Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 14: Lâm Bưu lập "trung ương riêng" ở Quảng Châu

03/07/2014, 04:30

Lâm Bưu tuyên bố với thuộc hạ: Ai giết Mao Trạch Đông và hoàn thành nhiệm vụ của mình được giao theo “kế hoạch 571” đều là khai quốc nguyên huân (người có công đầu) của nền “đệ nhị Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” do Lâm khai sáng !

Được Phó thống soái hứa hẹn, kích động, những sĩ quan có trách nhiệm theo dõi chuyến tuần du của Mao Trạch Đông đã không rời mắt khỏi đường tàu cũng như những nơi Mao Trạch Đông dừng nghỉ. Họ thu thập tin tức mới nhất gởi về “bộ tư lệnh tối cao” của Lâm Bưu đang đặt tại một biệt thự ở Bắc Đới Hà. Qua đó, Lâm Bưu và phu nhân Diệp Quần, cùng con trai Lâm Lập Quả và các tham mưu lọc ra những điều cần thiết giúp họ đi đến các quyết định cơ mật của cuộc đảo chánh và mưu sát Mao, nhất là nội dung các cuộc đàm thoại giữa Mao Trạch Đông với Hoa Quốc Phong (Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hồ Nam), Lưu Kiên Huân (Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hà Nam), Đinh Thịnh (Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu), Lưu Hưng Nguyên (Chính ủy Đại quân khu Quảng Châu), Hàn Tiên Sở (Tư lệnh Đại quân khu Phúc Châu); Trình Thế Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban cách mạng Giang Tây)… Trong các cuộc tiếp xúc trên, Mao lên tiếng phê phán Lâm Bưu đang tập hợp lực lượng ngấm ngầm chống lại Mao, không chỉ bằng thái độ nhất thời, mà có cả “cương lĩnh và tổ chức” lâu dài. Nhằm giải quyết “vấn đề Lâm Bưu”, Mao Trạch Đông thông báo:

- Sắp tới tôi định sẽ về Bắc Kinh ngày 23.9 và sẽ triệu tập Hội nghị trung ương từ ngày 25.9 đến 29.9, nêu rõ những sai lầm của Lâm Bưu.

Mao còn nói tại Hội nghị ấy sẽ cử người khác thay Lâm Bưu làm Phó chủ tịch đảng. Nội dung một bản mật báo dày 16 trang do Cố Đồng Chu, Tham mưu trưởng Không quân Quảng Châu, cung cấp đến Chu Vũ Trì, Phó chủ nhiệm Văn phòng Không quân ở Bắc Kinh ghi rõ những đàm thoại trên. Chu Vũ Trì lập tức đáp máy bay đến biệt thự ở Bắc Đới Hà trao tận tay Lâm Lập Quả.

Cùng thời điểm, bản mật báo khác từ “nguồn” của Lưu Phong (Chính ủy Đại quân khu Vũ Hán), gởi đến Hoàng Vĩnh Thắng (Tổng tham mưu trưởng Quân đội - người của Lâm Bưu) có cùng nội dung như Cố Đồng Chu đã gởi.

Phân tích hai bản báo cáo (của Cố Đồng Chu và Lưu Phong), Lâm Bưu rút ra hai điểm “nóng” nhất: 1. Mao Trạch Đông sắp ra tay hạ gục Lâm Bưu trong Hội nghị Trung ương đảng sắp mở vào cuối tháng 9.1971. 2. Mao sẽ về Bắc Kinh “ngày 23.9”.

Điểm thứ nhất làm Lâm Bưu giận run người - vì cho biết Mao Trạch Đông muốn kết thúc số phận của nhà họ Lâm chỉ trong vòng hơn nửa tháng tới, nên buộc Lâm phải ra tay trước. Điểm thứ hai giúp Lâm Bưu nắm được ngày về Bắc Kinh của Mao Trạch Đông (23.9) để theo đó ấn định giờ đặt mìn giật sập cầu Thạc Phóng (nằm giữa Tô Châu và Vô Tích) hất chuyên xa chở Mao Trạch Đông xuống dòng nước xiết. Lúc bấy giờ (10.9.1971), việc thám sát địa điểm thích hợp để đặt mìn công phá đã xong, song vì hay tin “ngày 23.9” Mao mới về Bắc Kinh nên Lâm Bưu và Lâm Lập Quả chưa vội triển khai phương án đó. Không ngờ, Mao Trạch Đông quyết định thay đổi lịch trình, về sớm hơn dự định (xem Kỳ 13), nên chuyên xa chở ông đã vượt qua cầu Thạc Phóng an toàn.

Vậy là Mao Trạch Đông thoát khỏi “thần chết 571” ba lần: 1. Vương Duy Quốc không có cơ hội nổ súng ám sát. 2. Không thể tiếp cận để đánh bom kho xăng gần chuyên xa của Mao Trạch Đông ở sát sân bay Hồng Kiều (Thượng Hải) được. 3. Phương án gài mìn phá cầu Thạc Phóng phá sản trước giờ G.

Nhận tin Mao Trạch Đông thoát vòng vây, đang tiến về gần Bắc Kinh, Lâm Bưu và Diệp Quần sửng sốt, Lâm Lập Quả ôm mặt khóc.

Phần Mao Trạch Đông, lúc chuyên xa về đến ga Phong Đài trưa 12.9.1971, dầu chỉ cần chạy khoảng 20 phút là đến Bắc Kinh, nhưng ông ra lệnh dừng lại, không vào Bắc Kinh vội. Đây là động thái rất thận trọng của Mao Trạch Đông, vì ông biết Lâm Bưu đang nắm cơ mật của đảng và nhà nước, thông thuộc địa hình Trung Nam Hải, biết rất rõ vị trí các phòng ban của Trung ương đảng tại đó, nên ông phải hết sức cảnh giác, đề phòng Lâm Bưu có thể mở cuộc tập kích bất ngờ vào nơi ở của ông. Ông lệnh Lý Đức Sinh - Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh và Ngô Đức - Bí thư thị ủy Bắc Kinh kiêm Ủy viên chính trị đơn vị đồn trú bảo vệ Bắc Kinh biết và chờ sẵn trong phòng trực ban của ga Phong Đài, bảo họ điều ngay tức khắc một sư đoàn của Quân đoàn 38 đến trấn ải cửa Nam của thủ đô, tạo vòng đai sắt an toàn cho Trung Nam Hải.

Lúc đó, Lâm Bưu biết kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông đã bị vỡ, nên đã huy động 8 máy bay, trong đó có 2 chiếc Trident, 2 chiếc Il-18, 1 chiếc lên thẳng Skylark, để chở “bộ tư lệnh” của mình với các ủy viên Bộ chính trị “ăn cánh” đến Quảng Châu. Đồng thời phía Quảng Châu cũng sẵn sàng tiếp nhận máy bay hạ cánh để đón “trung ương đảng” của Lâm Bưu đến đó phát động cuộc nội chiến chống lại Mao Trạch Đông. Nếu trót lọt, hẳn nhiên sẽ không tránh được cảnh máu đổ ở “thành phố hoa mộc miên” Quảng Châu. Vào giờ phút cam go ấy, thủ tướng Chu Ân Lai đã xuất hiện… (còn nữa)

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 14: Lâm Bưu lập "trung ương riêng" ở Quảng Châu