Bom cùng nhiều vũ khí khác đều chứa chì, thủy ngân và thuốc nổ TNT... nên một khi xung đột kết thúc, các chất độc sẽ là mối đe dọa tiềm ẩn cho người dân, gia súc và môi trường ở Ukraine.
Theo báo Đức Deutsche Welle, lựu đạn, mìn và các chất nổ khác đã tàn phá những tòa nhà, thải amiăng vào môi trường. Các cơ sở lọc dầu tại Ukraine cũng bị tấn công, khiến dầu mỏ và nhiều chất hóa học rò rỉ vào đất, hệ thống nước. Đó là chưa kể đạn dược cũng chứa các chất độc hại.
Reuters cho biết ít nhất 10,5 triệu hecta đất nông nghiệp ở Ukraine đã bị nhiễm các hóa chất. Một khi chúng thẩm thấu vào đất và nước ngầm, con người có nguy cơ ăn phải chúng qua rau quả, thịt và nước uống. Các nhà nghiên cứu nói rằng không thể biết các chất độc này tác động đến con người thế nào.
Các chất nổ và kim loại nặng
“Chúng ta mới chỉ bắt đầu xử lý đạn dược bỏ lại dưới biển”, Edmund Maser, Giám đốc Viện Nghiên cứu chất độc thuộc Đại học Bệnh viện ở Kiel (Đức) nói với báo Deutsche Welle.
Có nhiều thắc mắc chưa được giải đáp, nhưng cuộc nghiên cứu của nhóm Maser đã khiến họ đi đến kết luận rằng các chất độc là tin xấu cho những sinh vật.
Nhóm Maser ước tính có 1,6 triệu tấn đạn dược rỉ sát đang nằm dưới đáy Biển Baltic và Biển Bắc thuộc lãnh thổ Đức. Khi số đạn dược này bị ăn mòn, chúng giải phóng các hóa chất độc hại vào nước biển và đe dọa hệ sinh thái. Những chất độc đó cuối cùng có thể nằm trong cá và các loại hải sản khác mà con người ăn.
Chất nổ và các kim loại nặng là những thành phần nguy hiểm nhất trong đạn dược, bao gồm TNT (Trinitrotoluene). “Thông qua các thử nghiệm trên chuột, chúng tôi biết TNT là chất độc”, theo Maser, người đã quan sát cách TNT gây độc hại cho hệ sinh thái biển.
Ông Maser cũng bổ sung rằng một số kim loại nặng khác như thạch tín và cadmium cũng là tác nhân gây ung thư. “Trên hết, kíp nổ có chứa kim loại nặng, chẳng hạn như thủy ngân hoạt động như một loại chất xúc tác khiến TNT phát nổ nhanh hơn”, ông nói.
Theo ông Maser, là một kim loại nặng, thủy ngân cũng gây hại cho các tế bào thần kinh và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Chì cũng có tác dụng tương tự và có thể gây rối loạn phát triển hoặc sảy thai.
Nhà nghiên cứu Kateryna Smirnova, Viện Nghiên cứu khoa học đất và hóa chất nông nghiệp Sokolovsky thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, nói rằng các mẫu đất lấy ở Kharkiv - một trong những trận địa lớn ở đông Ukraine - đã cho thấy nồng độ chì và cadimi ở mức độ cao.
Oksana Naidyonova, nhà vi trùng học tại Viện Sokolovsky, cho biết các kim loại nặng có tác động tiêu cực lên vi khuẩn trong đất. “Chúng ức chế sự phát triển của cây trồng và việc cung cấp các vi chất dinh dưỡng, dẫn đến các khiếm khuyết về sinh lý và làm giảm khả năng chống chịu bệnh tật của cây trồng”.
Nhưng Maser nói không nhất thiết các chất này sẽ lưu lại trong đất. Chẳng hạn gió có thể thổi bay TNT hay mưa có thể vùi vài hóa chất xuống đất sâu hơn, sau đó các chất này hòa vào nước và làm nhiễm độc sông hồ.
Dựa trên nghiên cứu ở Biển Bắc và Biển Baltic, Maser cho biết có thể các hóa chất chế tạo vũ khí ở Ukraine sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Ông lo ngại mọi người có thể gặp nguy hiểm nếu họ ăn cá bị nhiễm độc.
Maser nói: “Nếu trời mưa, các hóa chất độc hại sẽ thấm vào nước ngầm và điều đó có nghĩa là nước uống có nguy cơ bị ô nhiễm. Nếu nước bị ô nhiễm theo cách này, thực vật có thể tiêu thụ thủy ngân và các hóa chất khác. Nếu những cây này là cây trồng như lúa mì hoặc rau, thì những hóa chất tương tự sẽ xuất hiện trên bữa ăn tối của chúng ta”.
Đất của Ukraine có nhiễm độc mãi mãi?
Maser cho rằng chiến sự sẽ khiến Biển Đen - khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam của Ukraine, nơi đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh - lâm vào tình trạng tương tự như Biển Bắc và Biển Baltic khi cuộc xung đột kết thúc. Ông nói nơi đó sẽ là một vùng biển đầy đạn dược độc hại dễ bị lãng quên.
Nhóm của Maser đang tìm cách tách TNT độc hại ra khỏi nước. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng vi khuẩn có thể làm được điều đó”.
Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy mẫu vật nào có thể triển khai một cách có hệ thống. Nhà độc chất học cho biết có thể loại bỏ lớp đất trên cùng ở Ukraine và sử dụng các quy trình khác nhau để chiết xuất kim loại nặng và thuốc nổ TNT. Tuy nhiên, những phương pháp như vậy rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Các chuyên gia ở Viện Sokolovsky ước tính tổng thiệt hại có thể lên đến hơn 15 tỉ USD. Nhưng họ nhấn mạnh rằng đó chỉ là tính toán sơ bộ.
“Trong bất kỳ trường hợp nào khi chúng ta nói đến việc loại bỏ các kim loại nặng, tất cả những gì chúng ta muốn nói là di chuyển chúng từ vị trí này sang vị trí khác, nơi chúng ít có khả năng gây hại cho con người và sinh vật sống khác. Như Maser đã nói, kim loại nặng mãi mãi là kim loại nặng và bạn không thể loại bỏ chúng”, các chuyên gia cho biết.