“Lên núi” nào ? Nguyệt Luân.
So với nhiều danh sơn khác, núi Nguyệt Luân không cao và hình dáng cũng chẳng đặc sắc hơn mấy. Tuy vậy, cái tinh hoa kỳ đặc của một ngọn núi không hẳn phải luôn luôn lồ lộ ra ngoài, trái lại lắm khi tiềm ẩn bên trong.
Như trường hợp Cửu Long Sơn “tuy không cao nhưng thẳng đứng, không nghiêng lệch, dốc mà không hiểm, giống như một vị quân tử đứng giữa trời đất uy nghiêm” - không lộ sắc giận mà người khác vẫn sợ. Vẻ kỳ bí ấy được khám phá bởi “cặp mắt rất lợi hại” của Phong thủy đại sư Lưu Bá Ôn: “Trên lưng ngọn Cửu Long Sơn có lõm xuống một vùng đất rộng (…) linh khí của toàn long mạch đều tập trung nơi đây”.
Đứng trước vách đá cao, nằm lưng chừng sườn núi, Lưu Bá Ôn đưa tay chỉ cái hang nhỏ: “Hang này nằm đúng cái rún của tổ rồng, long khí chí cường”nên những con chồn bắt gà rừng đem đến cất ở đó, dầu lâu ngày vẫn không bị hư thối, “mùi vị lại cực ngon chính là do nguyên nhân long khí đã ướp chúng để không còn là thực phẩm trần gian” mà trở thành dưỡng chất của bậc tiên gia.
Có người thử vận hết thần công lực vỗ ra một chưởng đánh vào cửa hang, với sức mạnh của chưởng lực “ngay cả một con trâu lớn cũng bị đánh nát” - nhưng cửa hang nhỏ bé sơ sài đầy cỏ dại kia vẫn không bay mất một hạt bụi. Ngược lại, người tung chưởng “bị hút vào hang, toàn thân mềm nhũn” - theo Phong thủy đại sư Lưu Bá Ôn, nguyên tác Tiêu Hiển, NXB Thanh Hải - Trung Quốc, Anh Vũ và Kim Đồng dịch, NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội 2002, tập II, trang 1910-1914.
Tuy không vào hàng phong thủy vang danh như Cửu Long Sơn, nhưng Nguyệt Luân là sơn địa “long xà” của Phật pháp. Theo Phật Quang đại từ điển (do Hội Biên tu Phật Quang Sơn, Đài Loan biên soạn) và Từ điển Phật học Huệ Quang (Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB Tổng hợp TP.HCM 2003-2005), thì trên núi Nguyệt Luân có ngọn tháp cao 64m, bên trong đặt tấm bia khắc kinh Kim Cương, nay vẫn đứng giữa gió trời lồng lộng như đã đứng tự tại vô ngại suốt hơn 1.000 năm qua (xây năm 970).
Núi có tên Nguyệt Luân - tức Mặt trăng; vì mặt trăng (nguyệt) tròn như bánh xe (luân) nên ghép gọi như thế - thông nghĩa với từ “Nguyệt Luân quán” là một trong những phép quán cơ bản của Mật tông. Muốn thực hành phép quán này, trước tiên hành giả “vẽ một vòng tròn (tựa mặt trăng ngày rằm) đường kính một khuỷu tay, trong vòng tròn vẽ hoa sen trắng 8 cánh (hoặc vẽ vầng trăng trên hoa sen), trên hoa sen vẽ một chữ “A” màu vàng, rồi ngồi kiết già, mặt đối diện với hình vẽ, hai tay bắt ấn, quán tưởng tâm mình cũng như vầng trăng ấy (…) và như ánh trăng vàng chiếu khắp hư không mà không hề có phân biệt” - Từ điển Phật học Huệ Quang, tập III, tr. 3075.
|
Đám cưới của Giang Thanh và 2 cặp tài tử khác trên núi Nguyệt Luân - Ảnh: TL |
Giang Thanh lên núi ấy tạm nói ví von giống như “cọp về rừng”.
Vì, nhắc lại, Giang Thanh tuổi Giáp Dần (sinh 1914), mạng Đại khê thủy tức “dòng suối lớn” (khác với Giản hạ thủy là con suối nhỏ). Cầm tinh con cọp, với vận số “lập định chi hổ” (cọp có thế đứng vững chãi) và lại là con cọp đang “đói” tình yêu, nên đã cõng “miếng mồi ngon” Đường Nạp lên tận đỉnh Trăng tròn (Nguyệt Luân) để hẹn thề. Dù nền học vấn của Đường Nạp khá vững (từ cửa Đại học Saint John’s Thượng Hải bước ra) nhưng anh quên mất một lẽ thường nhân thế: “họa hổ họa bì nan họa cốt - tri nhân tri diện bất tri tâm”, nghĩa nôm na: vẽ con hổ dễ vẽ màu da bên ngoài của nó (họa bì) chứ không sao vẽ xương nó được (họa cốt). Cũng vậy, biết người biết mặt (tri nhân tri diện) chứ không thể đo lòng dạ của người ấy (bất tri tâm).
Nữ hổ Giang Thanh bề ngoài rất xinh đẹp, ứng xử khá thông minh, danh tiếng lớn hơn nhiều so với tuổi đời của cô lúc ấy (năm 1936, 22 tuổi), nhưng Giang Thanh có trái tim quá đỗi lãng mạn, thành nghệ sĩ điển hình của “đợt sóng mới” đương thời, sống và yêu không cần hôn thú. Cô trách người yêu:
- Sao anh cứ đòi cưới tôi? Suy nghĩ của anh về hôn nhân quá hẹp, không còn hợp thời nữa. Đã sống chung với nhau thế này là đã yêu nhau rồi, cần gì làm lễ cưới thêm phiền phức.
Tuy vậy, trước ngày xa Đường Nạp, Giang Thanh chấp thuận làm lễ thành hôn trên đỉnh Nguyệt Luân, như cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông viết: “Năm 1936, vào mùa xuân, ba cặp tình nhân thuộc lớp nghệ sĩ mới ở Thượng Hải là Lam Bình (nghệ danh của Giang Thanh) và Đường Nạp, Triệu Đan và Diệp Lộ Xuyến, Cố Nhi và Đỗ Lộ Lộ, đã cùng nhau tới tháp Lục Hòa (núi Nguyệt Luân) ở Hàng Châu làm đám cưới tập thể. Luật sư Thẩm Quân Nho đứng ra làm chứng cho đám cưới ba cặp đó. Trong ba cặp, chỉ duy nhất có Lam Bình và Đường Nạp là không cần giấy hôn thú vì Lam Bình cho rằng: nếu không vì tình yêu thì hôn thú chẳng qua cũng chỉ là thứ vô dụng”.
Nhưng rồi - tấm chăn hạnh phúc vốn đã không được rộng, thế mà Giang Thanh chẳng những kéo đắp nhiều về phía mình, lại còn nỡ “đắp” thêm cho người tình khác nữa, làm Đường Nạp đương nhiên bị lạnh, cô độc buồn thương nhảy xuống sông Hoàng Phố tự vẫn (còn nữa)
Giao Hưởng
Kỳ 17: Mổ bụng tượng Phật tìm vàng
Kỳ 16: Lâm Bưu - Phút cuối đời và con số 13 định mệnh
Kỳ 15: Chu Ân Lai - mệnh lệnh lúc 0 giờ
Kỳ 14: Lâm Bưu lập "trung ương riêng" ở Quảng Châu
Kỳ 13: Mao Trạch Đông 3 lần thoát chết trên đường tàu
Kỳ 12 - Kế hoạch số 571: Mưu sát Mao Trạch Đông
Kỳ 11: Lâm Bưu cướp diễn đàn “cứu giá“
Kỳ 10: “Bớt vài tấn đất” ngọn Chomolungma vẫn cao như thế?!
Kỳ 9: Đại hội của 7.000 người lãng mạn chính trị
Kỳ 8: Giang Thanh một bước lên trời