Nếu không có chỉ đạo từ trung ương, liệu quan chức tỉnh Quảng Đông và công an địa phương có dám tự ý bắt giết các nhà sư, lùng sục lấy hết lương thực thuốc men chở đi và phong tỏa nhà chùa suốt 89 ngày sau đó?
1. VÌ SAO “LÃO GIÀ ẤY ĐÁNH MÃI MÀ KHÔNG CHẾT”?
Ngày Pháp nạn thứ 11:
Thứ ba 10.4.1951 (mồng 5.3 Tân Mão): “Nghe tin Sư (Hư Vân) vẫn chưa chết, chúng bèn xông vào thất, thấy Sư vẫn ngồi nhập định như cũ, chúng càng căm tức, tiếp tục dùng gậy gộc, côn sắt đánh đập và lôi Sư xuống đất. Cả chục tên mang giày đinh, leo lên người Sư mặc sức giày xéo, giẫm đạp… Tai, mắt, mũi, miệng của Sư đều xuất huyết. Sư nằm dài trên đất, không nhúc nhích. Chắc mẫm là Sư đã chết, chúng bèn bỏ đi. Đêm xuống, vị tăng thị giả (theo hầu sư phụ) lại đỡ Sư lên giường, Sư ngồi ngay ngắn như cũ”.
Bị trọng thương, không ăn uống, không thuốc men, ngài Hư Vân vẫn giữ tư thế tĩnh tọa đến ngày Pháp nạn thứ 16:
Chủ nhật 15.4.1951 (mồng 10.3 Tân Mão): “Sư từ từ nằm xuống theo thế cát tường (giống như tượng Phật nhập niết bàn). Trải qua một ngày một đêm không thấy động tĩnh, thầy thị giả bèn lấy đèn cầy soi trước mũi Sư, thấy ánh lửa không dao động, nghĩ là Sư đã viên tịch, nhưng lại thấy cơ thể Sư còn ấm, nhan sắc vẫn tươi tốt như thường nên hai vị thị giả đứng bên canh chừng”.
Thứ hai 16.4.1951 (11.3 Tân Mão): “Nghe Sư cất tiếng rên nho nhỏ, thị giả vội đỡ Sư ngồi dậy rồi trình ngài rõ thời gian đã qua. Sư nói: “Ta có cảm tưởng như mới vài phút thôi”. Rồi Sư chậm rãi nói với thị giả Pháp Vân: “Thần thức thầy đi lên cung trời Đao Lợi nghe pháp, thật là cảnh giới thiền định sâu xa, khổ vui đều xả (…) thấy Bồ tát Di lặc đang ngồi trên tòa thuyết pháp, thính chúng rất đông…” (Thơm ngát hương lan – sđd. Kỳ 49, tr. 329-330)
Mấy ngày sau nữa, nhóm người hành hung quay lại, biết ngài vẫn còn sống, họ thấy “quá lạ lùng” và “bắt đầu dao động, lo lắng” – chất vấn các vị tăng:
- “Này, lão già đó vì sao đánh mãi mà không chết vậy?”.
Các thầy trong chùa trả lời: “Vì ngài là một vị thánh tăng” và kể họ nghe về ngài, đại ý như sau:
Ngài chào đời từ một bọc thịt xé ra.
Lên 17 tuổi, thân phụ ngài (làm quan tỉnh Phúc Kiến) muốn ngăn ngài xuất gia nên đã rước một lượt hai tiểu thư họ Điền và họ Đàm về nhà cử hành hôn lễ cho ngài. Ngài vẫn giữ chí thoát tục, trốn lên núi Cổ Sơn xin hòa thượng Thường Khai xuống tóc. Năm 28 tuổi, ngài sống độc cư trong một thạch động hẻo lánh trên ngọn núi cao. Hằng ngày chuyên tu và chỉ uống nước suối, ăn rau rừng lá dại và trái cây rụng, quần áo giày vớ dần rách nát. Ngài nói:
- Cổ nhân bảo tiếng vang của một chiếc bình bát còn đi xa hơn cả muôn ngàn tiếng chuông – dĩ nhất bát khinh vạn chung – riêng ta bình bát cũng chẳng có, nên được ung dung tự tại vô ngại.
Ba năm sau, râu tóc dài quá ngực, thân hình gầy guộc nhưng bước đi của ngài thanh thoát, nhanh lẹ như bay, thêm đôi mắt sáng rực, nên những tiều phu lên rừng đốn củi thấy ngài từ xa đi tới, ngỡ yêu quái, bỏ chạy. Năm 30 tuổi, ngài xuống núi…
2. TRIỀU SƠN “THƠM NGÁT HƯƠNG LAN”:
Những năm chủ tịch Mao Trạch Đông còn thơ ấu (sinh 1893), hòa thượng Hư Vân (sinh 1840) đã là vị danh tăng thân hành vạn lý, được mọi người bái phục qua cuộc triều sơn “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) của ngài. Khởi hương từ núi Phổ Đà, ngài đi bộ ròng rã suốt hai năm (1882 – 1884): qua Giang Triết, Trung Châu, Hoàng Hà, Thái Hành, lên “thánh cảnh Thanh Lương tại núi Ngũ Đài – nơi Bồ tát Văn Thù thường phóng quang”.
Chuyến về, ngài vào đất Tây Tạng, đến Bhutan, Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện. Tới núi Kê Túc (nơi tương truyền tôn giả Ma-ha Ca-diếp đang ngồi nhập định), ngài dâng hương lễ bái, tự nhiên có âm thanh của ba tiếng đại hồng chung từ núi sâu vang ra, tuyệt nhiên chẳng thấy bóng người và gác chuông đâu cả “dân chúng địa phương đều vui mừng lễ bái theo và nói: hễ mỗi lần có bậc thánh nhân đến thì tự nhiên đều nghe tiếng chuông trống, mõ khánh vang lên, chúng tôi đã từng nghe tiếng khánh mõ mà chưa từng nghe tiếng đại hồng chung như hôm nay, chắc hẳn đạo hạnh của ngài phải cao lắm”.
Năm ấy ngài 45 tuổi, qua núi Thủy Mục để vào chùa Cao Đỉnh “vừa mới đến, mùi hương của hoa lan bay khắp cả , vị tăng tri sự (thầy quản lý các công việc của chư tăng trong chùa viện) chúc mừng: “Thượng tọa đến, vị thần hoa lan phóng ra hương thơm, thật là kỳ diệu. Trong tài liệu của nhà chùa viết rằng núi này có vị thần hoa lan vô hình dạng, nếu cao tăng đến thì phóng tỏa hương thơm. Nay mùi hương của hoa lan bay đầy khắp núi, chắc là do đạo đức của thượng tọa cảm nên vậy” (Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong - Đường mây trên đất Hoa - biên dịch từ bản chữ Hán “Biên niên tự thuật của hòa thượng Hư Vân” của Sầm Học Lữ và bản tiếng Anh “Empty Cloud” của Charles Luk - Ấn bản lưu giữ ở Thư viện chùa Phật học Xá Lợi – TP. HCM, ký hiệu VH 145, tr. 41-42). Những chuyện khác:
Ngài “giảng kinh thì cây khô sống lại (…) cầu mưa được mưa, cầu tuyết được tuyết, toan tính điều gì đều có các thần ngầm phù trợ: giúp dời đá, lấp sông” – từ long vương, thọ thần, đến loài bò, loài hổ đều tìm đến xin thọ giới (Thơm ngát hương lan – sđd. tr.6).
Báo chí Trung Quốc mô tả: “hòa thượng Hư Vân có vóc dáng cao, thanh gầy, đã hơn trăm tuổi rồi…râu tóc bạc trắng, do không thường cạo nên dài ngót mấy tấc, chòm râu bạc phất phơ hiền hậu, hiện tướng trưởng lão an nhiên, cái cốt cách đạo mạo, thanh cao của ngài nhìn có vẻ giống pho tượng Phật Tuyết sơn” (Thánh Phác).
Một thầy thuốc khen: “cả đời ông chưa bao giờ bắt được ai có loại mạch thuần dương như ngài” (Tưởng Duy Kiều). Ngài ẩn tu tại Chung Nam “mỗi lần nhập định cả tháng mới xuất, trong lúc tĩnh tọa, áo rách cỏ phủ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, mấy chục năm cũng như một ngày. Khi gặp cảnh danh lam trong nước bị hoang phế thì đứng ra lo trùng tu, đích thân làm mọi việc lao dịch, xây dựng xong thì giao lại cho chư tăng làm chủ, điềm nhiên ra đi” (Lưu Chiêm Minh).
Dầu xuất thân từ cửa Thiền tông nhưng ngài luôn xiển dương Tịnh độ tông, chỉ rõ: “Pháp của Phật nói ra, không một pháp nào mà không nhằm vào chữa trị bệnh khổ cho chúng sinh. Pháp môn niệm Phật gọi là thuốc tổng trị tất cả bệnh”.
3. KHỦNG BỐ VÂN MÔN CHỈ VÌ “CÓ VÀI HIỂU LẦM NHỎ”!:
Khi Mao Trạch Đông tuyên bố khai sinh nước CHND Trung Hoa năm 1949, ngài Hư Vân đã 109 tuổi và đang tiếp thừa mạng mạch thiền tông của năm hệ phái (ngũ gia): Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng.
Năm hệ phái này có nguồn cội xa xưa từ thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền tâm ấn cho ngài Ca-diếp làm tổ thứ nhất (sơ tổ) tại Ấn Độ. Và ngài Bồ-đề Đạt-ma (tổ thứ 28) truyền vào Trung Quốc. Đến ngài Huệ Năng (tổ thứ 33) tỏa thành “năm cánh hoa thiền” (năm hệ phái trên) rồi “quy vào” một ngài Hư Vân nắm sứ mệnh chuyển tiếp.
Thời đó, ảnh hưởng của Phật giáo trong dân chúng Trung Hoa quá mạnh, cũng như uy tín và đạo lực của ngài Hư Vân quá lớn, đã không khỏi làm Mao Trạch Đông băn khoăn (vì giai đoạn ấy Mao đang muốn san phẳng tất cả “đỉnh cao tinh thần” trong xã hội, trước mắt mình, để lấy mặt bằng xây dựng “thượng tầng kiến trúc” Maoisme).
Khi Mao đưa người chiếm đóng chùa Nam Hoa (đạo tràng do lục tổ Huệ Năng khai sáng ở Tào Khê) và “khủng bố trắng” Vân Môn, đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của công luận. Đoàn thể Phật tử ở các nước viết thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ nước họ lên tiếng can thiệp, buộc Mao phải chùn tay lại:
“Đầu tháng 5.1951, trước áp lực trong cũng như ngoài nước, chính quyền Bắc Kinh phái một viên chức cao cấp cùng các nhân viên đến huyện Khổng Nguyên để “điều tra sự vụ” (…) thả các vị tăng đang bị nhốt trong tù ra. Vài hôm sau, họ đem mấy tên công an đã đánh đập ngài đến để cho ngài nhận diện nhưng ngài từ chối không chịu khai báo gì hết. Ngài cũng từ chối không ký tên vào bản cáo trạng nên sau cùng phái đoàn trung ương chỉ lập biên bản lấy lệ, nói rằng chỉ có một vài hiểu lầm nhỏ, không đáng kể mà thôi(!)”. Sự biến thảm khốc ở Vân Môn từ 24.2 đến 23.5.1951 chấm dứt.
Để làm dịu bớt áp lực từ công chúng trong nước và Phật giáo đồ thế giới, chính phủ Bắc Kinh bốn lần mời ngài Hư Vân về thủ đô thành lập Hiệp hội Trung Quốc Phật giáo do ngài làm chủ tịch – nhưng ngài từ chối không làm. Ngài chỉ đứng ra thay mặt Phật giáo Trung Quốc nhận các bảo vật do Phật giáo Tích Lan trao tặng trong một buổi lễ hết sức long trọng có mặt các đại biểu Phật giáo nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Miến Điện, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ (1.10.1952). Bắc Kinh cũng cho mở Pháp hội cầu nguyện thế giới hòa bình và Đạo tràng Thủy lục tại Thượng Hải do ngài chủ trì. Ngài nói: “Tôi vì tương lai Phật pháp nên mới phải về Bắc Kinh chuyến này”.
4. MAO TRẠCH ĐÔNG HÒA HOÃN – CHO MỞ “PHÁP HỘI THỦY LỤC”:
Nhiều thế kỷ trước, những tu sĩ của các tôn giáo vẫn bị không ít người chỉ trích là đã quay lưng “rời bỏ thế gian”. Ngày nay, các học giả phương Tây nhận ra: “sự rời bỏ thế gian đôi khi là con đường nhanh nhất và thiết yếu để tìm lại thế gian trong thực tại của nó với đầy đủ ý nghĩa, sự quân bình và lợi lạc” – ngay cả khi đang đọc tụng các giáo huấn từ Kinh Hoa Nghiêm, hoặc Kinh Thánh, là lúc đang chuyển hóa “Ngôi Lời trở thành xác thịt” nhập thế (Jean-Paul Ribes, Lời tựa Đức Dalai Lama nói về Chúa Jésus, Vĩnh An dịch, NXB Hồng Đức - Hà Nội quý I-2014, tr. 10).
Nhập thế, ngài Hư Vân nhắc: “Thiên đường sẵn lối nhưng người ta không chịu đi – Địa ngục không có cửa mà ai nấy cứ xông vào”. Oan không? Ngài lập đàn giải oan, không chỉ cho kẻ “chọn địa ngục” mà cả cho những người vô tội bị “lạc thiên đường”. Ngài kiến lập pháp hội Thủy lục truy điệu chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn sau đệ nhị thế chiến (18.8.1946 tại Quảng Châu) trong vùng Tưởng Giới Thạch. Và lần khác (12.12.1952 đến 28.1.1953 tại chùa Ngọc Phật – Thượng Hải) dưới thời Mao Trạch Đông, thu hút hàng mấy trăm ngàn người dự, nghe ngài khai thị:
“Sao gọi là Thủy lục? Thủy tức là nước tại sông biển ao hồ. Lục tức là đất đai tại núi non, cao nguyên, đồng bằng. Thủy lục (đất nước) bao hàm cả hư không. Nếu là vật có hình tướng thì không vượt ngoài ba vật này (đất, nước, hư không)(…) Các chiến sĩ trận vong trong thời kỳ kháng chiến, xả thân báo quốc. nhưng hồn họ vất vưởng, không nơi nương tựa. Vì tôn sùng ân đức này, chúng ta kiến lập đàn tràng để cầu siêu độ cho họ. Nghĩa dân bất khuất, lưu lạc đường hoang, nhà tan người mất, không hàng phục quân địch, trung thành vì nước. Cô hồn cô chủ lang thang khắp nơi. Lại có những vong hồn uổng tử, chết vì bị trúng đạn, xe cán, bệnh dịch, chết đuối chết oan… chúng ta phải đều cầu siêu độ hết để an ủi chúng sanh ở cõi U linh. Kẻ chết được an, người sống được ích lợi, tức là làm lợi ích khắp cõi dương và cả cõi âm” (Pháp ngữ của thiền sư Hư Vân - Thích Hằng Đạt dịch, NXB Phương Đông – TP. HCM, quý III-2011, tr.59).
Đức Phật từng nói về “một người đàn ông bị mũi tên bắn trúng và ngã lăn dưới chân chúng ta. Có phải chúng ta sẽ đi tìm lai lịch của người bắn? Lai lịch của người buôn bán cung ? Loại gỗ mà mũi tên được làm ra? Không. Chúng ta cần phải lập tức tìm ra loại thuốc để chữa lành và cứu sống người bị nạn” (Jean-Paul Ribes - sđd. tr. 7). Cũng vậy, với ngài Hư Vân, việc cần kíp là phải lập đàn siêu độ tức khắc cho tất cả oan hồn uổng tử bị “mũi tên” của bất hạnh bắn trúng và tử thương, chứ đừng mất thời gian tìm hiểu lý lịch “từng con ma” một...
5. BIÊN GIỚI ĐẠO VÀ ĐỜI: “VÔ TƯỚNG” VÀ “HỮU TƯỚNG”:
Đến 1958, lúc Mao Trạch Đông phát động Đại tiến vọt đã mở cuộc “tranh đấu bài trừ hòa thượng Hư Vân (…) gán cho ngài nào là: tham ô, phản động, kết bè phái, tư tưởng lệch lạc, lạm truyền giới pháp (…) gọi ngài là: lão già ngoan cố, là hạng sâu mọt đục khoét và hô hào mọi người nên lật đổ, đem ngài ra tẩy não, cải tạo. Lúc này tăng chúng toàn quốc thảy đều lo lắng bất an. Chùa Nam Hoa, Vân Môn đồng lên tiếng biện bạch, cải chính, nhưng Sư không cho” (Thơm ngát hương lan – sđd. tr. 551).
Năm sau 1959, ngài bảo: “Ta nằm mộng thấy một con bò đạp gãy cầu Phật Ấn, lại thấy dòng suối Bích Khê ngừng chảy”. Năm ấy Sư qua đời, thọ 120 tuổi, để lại câu liễn: “Hai tay nắm sơn hà đại địa, bóp dẹp vo tròn, nghiền nát xong tung khắp hư không, vận (chuyển) vô sắc tướng” (Lưỡng thủ tương sơn hà đại địa, niết biến tha viên, kháp toái liễu tát hư không, hỗn vô sắc tướng) – Hạnh Đoan dịch.
Ngược lại, Mao Trạch Đông miệt mài với “hữu tướng” – đất đai và súng đạn:
Ông nắm giang sơn lục địa rộng 9,6 triệu kilô mét vuông (gần bằng diện tích cả châu Âu) với đường biên giới dài ngót 20.000 km chạy qua 14 quốc gia (Việt Nam, Lào, Mianma, Butan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Mông Cổ, Nga và Triều Tiên). Nỗi lo “chiến tranh biên giới” canh cánh bên lòng Mao, vì:
“Trung Quốc tự thấy bị bao vây bởi những lực lượng thù địch một cách tiềm tàng. Ở phía Bắc, tức là hướng mà từ đó, về lịch sử mà nói, những cuộc xâm chiếm của “những người dã man” (Hung nô) đã xảy ra, sừng sững có Liên Xô cũ – ở phía nam là Ấn Độ, phía đông nhìn thấy Nhật Bản” (Amter, sđd Kỳ 25. tr. 377). Vừa buông súng để lập quốc năm 1949, ngay cuối năm sau – 1950, quân đội Mao đã phải cầm súng lên lại để đối đầu với sư đoàn bộ binh số 24 Mỹ và 39.000 binh sĩ liên quân 15 nước dàn trận bên này biên giới Triều Tiên, chỉ cách Trung Quốc một dòng sông… (còn nữa)
>> Hồ so8 đặc biệt: Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Giao Hưởng