đòn trừng phạt các doanh nghiệp quân sự hàng đầu Myanmar