Liệu ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc có thể phục hồi trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip sâu rộng do chính quyền ông Biden đưa ra, bao gồm cả việc hạn chế người Mỹ làm việc trong các dự án chip tiên tiến ở Trung Quốc?
Trong tài liệu dài 139 trang được ban hành vào ngày 7.10, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã cập nhật những hạn chế với khả năng của Trung Quốc trong việc mua công nghệ chip cao cấp, thiết bị và thậm chí sử dụng nhân tài từ Mỹ.
Không giống các lệnh trừng phạt trước đây nhắm vào các công ty cụ thể như Huawei và SMIC (nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc), hoặc các quy định cấm xuất khẩu chip từ các nhà cung cấp của Mỹ như Nvidia, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới dường như “lật không sót hòn đá nào”.
“Đây có lẽ là thời điểm khó khăn và lạnh giá nhất với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, Gu Wenjun, nhà theo dõi ngành lâu năm tại công ty nghiên cứu ICwise có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, viết trong một nghiên cứu.
“Trong khi các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp cụ thể như Huawei và SMIC, thì không nghi ngờ gì bây giờ Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện để ngừng phát triển chip tiên tiến ở Trung Quốc. Một cuộc chiến được công khai", Gu Wenjun nhận định.
Một báo cáo của Fathom China, nhóm nghiên cứu nội bộ tại công ty Gavekal Dragonomics, đã đi xa hơn khi nói rằng nhiều công ty bán dẫn quan trọng nhất của Trung Quốc sẽ bị “phá hủy, hư hại hoặc bị giới hạn” bởi các biện pháp mới nhất từ Mỹ.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Không một công ty Trung Quốc nào, dù chỉ tham gia ngoại vi vào ngành công nghiệp bán dẫn, là không bị ảnh hưởng”.
Các hạn chế mới của Mỹ đã được công bố một tuần trước đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, diễn ra từ ngày 16 đến 22.10. Trong bài phát biểu quan trọng, thường đặt ra giai điệu cho các chính sách tương lai của Trung Quốc trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của “an ninh”, bao gồm an ninh chuỗi cung ứng và khả năng tự cung tự cấp công nghệ. Dù ông Tập Cận Bình không đề cập cụ thể đến Mỹ hoặc các biện pháp mới nhất của nước này, thông điệp của ông rất rõ ràng: Trung Quốc phải tìm cách tự lực cánh sinh trong các công nghệ then chốt như chip.
Trung Quốc chưa đưa ra biện pháp trả đũa
Phản ứng từ chính phủ Trung Quốc với các hạn chế của Mỹ phần lớn chỉ là lời nói. Gọi động thái này là hành động "bắt nạt công nghệ" nhưng Trung Quốc đã không nêu ra các biện pháp trả đũa. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn gọi hành động của Mỹ là “độc đoán” và “phân biệt đối xử”.
Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách thêm các doanh nghiệp Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy hoặc trừng phạt các công ty Mỹ theo luật, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch đáp trả theo cách này.
Trong khi đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm cách tồn tại trong môi trường mới đầy khó khăn. Một phản ứng ngay lập tức có thể là tìm kiếm sự khoan hồng từ chính phủ Mỹ thông qua việc tuân thủ, đặc biệt là với 31 công ty Trung Quốc đã bị thêm vào danh sách chưa được xác minh. Nếu đồng ý với cuộc kiểm toán của Mỹ, các công ty trong danh sách này có thể tránh bị thêm vào danh sách thực thể nghiêm ngặt hơn, vốn cấm họ sử dụng công nghệ của Mỹ mà không có giấy phép.
Chẳng hạn, Naura Technology Group, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở tại Bắc Kinh, đã yêu cầu các kỹ sư Mỹ của công ty tạm dừng công việc nghiên cứu và có các cuộc thảo luận ban đầu với các quan chức chính phủ Mỹ sau khi công ty con là Beijing Naura Magnetoelectric Technology bị thêm vào danh sách chưa được xác minh.
YMTC, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc, cũng nằm trong danh sách chưa được xác minh. YMTC cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng hoạt động kinh doanh của họ tuân thủ các quy định toàn cầu, gửi một tín hiệu về sự tuân thủ dù không trực tiếp giải quyết các biện pháp của Mỹ.
Tờ Financial Times cho biết YMTC cũng đã yêu cầu các nhân viên có hộ chiếu hoặc thẻ xanh Mỹ ngừng tham gia hoạt động sản xuất chip.
Tuy nhiên, những phản ứng kỹ thuật này chỉ nhằm giảm thiểu tác hại trong ngắn hạn. Câu hỏi lớn vẫn chưa được trả lời: Làm thế nào Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển công nghệ chip của mình dưới sự hạn chế của Mỹ?
Theo các quy định cập nhật, khi Trung Quốc có thể bị cắt đứt dịch vụ và nguồn cung cấp vào thời điểm chip hoặc công nghệ sản xuất của họ đạt đến ngưỡng kỹ thuật nhất định, ngành công nghiệp địa phương có thể bị bỏ lại vĩnh viễn. Như Thea D. Rozman Kendler, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách quản lý xuất khẩu tại BIS, cho biết mục đích của các biện pháp là “duy trì càng nhiều càng tốt vị trí dẫn đầu so với Trung Quốc”.
Biren Technology, công ty khởi nghiệp về thiết kế chip ở Thượng Hải, được coi là một trong những niềm hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để thay thế các chip đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến (GPU) có nguồn gốc từ Nvidia (Mỹ). Thế nhưng, TSMC đã đình chỉ sản xuất silicon tiên tiến cho Biren Technology để đảm bảo tuân thủ các quy định của Mỹ. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.
Động thái này được đưa ra sau khi TSMC, dựa trên công nghệ cốt lõi của Mỹ để chế tạo đĩa bán dẫn, xác định rằng việc sản xuất chip cao cấp cho Biren Technology có thể vi phạm các hạn chế của Mỹ.
Một cựu kỹ thuật viên cấp cao của Huawei, người đã chứng kiến những khó khăn mà hoạt động thiết kế chip của công ty gặp phải sau khi bị đưa vào danh sách thực thể Mỹ, cho biết các lệnh trừng phạt có thể "gây chết người" với nhiều công ty thiết kế chip của Trung Quốc.
Anh cho biết các quy tắc của Mỹ có thể là vấn đề với bất kỳ công ty thiết kế chip Trung Quốc nào liên quan đến chip trí tuệ nhân tạo (AI), GPU và bộ xử lý trung tâm (CPU), vì họ cần các xưởng đúc tiên tiến như TSMC và Samsung Electronics để biến thiết kế của họ thành silicon thành phẩm.
SMIC có khả năng chế tạo chip 14 nanomet nhưng đã phải vật lộn để mở rộng công nghệ của mình xuống dưới 10 nanomet sau khi bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 12.2020. Ngược lại, TSMC và Samsung Electronics đang tiến gần đến sản xuất chip 3 nanomet.
Do đó, các hạn chế sẽ phủ bóng đen lâu dài lên các công ty thiết kế chip Trung Quốc, với con số 2.810 tính đến tháng 12.2021. Công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực này từng là HiSilicon, đơn vị thiết kế chip nội bộ của Huawei, nhưng đã tụt hạng sau khi mất quyền truy cập vào TSMC do lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Các hạn chế với các xưởng đúc bán dẫn của Trung Quốc cũng rất khắc nghiệt, cấm họ mua các công cụ sản xuất chip tiên tiến mà không có giấy phép từ Mỹ. SMIC có thể thấy trình độ công nghệ của mình đã quay trở lại năm 2011, theo Fathom China.
“Năm nay SMIC cuối cùng cũng sản xuất hàng loạt chip với quy trình 14 nanomet. Nếu các máy 14 nanomet của SMIC không còn hoạt động, công ty có thể chuyển sang sử dụng 28 nanomet, quy trình mà Đài Loan đã đưa vào sản xuất hàng loạt hồi năm 2011”, theo Fathom China.
Công ty luật ArentFox Schiff (có trụ sở tại Washington, Mỹ) lưu ý rằng các biện pháp kiểm soát người dùng cuối mới nhất về cơ bản đặt các doanh nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vào vị trí tương tự như các công ty đã có trong danh sách thực thể, “mà không thực sự phải liệt kê chúng”.
Dan Pickard, chuyên gia thương mại quốc tế và an ninh quốc gia kiêm luật sư tại công ty Buchanan Ingersoll & Rooney, cho biết: “Lệnh cấm bán chip của Mỹ gần đây là một phần trong xu hướng tiếp tục thắt chặt kiểm soát an ninh quốc gia với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này về cơ bản cắt giảm một phần đáng kể các mặt hàng nhập khẩu đó và sẽ dẫn đến việc Trung Quốc thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung ứng chip từ Đài Loan”.
Gregory C. Allen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nói rằng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã thể hiện sự sẵn sàng hơn trong việc ngăn chặn “các vụ mua lại do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và ép buộc chuyển giao công nghệ”.
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải bắt đầu lại từ đầu với việc phát triển nhiều công nghệ hơn là mua lại công nghệ nước ngoài. Gregory C. Allen nói thêm: “Giá thành tăng xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu có thể đang tiến tới suy thoái”.
Khủng hoảng lan tỏa nhưng...
Các nhà phân tích cho biết cảm giác khủng hoảng đã lan tỏa trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Các nhà phân tích tại Anbound, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, viết trong một ghi chú: “Cuộc bao vây có hệ thống và các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với ngành bán dẫn của Trung Quốc đang trở thành một mạng lưới hạn chế dày đặc, thắt chặt hơn. Tình hình thực sự là ảm đạm".
Tác động từ các hạn chế của Mỹ dự kiến sẽ xảy ra trong những tháng tới hoặc thậm chí nhiều năm. Một lĩnh vực quan trọng cần theo dõi sẽ là phản ứng của các công dân Mỹ làm việc trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Với nhiều giám đốc điều hành chip của Trung Quốc đang học tập tại Mỹ và tích lũy kinh nghiệm làm việc ở đó, cộng đồng người Mỹ (công dân Mỹ nhập tịch hoặc người có thẻ xanh) đã không thể thiếu với sự phát triển của ngành công nghiệp chip địa phương.
Một đánh giá về hồ sơ các công ty Trung Quốc niêm yết, bao gồm AmLogic, Advanced Micro-Fabrication Equipment of China (AMEC), 3Peak, Starpower Semiconductor, ACM Research and Halo Microelectronics, cho thấy hàng chục lãnh đạo trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc có quốc tịch Mỹ. Hiện tại, không ai trong số này công khai kế hoạch của mình, dù là xin phép chính quyền Biden để tiếp tục làm việc ở Trung Quốc hay từ bỏ quốc tịch Mỹ của họ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không phải mất tất cả vì trong nhiều thập kỷ đã xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ trong các công nghệ bán dẫn trưởng thành, vốn không nằm trong các hạn chế của Mỹ. Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn khó có thể từ bỏ với nhiều công ty công nghệ Mỹ. Sau khi các hạn chế được công bố, các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ như Lam Research và Applied Materials đã cảnh báo về khả năng mất doanh thu hàng tỉ USD.
Trung Quốc cũng đang thử cách tiếp cận “toàn thể nhà nước” mới, để tập hợp đội ngũ nhân tài sâu rộng của đất nước và đội quân các doanh nghiệp sáng tạo, được tài trợ bởi túi tiền sâu rộng của chính phủ, để đạt được những đột phá có thể loại bỏ công nghệ cốt lõi từ Mỹ.