Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 17: Mổ bụng tượng Phật tìm vàng

07/07/2014, 05:00

Người ta có dịp cảm nhận mùi vị của “vô thường” qua một vài hình ảnh hiếm hoi chụp chiếc máy bay chở Lâm Bưu bị rơi, tan nát từng mảng, xác chết nằm dưới đất cháy đen và biến dạng không nhận ra được là ai …

Thật khác hoàn toàn với hình ảnh của Lâm Bưu vào 5 năm trước đó, ngày 18.8.1966, đứng cạnh Mao Trạch Đông trước hơn một triệu dân chúng Bắc Kinh trong tiếng nhạc “Đông phương hồng”. Nhạc dứt, Lâm Bưu đọc diễn văn mở đầu cách mạng văn hóa, với những lời lẽ cứng rắn, hiệu triệu:

- Mao Chủ tịch chủ trương phát động Đại cách mạng văn hóa của giai cấp vô sản, là một việc làm vĩ đại chưa từng có (…).Chúng ta cần phải phá tan tất cả tư tưởng của giai cấp bóc lột, phá tan văn hóa cũ, tập quán cũ, phong tục cũ (…), cần quét sạch bọn sâu mọt hại dân, gạt bỏ tảng đá ngáng đường sang một bên !.

Có mặt ở lễ đài Thiên An Môn lúc đó, vệ sĩ Trường Giang nhận xét: “giọng nói the thé của Lâm Bưu sặc mùi thuốc súng”. Để rồi cả triệu Hồng vệ binh bị kích động tràn khắp các thành phố biểu dương lực lượng và đập phá không nương tay. Sách báo Trung Quốc nêu nhiều con số được giải mật đáng sợ: ngay giữa Bắc Kinh, Hồng vệ binh phá hoại 4.922 trong số 6.843 di tích cổ, tràn vào lục soát 11,4 vạn nhà, truy tìm “tàn dư văn hóa cũ”, thẳng tay châm lửa đốt hàng vạn cuốn sách do nguyên bộ trưởng Nguyên Bá Chương sưu tập. Bọn họ xâm nhập cả vào Khổng miếu, đòi san bằng mộ địa của Khổng Tử nằm ở ngoại ô phía bắc thành phố Khúc Phụ, dám hạ cả tượng Khổng Tử xuống và triệt bỏ một số văn bia. Nhiều lăng mộ của tiền nhân từ Thành Cát Tư Hãn đến Chu Nguyên Chương, từ Ngô Thừa Ân đến danh họa Từ Bi Hồng - bị bôi nhọ hoặc xâm hại tùy thích.

Nếu giữa thủ đô Hồng vệ binh bắt đầu “hoạt động cách mạng” bằng việc đập phá tượng Thích-ca Mâu-ni đặt trên Phật Hương Các tại Di Hòa Viên thì tiếp đó lan rộng cả nước, tới cả Khu tự trị Tây Tạng. Sáp nhập Trung Quốc vào đầu thập niên 1950 và chính thức trở thành Khu tự trị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1965, Tây Tạng phải hứng chịu cơn lốc cách mạng văn hóa cuốn tới sau đó không lâu. Phần phụ lục cuốn Con đường mây trắng, nguyên tác của Anagarika Govinda, Nguyễn Tường Bách dịch (NXB Trẻ, TP. HCM 2001), có đoạn: “Cách mạng Trung Quốc năm 1966, Hồng vệ binh (Red Guard) đã phá hủy khoảng 2.700 ngôi đền (…). Tu viện Tsaparang cũng như số phận của các tu viện chùa chiền tại Trung Quốc và Tây Tạng phải chịu sự hủy phá do con người gây ra”. Nhiều tranh tượng do Govinda mô tả trong tác phẩm của mình những năm trước cách mạng văn hóa nay đã mất hẳn hoặc hư hại sau thảm kịch đó: “các tượng Phật đã bị hủy hoại nhiều, tượng nào cũng bị mổ ngực, mổ bụng vì người ta hy vọng tìm thấy vàng bạc trong đó”. Nguyễn Tường Bách dẫn chứng “tượng Đại Nhật Phật - còn có tên là Tì-lô-giá-na (Vairocana) trong đền thờ màu trắng của tu viện Tsaparang đã bị con người mổ ngực tìm vàng. Hình tượng này (Pháp thân) một mặt biểu hiện trình độ nghệ thuật xuất sắc của nghệ nhân Tây Tạng ngày xưa, mặt khác cho thấy sự thô bạo của con người thời nay”. Trung Quốc là nơi Phật giáo có mặt từ đầu công nguyên, thời Hán Minh đế, với ngôi chùa được xây đầu tiên: Bạch Mã và có cả thời hoàng kim dưới triều đại nhà Tùy (581-618), nhà Đường (618-907). Và chính Trung Quốc lần đầu tiên du nhập Phật pháp vào Tây Tạng qua sự kiện:

Vua Đường Thái Tông gả công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Can Bố. Ngày về nhà chồng, công chúa Văn Thành đã mang theo một tượng Phật đến triều đình Tây Tạng và đó là tượng Phật đầu tiên an vị tại Tây Tạng. Đến thời hiện đại, cuộc “đại cách mạng văn hóa” quay lưng với quá khứ, đập phá tượng Phật, triệt hạ chùa chiền theo chủ trương Mao Trạch Đông và hai lãnh đạo hàng đầu của “đại cuộc” : Lâm Bưu và Giang Thanh.

Phần Giang Thanh, ở độ tuổi thanh xuân cũng có chút “duyên” đến với Phật đài.

Nguyên trước ngày làm vợ Mao Trạch Đông, Giang Thanh đã chìm đắm trong một cuộc tình lãng mạn vào năm 22 tuổi (1936) và cùng người yêu của mình (Đường Nạp) hẹn nhau lên núi Nguyệt Luân bên sông Tiền Đường thề trọn đời yêu nhau trước tháp Phật Lục Hòa. Cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông (sách đã dẫn ở Kỳ 1) viết: “Hồi đó (1935) Đường Nạp đang làm việc cho tờ “Đại công báo” kiêm biên tập tạp chí và đạo diễn cho Công ty ảnh nghiệp Điện Thông, là một nhà bình luận đẹp trai, đa tình. Khi xem Lam Bình (tức Giang Thanh) biểu diễn, Đường Nạp quá mê phong cách của thị, đã đem lòng thầm yêu “kẻ phản nghịch xinh đẹp” đó. Còn Lam Bình thì vô cùng hâm mộ chàng tài tử sành điệu mà về địa vị xã hội,văn hóa, kinh tế.. mặt nào cũng đều ăn đứt Lam Bình. Cả hai người chẳng bao lâu đều đắm đuối trong dòng sông ái và thế là họ cưới nhau”… (còn nữa)

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 17: Mổ bụng tượng Phật tìm vàng