Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 52: Stalin - Mao Trạch Đông - Truman: “Ba ông Táo” của lò lửa Triều Tiên

04/09/2014, 17:54

Sông Áp Lục (dài 790km) là biên giới tự nhiên của hai nước Trung Quốc và Triều Tiên, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa liên quân Trung - Triều với liên quân Mỹ - Anh - Pháp - Úc - Bỉ - Hy Lạp - Philippines, có máy bay Mig15 của Liên Xô tham chiến, vào giữa thế kỷ 20.

Trước đó, chỉ trong vòng 10 năm, vùng sông Áp Lục đã phải gánh chịu bom đạn nặng nề qua hai cuộc chiến giữa Trung Quốc - Nhật (1894) và Nga - Nhật (1904), kết quả: Nga phải thừa nhận ảnh hưởng của Nhật tại Triều Tiên. Chưa đầy nửa thế kỷ sau, đến 1950, dòng sông lại một lần nữa bị lửa khói bao trùm, khuấy động, hầu hết những cây cầu bắc ngang qua sông bị đánh sập bởi cuộc chiến kéo dài gần 3 năm trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên, cùng miền đông bắc Trung Quốc, bị Nhật chiếm đóng với hơn 1.000.000 quân, 1800 máy bay, 25 tàu chiến, 1155 xe tăng và 5360 cỗ pháo trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuối cuộc chiến, Liên Xô phối hợp Mông Cổ tung hơn 1.500.000 quân, 5200 máy bay, 93 tàu chiến, 5300 xe tăng và pháo tự động mở đợt tấn công đại quy mô, đánh tan lực lượng trên của Nhật qua 23 ngày giao chiến (từ 9.8 đến 2.9.1945), giải phóng Triều Tiên ở phía Bắc.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Triều Tiên bị chia đôi đất nước theo hai chế độ chính trị khác nhau ở hai miền Nam – Bắc.

Miền Nam thành lập Chính phủ Đại Hàn dân quốc (Hàn Quốc) do tiến sĩ Lý Thừa Vãn làm tổng thống (tháng 8.1945) được Mỹ (thời Truman) cùng các nước đồng minh thân Mỹ đỡ đầu, đóng thủ đô tại Seoul.

Miền Bắc thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên do Kim Nhật Thành làm thủ tướng (tháng 9.1948) đồng thời là Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên (tháng 6.1949) được Liên Xô – Trung Quốc (thời Stalin Mao Trạch Đông) đồng bảo vệ, đóng thủ đô tại Bình Nhưỡng.

Hai miền Nam - Bắc lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới.

Kim Nhật Thành muốn xóa bỏ ranh giới ấy, thống nhất Triều Tiên bằng giải pháp quân sự, nên nhờ Stalin giúp đỡ phát triển lực lượng lục quân, không quân và tăng cường trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hơn hẳn Hàn Quốc (Nam Triều Tiên). Vài con số so sánh cho thấy chênh lệch về sức mạnh quân sự đôi bên dẫn từ tài liệu Tân Tử Lăng như sau (thời điểm 1950):

- Bắc Triều Tiên có 135.000 quân, gồm 10 sư đoàn bộ binh với đầy đủ quân số và vũ khí trang bị, một sư đoàn xe tăng với 150 chiếc T-34, nhiều pháo hạng nặng, 1 sư đoàn không quân với 180 máy bay chiến đấu tính năng cao.

- Hàn Quốc có 95.000 quân, 8 sư đoàn (chỉ có 4 sư đoàn gần đầy đủ quân số), 24 máy bay huấn luyện, không có xe tăng và vũ khí hạng nặng, thậm chí không có cả mìn chống tăng.

Với thế mạnh hơn hẳn, Kim Nhật Thành soạn thảo phương án “tác chiến thần tốc” đánh chiếm Hàn Quốc, bí mật sang Maxcơva gặp Stalin (cuối tháng 3.1950) để thỉnh thị ý kiến. Stalin đồng ý, hứa sẽ hỗ trợ. Kim lại bay đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông (giữa tháng 5.1950) trình kế hoạch và một số điều cơ mật trong chiến thuật của đợt tổng tấn công. Lúc đầu, Mao chưa đồng ý, vì “Trung Quốc vốn định giải quyết vấn đề Đài Loan trước rồi sẽ giúp Bình Nhưỡng sau”. Nhưng Mao nghe Kim nói Stalin đã duyệt, Mao thuận theo và hứa “nếu Mỹ can thiệp, Trung Quốc có thể xuất quân” giúp Kim.

Được Stalin và Mao Trạch Đông chấp thuận, Kim Nhật Thành bất thần đưa đại quân vượt vĩ tuyến 38 ào ạt tấn công Hàn Quốc từ rạng sáng 25.6.1950. Chỉ ba ngày sau, Kim uy hiếp, bức phá các trọng điểm phòng thủ ở vùng ranh giới phía Nam và nhanh chóng tiến chiếm được thủ đô Seoul.

Hay tin trên, tổng thống Mỹ Truman phái ngay các đơn vị hải quân, không quân Mỹ chi viện giải nguy Hàn Quốc và vận động Liên Hiệp Quốc ra quyết định đưa các lực lượng vũ trang giúp Hàn Quốc phản công. Diễn tiến cấp thời:

* 1.7.1950: Mỹ lập “cầu hàng không dã chiến” đưa sư đoàn bộ binh số 24 từ Nhật đổ bộ xuống Pusan (Hàn Quốc).

* 7.7.1950: gần bốn vạn quân của 15 nước phối hợp với quân đội Mỹ do trung tướng Waiker đảm nhiệm (chỉ huy liên quân) bắt đầu triển khai chiến đấu trên mặt trận Triều Tiên dưới quyền điều động của tướng Mỹ Mc Arthur (tổng tư lệnh).

Ban đầu, ưu thế nghiêng về phía quân Bắc Triều Tiên. Họ đánh dạt sư đoàn 24 Mỹ khỏi phía Nam thủ đô Seoul khoảng 48km, rồi thừa thế tiến như lửa gió sâu về phương Nam, tràn chiếm gần hết lãnh thổ Hàn Quốc. Quân Mỹ buộc phải lùi xuống dưới vĩ tuyến 35, lập tuyến phòng ngự ở Pusan. Chính ở đó, đại quân của Kim bị chặn đứng nhiều ngày.

Đây là khoảng thời gian mà Mao Trạch Đông ít nhất đã hai lần lên tiếng nhắc lại lời cảnh báo Kim “không được chủ quan, khinh địch”, phải hết sức đề phòng Mỹ đánh “sau lưng”. Bởi Mao phán đoán rằng, động thái của Mỹ khi điều Hạm đội 7 rời vùng biển Philippines đến án ngữ eo biển Đài Loan ngay giai đoạn đầu của cuộc chiến (28.6.1950), cùng những hoạt động quân sự khác ở vĩ tuyến 38 - 36 là “có ý đồ phong tỏa hậu phương, để triệt đường tiếp vận lương thực, vô hiệu hóa hoạt động hậu cần”, đẩy quân tham chiến ngoài mặt trận của Kim vào cảnh thiếu thốn, không đánh mà tự tan. Nhưng Kim không nghe, cứ ham “đánh nhanh thắng nhanh”, một mực thúc 8 sư đoàn chủ lực của mình bằng mọi giá phải vượt tuyến phòng ngự Pusan tiến chiếm hết phần đất còn lại của Hàn Quốc để “thống nhất Triều Tiên”.

Nhưng sau 50 ngày tấn công tận lực (15.8.1950), quân Kim như “mũi tên bay hết đà” (chữ dùng của Tân Tử Lăng) và như “mãnh hổ sa lầy” (theo Th.Huethien) bắt đầu khựng lại, không đủ sức vượt qua nổi phòng tuyến Pusan. Mỹ biết, nương thế đó, ném thêm Lữ đoàn 1 Thủy quân lục chiến và Sư đoàn 2 Bộ binh vào vòng chiến, tạo “hàng rào thép Pusan” cầm giữ 8 sư đoàn của Kim tại chỗ, rất dễ “làm mồi” cho máy bay sát phạt…(còn nữa)
>> Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 52: Stalin - Mao Trạch Đông - Truman: “Ba ông Táo” của lò lửa Triều Tiên