1. Vương Thế Anh sinh năm 1905 tại huyện Hồng Động, tỉnh Sơn Tây. Năm 1925, khi mới tròn 20 tuổi, Vương gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Tới năm 1929, theo chỉ thị của cấp trên, Vương Thế Anh trà trộn vào quân đội của quân phiệt Diêm Tích Sơn, hoạt động binh vận bí mật. Bốn năm sau, Vương Thế Anh được điều động về cơ quan tình báo của trung ương, giúp đỡ công việc cho Phan Hán Niên.
Tháng 12/1934, đội quân vũ trang hoạt động bí mật của Đảng Cộng sản tại các khu vực Quốc dân Đảng chiếm đóng bị phát hiện, hầu hết đều bị bắt hoặc bị giết. Vương Thế Anh chính là người đã nhanh chóng tổ chức lại đội quân này, giết được kẻ chỉ điểm, cứu được người phụ trách cơ quan tình báo của đảng Cộng sản khi đó là Vũ Hồ Cảnh. Một năm sau đó, cũng chính Vương Thế Anh là người đã tổ chức, lên kế hoạch di chuyển gần 500 đảng viên hoạt động bí mật tại Thượng Hải, trong số đó có không ít người sau này là lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc.
Năm 1938, Vương Thế Anh kết thúc công việc tại những vùng bị Quốc dân Đảng kiểm soát như Nam Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân, đem cả nhà tới căn cứ địa Diên An. Tuy nhiên, vào lúc này, Vương Thế Anh cảm thấy nội bộ đảng Cộng sản TQ đang xảy ra điều gì bất thường. Những người hoạt động bí mật tại khu vực Quốc dân Đảng người thì bị bắt, người bị đuổi ra khỏi Diên An. Những người được ở lại thì không được tín nhiệm, chẳng được sắp xếp công việc gì. Bản thân Vương Thế Anh dù có rất nhiều cống hiến nhưng không được sắp xếp bất cứ công việc nào.
Cũng trong thời gian này, Vương Thế Anh nghe được tin Mao Trạch Đông muốn kết hôn với Giang Thanh. Vương cảm thấy rất kinh ngạc, bởi lẽ Vương từng là lãnh đạo tình báo tại Thượng Hải nên rất biết những câu chuyện về đời sống riêng tư của Giang Thanh khi còn là diễn viên ở Thượng Hải. Vương biết rằng khi còn ở Thượng Hải, tiếng tăm của Giang Thanh không phải hay ho gì.
Tuy nhiên, điều khiến Vương kinh ngạc chính la, vì sao Giang Thanh lại từ Thượng Hải chạy tới Diên An và kinh ngạc hơn chính là Giang Thanh lại có thể kết hôn với Mao Trạch Đông.
Ban đầu, Vương Thế Anh còn không tin Giang Thanh là người mình đã biết trước kia tại Thượng Hải. Vì thế, Vương đã tới đại lễ đường trung ương để tìm Giang Thanh. Ngay khi nhìn từ xa, Vương đã thầm nhủ, Giang Thanh chính là cô diễn viên Lam Bình đầy tai tiếng mà mình từng biết. Ngay sau đó Vương cùng với những người biết rõ nguồn gốc của Giang Thanh đã vận động bạn bè cùng nhau ký tên vào một bức thư gửi Mao Trạch Đông, kiến nghị không nên kết hôn với người có quá khứ như Giang Thanh.
Bức thư được gửi lên cho Trương Văn Thiên. Trương thấy nội dung thư nghiêm trọng lại liên quan tới Mao nên chuyển bức thư cho Khang Sinh. Khang Sinh khi đó đang làm ở Bộ Điều tra xã hội nên được giao nhiệm vụ điều tra về Giang Thanh. Kết quả sau đó thì mọi người đều đã biết. Khang Sinh tuyên bố Giang Thanh hoàn toàn không có bất cứ vấn đề gì về chính trị. Đám cưới giữa Mao và Giang Thanh vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, chính vì chuyện này mà sau đó, Khang Sinh và Giang Thanh đã tìm mọi cách để dồn Vương Thế Anh vào chỗ chết.
2. Năm 1942, đảng Cộng sản Trung Quốc triển khai cuộc vận động chỉnh đốn tác phong, Vương Thế Anh thấy rất nhiều đồng chí của mình bị vu cáo là đặc vụ (của Quốc dân Đảng) nên đã viết một báo cáo khiếu nại cho họ. Vương còn lấy tư cách đảng viên của mình để đảm bảo. Lúc bấy giờ có hai người là Từ Tông Nhan và Chu Tuấn Liệt, do bị sức ép quá lớn đã phải thừa nhận mình là đặc vụ của Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, Vương vẫn dám đứng ra bảo đảm rằng họ bị oan. Điều này khiến Khang Sinh không vừa lòng. Khang Sinh nhiều lần dọa nạt, chửi mắng Vương, thậm chí còn cho rằng Vương chính là đặc vụ của Quốc dân Đảng.
Trước sự điên cuồng của Khang Sinh, Vương Thế Anh trước sau chỉ hút thuốc, không đáp lại câu nào. Sau đó, Mao Trạch Đông có lần cho gọi Vương Thế Anh tới gặp mình. Vương vừa bước vào cửa thì phát hiện Mao đang cùng mọi người đánh bài. Ban đầu, Mao không nói gì, chỉ bảo Vương ngồi xuống đánh bài cùng. Sau đó, thấy Vương không nói không rằng, Mao mở lời, nói: “Thế Anh, nghe nói có người nói cậu là đặc vụ?”, Vương đáp: “Chủ tịch, tôi có phải là đặc vụ hay không thì chờ 10 năm nữa sẽ biết!”. Mao Trạch Đông nói: “Thái độ của cậu như vậy rất tốt! Đúng là vàng thật chẳng sợ lửa!”.
Tới năm 1962, mâu thuẫn giữa Vương Thế Anh và Khang Sinh càng trở nên kịch liệt hơn. Khi đó, Khang Sinh vu cáo Vương Siêu Bắc, giám đốc tổng công ty xuất nhập khẩu khoáng sản và kim loại, là nội gián, còng tay nhốt vào ngục. Vương Thế Anh biết chuyện, lập tức tới gặp Khang Sinh giải thích rõ: “Vương Siêu Bắc trong thời kỳ kháng chiến (chiến tranh chống Nhật) làm việc dưới quyền của tôi, từng cống hiến rất nhiều. Khi chúng ta khó khăn nhất, anh ta là người đem điện đài, vật tư tới Diên An. Nay không cần nữa thì đá anh ta đi, thật là khiến người ta đau lòng”. Trước những lời bày tỏ của Vương, Khang Sinh hoàn toàn không để ý. Để bảo vệ đồng chí của mình, Vương tiếp tục đấu với Khang Sinh, nhiều lần viết thư gửi cho Ban tổ chức trung ương. Khang Sinh vô cùng tức giận, hai bên thường xuyên tranh cãi tới đỏ mặt tía tai.
Khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Khang Sinh đã lợi dụng quyền lực và phe cánh của mình để trả thù Vương Thế Anh. Con trai Vương Thế Anh là Vương Mẫn Thanh sau này nhớ lại, hôm đó, bọn tạo phản xông vào nhà Vương hét lớn: “Vương Thế Anh, đứng dậy khai báo tội trạng của ngươi!”. Nói xong, họ xông vào tát tới tấp vào mặt Vương Thế Anh. Tới ngày 4/10/1967, tổ chuyên án phái người tới bắt Vương Thế Anh đi phê đấu rồi giam luôn, không cho Vương về nhà nữa.
Để buộc Vương Thế Anh xác nhận Lưu Thiếu Kỳ là phản đồ, Giang Thanh đã tự mình lên kế hoạch và phê chuẩn việc thẩm vấn Vương Thế Anh. Cùng thời điểm đó, nhà của Vương cũng bị lục soát. Việc lục soát được tiến hành vô cùng kỹ càng nhằm tìm ra chứng cứ buộc tội Vương. Ngay cả mái nhà cũng bị lật tung. Tất cả những thứ quý giá trong nhà đều bị tịch thu mang đi hết. Nước sạch và lò sưởi cũng bị cắt.
Ngày 17/1/1968, trên giường bệnh Vương Thế Anh viết vào nhật ký của mình rằng: “Cống hiến cho đảng mấy chục năm, đến khi sắp chết lại nói tôi là phần tử phản cách mạng, có chết tôi cũng không nhận... Lịch sử của cá nhân là do tự mình tạo ra, không phải phản cách mạng thì có đánh cũng không đánh đổ được”. Tháng 2 năm đó, bệnh tình của Vương Thế Anh ngày một nặng thêm, phải tiến hành xạ trị. Tuy nhiên trong lúc đó, Vương vẫn bị coi là trọng phạm, không được tự do, ngược lại thường xuyên bị thẩm vấn ngay trên giường bệnh. Đến ngày 23/3, khi bị thẩm vấn, Vương Thế Anh hét vào mặt hai người canh gác mình: “Khang Sinh mới là kẻ có vấn đề”. Câu nói này của Vương khiến Giang Thanh nổi giận, càng tìm mọi cách để bức hại Vương. Tới ngày 26/3, Vương Thế Anh trút hơi thở cuối cùng trong sự oan ức.
Đại Nam – Hôn Nhân Pháp Luật